(Baothanhhoa.vn) - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 37-CT/TW), nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao được nâng lên, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của Nhân dân.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 37-CT/TW), nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao được nâng lên, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của Nhân dân.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề caoHọc sinh, sinh viên tham gia học nghề tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa.

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW và các chủ trương của Trung ương đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương để tổ chức thực hiện trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản, với sự tham gia tích cực, hiệu quả của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị với nhiều hình thức đa dạng tạo được sự lan tỏa sâu rộng.

Cùng với đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đáp ứng yêu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, cuối năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh có 102 cơ sở dạy nghề thì đến tháng 3/2019 giảm xuống còn 89 cơ sở GDNN (giảm 13 cơ sở so với cuối năm 2014). Sau khi tiến hành sắp xếp lại thì đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 66 cơ sở GDNN (giảm 23 cơ sở). Trong đó, có 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp, 24 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện, 9 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Toàn tỉnh có 9 cơ sở GDNN được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phê duyệt đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 với 15 ngành nghề trọng điểm ở 3 cấp độ: cấp độ quốc tế (1 nghề), cấp độ ASEAN (3 nghề) và cấp độ quốc gia (11 nghề). Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh sắp xếp lại các cơ sở GDNN, việc nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao được chú trọng. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tư vấn, phân luồng, định hướng cho học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề. Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch và giao Sở LĐ-TB&XH tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở GDNN về cả trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học, nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về GDNN. Đến nay, toàn tỉnh có 1.675 giáo viên và cán bộ quản lý GDNN, trong đó: tiến sĩ 21 người (chiếm 1,25%); thạc sĩ 375 người (chiếm 22,38%); đại học 882 người (52,65%), cao đẳng 155 người (9,25%); trung cấp và trình độ khác 242 người (14,44%).

Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN, Thanh Hóa đã quan tâm chỉ đạo đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, huy động nguồn lực của Nhà nước và của xã hội đầu tư phát triển cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Giai đoạn từ 2014 - 2019, tỉnh đã bố trí khoảng 236 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học tại các trường. Giai đoạn 2022 - 2024, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh, UBND tỉnh đã phân bổ cho các trường cao đẳng, trung cấp công lập nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị đào tạo với tổng kinh phí trên 472.181 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương 412.181 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là 60.000 tỷ đồng), góp phần đưa chất lượng đào tạo các ngành, nghề nói chung, nhất là các ngành, nghề trọng điểm tiệm cận dần tiêu chuẩn đào tạo nghề trình độ quốc tế, khu vực Asean và quốc gia của các trường, qua đó góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm sau cao hơn năm trước.

Cùng với đó, công tác xã hội hóa GDNN đối với đào tạo nhân lực có tay nghề cao được quan tâm; các doanh nghiệp, cơ sở GDNN ngoài công lập đã huy động gần 1.600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trên 300 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 40% đối với GDNN...

Từ năm 2014 đến nay, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo, kèm cặp, truyền nghề cho trên 800 nghìn người; tỷ lệ ra trường có việc làm sau 6 tháng đạt bình quân 90%, có những nghề đạt 100% như nghề hàn; may thời trang; điện công nghiệp... góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hết năm 2023 đạt khoảng 73%. Năm 2024 dự kiến tuyển sinh trên 83 nghìn người, đưa tỷ lệ qua đào tạo đạt 74%...

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]