“Phát triển hạ tầng, vừa tạo không gian phát triển, vừa thúc đẩy tăng trưởng”
Thủ tướng cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, khối lượng công việc từ nay đến năm 2025 và thời gian tới còn rất lớn, cần phải tăng tốc, bứt phá trong triển khai các dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 13 BCĐ Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 8/8, kết luận Phiên họp thứ 13, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (Ban Chỉ đạo) trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ với 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ rõ khối lượng công việc từ nay đến năm 2025 và thời gian tới còn rất lớn, cần phải tăng tốc, bứt phá trong triển khai các dự án.
Thi công sôi nổi trên các công trường
Đến nay cả nước có 40 dự án lớn, 92 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải trên 3 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt và hàng không, đi qua 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Tại phiên họp lần thứ 12, Thủ tướng đã giao 57 nhiệm vụ cho bộ, ngành và địa phương trong đó tập trung vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng, cấp nguồn vật liệu xây dựng nhất là cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 20 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu, đang tích cực triển khai 30 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 1 nhiệm vụ chưa đến hạn, chưa hoàn thành đúng hạn 6 nhiệm vụ. Theo đó, các nhà thầu tích cực triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Chơn Thành-Đức Hòa, tiến độ cơ bản bám sát kế hoạch, một số dự án phấn đấu hoàn thành sớm.
Riêng dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Cà Mau, Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận tiến độ còn chậm so với kế hoạch.Về tiến độ triển khai thi công của dự án tại các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Hà Giang, Hậu Giang bám sát kế hoạch. Những địa phương còn lại tiến độ chưa đạt yêu cầu, sản lượng thi công còn thấp. Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành đang triển khai bám sát tiến độ đề ra.
Đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ. Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang triển khai thi công bám sát tiến độ đề ra. Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội đã hoàn thiện các thủ tục, đủ điều kiện để đưa vào khai thác thương mại đoạn trên cao.
Tại Phiên họp lần thứ 13, các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể kết quả thực hiện các nhiệm vụ; nêu rõ những tồn tại, vướng mắc, khó khăn; trao đổi về biện pháp triển khai trong thời gian tới; việc xử lý các vấn đề còn vướng mắc như thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án; tiến độ bàn giao mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; tình hình thi công các dự án là cơ quan chủ quản.
Cùng với đó, kiểm điểm về tình hình thực hiện việc hướng dẫn các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ về thủ tục thẩm định dự án đầu tư, bố trí vốn...; chuyển mục đích sử dụng rừng; đơn giá, định mức, phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ; về vốn ODA; khai thác vật liệu, chuyển mục đích sử dụng đất; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật điện...
Kết luận Phiên họp, điểm lại kết quả nổi bật sau 1 tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết: Hà Nội đã hoàn thành công tác nghiệm thu đoạn trên cao Nhổn-Ga Hà Nội để đưa vào khai thác. Bộ Giao thông vận tải đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa-Chơn Thành; báo cáo Chính phủ về Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; phê duyệt dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú; hoàn thành đưa vào khai thác đoạn còn lại của dự án thành phần đường bộ cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành thẩm định các dự Dầu Giây-Tân Phú, Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài theo phương thức PPP; phê duyệt điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên.
Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành khảo sát một số định mức tại dự án đường bộ cao tốc, đang hoàn thiện để sửa đổi Thông tư về định mức xây dựng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đang triển khai thủ tục để thừa ủy quyền Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Bộ cũng tham mưu Thủ tướng giao chỉ tiêu, cung ứng vật liệu cát đắp cho các dự án khu vực phía Nam; báo cáo khó khăn, vướng mắc về vật liệu đắp nền các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 13 BCĐ Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, sự nỗ lực, tinh thần làm việc hết sức mình của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, doanh nghiệp, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các công trường dự án, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống định mức và hướng dẫn xác định giá vật liệu; thủ tục điều phối nguồn vật liệu san lấp, nâng công suất khai thác mỏ, cấp phép khai thác mỏ; chưa khởi công được dự án thành phần 2 đường bộ cao tốc thành phần Cao Lãnh-An Hữu...
Chạy đua với thời gian, hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025
Theo Thủ tướng, tổng số dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công khoảng 1.700 km trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có khoảng 1.200 km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 để đạt tổng số km đường bộ cao tốc cả nước là trên 3.000 km.
Chỉ rõ các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, khối lượng công việc từ nay đến năm 2025 và thời gian tới còn rất lớn, cần phải tăng tốc, bứt phá trong triển khai các dự án.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết “đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025,” phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm” phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm soát chặt tiến độ thi công các dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.
Các bộ, ngành, địa phương, nhất là các chủ đầu tư, nhà thầu tích cực hưởng ứng, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc” để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Cho biết, đầu tư phát triển hạ tầng vừa tạo không gian phát triển mới, tạo khu đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị gia tăng của đất đai, giảm chi phí logistics, di chuyển thuận tiện, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển doanh nghiệp, vừa là động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết bằng được thủ tục đầu tư. Đồng thời, các bên liên quan đấu thầu, lựa chọn đơn vị thi công nghiêm túc, công khai, minh bạch, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực; vào cuộc tích cực, giải quyết mọi vướng mắc liên quan vật liệu xây dựng, đảm bảo đủ vật liệu cho các dự án.
Thủ tướng chỉ rõ, giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đường găng tiến độ của dự án. Nhiều dự án còn khối lượng giải phóng mặt bằng ít nhưng lại là chỗ khó, nên các địa phương tập trung, quyết liệt hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 28/5/2024 để sớm nhất hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Đối với việc triển khai thi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 13 BCĐ Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đồng thời tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa,” “chỉ bàn làm, không bàn lùi,” “3 ca, 4 kíp,” “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương,” “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ,” “làm việc nào dứt việc đó,” “đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm” để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết “đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025” phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm soát chặt tiến độ thi công các dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.
Nhấn mạnh khắc phục hạn chế đối với 436 km thuộc 14 Dự án, dự án thành phần đang chậm tiến độ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với địa phương sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng và công suất đáp ứng tiến độ thi công dự án, nhất là dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Cà Mau, Biên Hòa-Vũng Tàu, Hòa Liên-Túy Loan. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Biên Hòa-Vũng Tàu, Hòa Liên-Túy Loan trong năm 2025 và dự án thành phần 2 Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh theo kế hoạch; sớm khởi công dự án Dầu Giây-Tân Phú.
Mặt khác cần hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa-Vũng Tàu; đẩy nhanh triển khai dự án thành phần 4 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để trình Bộ Chính trị trong tháng 8/2024.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện các thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về điều chỉnh thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày đối với khai thác cát, sỏi lòng sông; sớm hoàn thành phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Ninh Bình-Hải Phòng.
Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện hệ thống định mức và hướng dẫn các địa phương xác định giá vật liệu xây dựng tại mỏ theo cơ chế đặc thù. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động hướng dẫn địa phương thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công-tư liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trình Quốc hội; điều chỉnh vốn các dự án chậm triển khai sang dự án thực hiện tốt.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ dự án cảng hàng không, cao tốc Bến Lức-Long Thành; chủ động bố trí nguồn vốn và triển khai thủ tục lựa chọn nhà thầu gói thầu J3-1, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành vào năm 2025.
Đồng thời cần đẩy nhanh triển khai các gói thầu thi công và lắp đặt thiết bị thuộc nhà ga hành khách Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành; đẩy nhanh việc di dời các đường điện cao thế, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt tại những dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025.
Các địa phương cần chủ động vì lợi ích của chính mình
Thủ tướng chỉ đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Cao Bằng phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ, sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh, đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo.Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình-Mộc Châu, Ninh Bình-Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.
Tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết vướng mắc, sớm phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương. Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án Vành đai 4.
Tỉnh Bình Phước, Đắk Nông khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện Nghị quyết 138/2024/QH15 của Quốc hội. Tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa-Vũng Tàu.
Phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai để hoàn thành trong tháng 8/2024 toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025, nhất là những nơi có tỷ lệ bàn giao giải phóng mặt bằng còn thấp như Đồng Nai, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Đà Nẵng. Các tỉnh Lạng Sơn, Kiên Giang, Tiền Giang cần quyết liệt đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ đề ra.
Các tỉnh khẩn trương thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án theo quy định tại Nghị định số 91/2024/NĐ-CP; trường hợp khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn. Tỉnh Đắk Lắk đẩy nhanh việc khai thác, tận thu lâm sản tại dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án chủ động tìm kiếm, xác định nguồn vật liệu; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu đắp, đáp ứng tiến độ các dự án.
Các địa phương có mỏ vật liệu khu vực phía Nam thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo số 335/TB-VPCP ngày 19/7 về phối hợp triển khai các thủ tục cấp mỏ vật liệu đắp, mỏ đá cho các dự án, ưu tiên cho dự án Cần Thơ-Cà Mau và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch hoàn thành năm 2025.
Về thi công, Thủ tướng chỉ rõ, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản dự án nghiên cứu giải pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đôn đốc nhà thầu huy động đầy đủ nhân, vật lực, tổ chức thi công đáp ứng kế hoạch đề ra, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng công trình. Các dự án chậm tiến độ cần chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, mũi thi công, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để bù tiến độ, kịp thời xử lý nhà thầu không đáp ứng tiến độ.
Riêng tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Hữu Nghị-Chi Lăng và Đồng Đăng-Trà Lĩnh; Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Tiền Giang đẩy nhanh thủ tục để sớm khởi công dự án Hòa Bình-Mộc Châu, Cao Lãnh-An Hữu, dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh chủ động, quyết liệt, tích cực triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên đúng tiến độ đề ra.../.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-22 10:25:00
Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh dâng hoa, dâng hương nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
-
2025-01-22 10:00:00
Tập trung giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
-
2024-08-08 14:24:00
Vĩnh Lộc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
Điểm nóng 8/8: Bộ Công an vào cuộc bắt giam Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hàng loạt ‘sếp lớn’
Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc
Thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Kỷ niệm 57 năm thành lập ASEAN: Hành trình gắn kết và tự cường khu vực
Cập nhật thông tin, phổ biến chính sách về chủ quyền biển, đảo
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 8/8/2024
Điểm nóng 8/8: Thông tin mới vụ Trương Mỹ Lan, Cục Thi hành án tạo điều kiện để khắc phục thiệt hại
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 8/8
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 7/8