(Baothanhhoa.vn) - Huyện Thường Xuân có khoảng 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đảng bộ huyện xác định phát triển đảng viên (ĐV) người DTTS là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đảng. Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp ủy đảng đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo trong việc tháo “nút thắt” tìm và tạo nguồn phát triển ĐV, nhất là ĐV người DTTS.

Phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở huyện Thường Xuân: Tháo “nút thắt” từ thực tiễn

Huyện Thường Xuân có khoảng 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đảng bộ huyện xác định phát triển đảng viên (ĐV) người DTTS là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng đảng. Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp ủy đảng đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo trong việc tháo “nút thắt” tìm và tạo nguồn phát triển ĐV, nhất là ĐV người DTTS.

Phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở huyện Thường Xuân: Tháo “nút thắt” từ thực tiễnTừ các phong trào, hoạt động của đoàn, nhiều đoàn viên, thanh niên người dân tộc thiểu số của huyện Thường Xuân đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Đảng bộ huyện hiện có 38 đảng bộ, chi bộ trực thuộc, với 5.445 ĐV. Trong nhiệm kỳ 2010-2015 Đảng bộ huyện kết nạp được 800 ĐV, thiếu 200 ĐV so với chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Trong đó số ĐV mới người DTTS chiếm tỷ lệ thấp. Với tinh thần “tự soi, tự sửa”, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế dẫn đến chỉ tiêu kết nạp ĐV không đạt. Đó là năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy, tổ chức, cơ sở đảng (TCCSĐ) còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển ĐV. Cùng với đó, hoạt động của các đoàn thể chính trị ở một số thôn, bản còn thiếu sức hấp dẫn đoàn viên, hội viên. Do đó, tỷ lệ đoàn viên, hội viên ưu tú được giới thiệu nguồn cho các chi bộ không nhiều. Cũng cần nói thêm, xu hướng rời quê hương đi làm ăn xa của người trong độ tuổi lao động và lực lượng đoàn viên, thanh niên ngày càng gia tăng, dẫn đến nguồn quần chúng ở địa phương bị “cạn” dần. Ngược lại, một bộ phận đoàn viên, thanh niên, hội viên là người DTTS còn lại ở địa phương hạn chế về trình độ văn hóa, thiếu ý chí phấn đấu nên việc giáo dục, bồi dưỡng thành quần chúng ưu tú của các chi bộ gặp khó.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Xuân nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu kết nạp từ 500 ĐV mới trở lên. Để tháo “nút thắt” từ thực tiễn và hoàn thành chỉ tiêu đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch phát triển ĐV của cả nhiệm kỳ và từng năm. Bên cạnh việc giao chỉ tiêu kết nạp ĐV đến từng đảng bộ, chi bộ trực thuộc, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác phát triển ĐV đến các cấp ủy, TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, ĐV từ huyện đến cơ sở. Trọng tâm là Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 28/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác phát triển ĐV của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới”, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ ĐV trong giai đoạn mới”. Nhờ đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, TCCSĐ và đội ngũ cán bộ, ĐV về nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác phát triển ĐV. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy còn chỉ đạo các cấp ủy, TCCSĐ thực hiện rà soát, nắm chắc nguồn quần chúng ở địa phương, đơn vị để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng, trong đó quan tâm đến quần chúng là người DTTS. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhằm tạo diễn đàn cho đoàn viên, hội viên tham gia, qua đó phát hiện những hạt nhân ưu tú để giới thiệu cho TCCSĐ; giao cho Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với đảng ủy, chi bộ các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện mở rộng nguồn kết nạp ĐV là học sinh có thành tích xuất sắc, độ tuổi phù hợp.

Mặc dù là xã vùng biên với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Bát Mọt lại là điểm sáng trong công tác phát triển ĐV của huyện Thường Xuân. Nhằm kịp thời bổ sung nguồn “sinh lực” cho các TCCSĐ, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ rà soát nguồn quần chúng hiện đang sinh hoạt tại địa phương. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng. Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị trong việc phát động, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhằm tạo môi trường để đoàn viên, hội viên được cống hiến, rèn luyện, phấn đấu. Từ đó lựa chọn được những người ưu tú giới thiệu cho chi bộ. Nhờ làm tốt công tác tạo nguồn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Đảng bộ xã kết nạp được 45 ĐV mới, vượt chỉ tiêu huyện giao. Đáng mừng hơn, trong tổng số ĐV mới được kết nạp của Đảng bộ xã có 41 đồng chí là người DTTS, chiếm 91,1%.

Xã miền núi Lương Sơn có 2.116 hộ dân, với 9.446 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 52%. Đảng bộ xã có 12 chi bộ với 280 ĐV đang sinh hoạt. Bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chăm lo công tác tạo nguồn phát triển ĐV. Từ cách làm này, trong nửa nhiệm kỳ qua Đảng bộ xã đã kết nạp được 26 ĐV, hoàn thành chỉ tiêu huyện giao. Trong đó có 6 ĐV người DTTS và nâng tổng số ĐV người DTTS của Đảng bộ xã lên 83 đồng chí.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Thường Xuân kết nạp 553 ĐV mới. Chuyển biến rõ nét trong công tác phát triển ĐV ở huyện không chỉ ở con số vượt chỉ tiêu hàng năm tỉnh giao, mà chất lượng và số quần chúng ưu tú là người DTTS được đứng vào hàng ngũ của Đảng tăng qua từng năm. Thống kê cho thấy, năm 2020 Đảng bộ huyện kết nạp được 105 ĐV, vượt 5% chỉ tiêu tỉnh giao, trong đó có 50 ĐV người DTTS; năm 2021 kết nạp được 139 ĐV, vượt 39% chỉ tiêu tỉnh giao, trong đó có 56 ĐV người DTTS; năm 2022 kết nạp được 117 ĐV, vượt 17% chỉ tiêu tỉnh giao, trong đó có 68 ĐV người DTTS. Năm 2023 Đảng bộ huyện được tỉnh giao chỉ tiêu kết nạp 190 ĐV. Tính đến tháng 11/2023 Đảng bộ huyện kết nạp được 193 ĐV, vượt chỉ tiêu tỉnh giao 3 ĐV, trong đó có 103 đảng viên người DTTS.

Những ĐV mới, nhất là ĐV người DTTS được kết nạp từ đầu nhiệm kỳ đến nay của Đảng bộ huyện Thường Xuân đã kịp thời bổ sung sức trẻ, đảm bảo sự kế thừa của Đảng. Đây còn là những nhân tố góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ, nhất là các chi bộ vùng sâu, vùng xa.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]