Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi
Để hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, những năm gần đây, các địa phương khu vực miền núi đã chú trọng hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Mô hình trồng đào cảnh tại xã Xuân Du (Như Thanh).
Con nuôi đặc sản là một trong những mô hình không còn xa lạ đối với người dân các huyện miền núi bởi thích hợp với địa hình và khí hậu. Các mô hình chăn nuôi nhím, lợn rừng, vịt Cổ Lũng, dúi, gà Đông Tảo, lợn mán... hiện đang được người dân nhân rộng, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng con nuôi.
Tại huyện Như Thanh, để nhân rộng và phát triển mô hình, Hội Nông dân huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển con nuôi phù hợp với điều kiện, không chạy theo phong trào, tự phát. Bên cạnh đó, hướng dẫn các hộ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, khuyến khích người chăn nuôi theo hướng liên kết với các đơn vị để được chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, tìm đơn vị cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng.
Chị Hàn Thị Lý, hộ chăn nuôi nhím xã Phú Nhuận, cho biết: "Nhím là loài động vật còn nhiều bản năng hoang dã nên có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường sống, ít bị dịch bệnh. Bên cạnh đó, chi phí thức ăn không cao, lại dễ mua, thường là các loại rau, củ như bí đỏ, bí xanh, rau muống... Với hơn 200 triệu đồng, tôi đã đầu tư xây dựng 60 ô chuồng nuôi ở nơi ít gió và ánh nắng trực tiếp, cố định lồng nuôi bằng khung sắt; có rãnh thoát nước và luôn bảo đảm nền chuồng sạch sẽ, khô thoáng; mùa hè tắm cho nhím kết hợp với việc rửa sạch chuồng; định kỳ phun thuốc diệt khuẩn khu vực chuồng trại”. Cũng theo chị Lý, nhím thường sinh sản theo mùa, mỗi lần sinh từ 1 đến 3 nhím con, sau 7 đến 8 tháng, khi nhím có trọng lượng trung bình khoảng 10kg mới có thể xuất bán nhím thương phẩm. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, chị đã chủ động tìm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn tại địa phương và một số địa phương lân cận. Từ thành công bước đầu, chị Lý vẫn tiếp tục mở rộng quy mô và tăng số lượng đàn nhím lên 130 con để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Bên cạnh mô hình nuôi con đặc sản, huyện Như Thanh còn xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất rau an toàn, nuôi gà thả vườn, nuôi ong mật, nuôi ốc nhồi, trồng đào cảnh, trồng thanh long ruột đỏ, trồng dong sản xuất miến...
Tại huyện Như Xuân, cây bí xanh đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở xã Xuân Hòa. Từ diện tích ban đầu được chuyển đổi từ đất đồi, đất bãi bỏ hoang hoặc trồng các loại cây ngô, lạc... hiệu quả kinh tế thấp, đến nay, diện tích trồng bí xanh đã được nhân rộng khoảng 30ha. Người dân xã Xuân Hòa được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn kỹ thuật như ngâm ủ hạt, gieo hạt, làm bầu đất, làm giàn, sử dụng phân bón... Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, cần chú ý đến thời gian ngâm hạt thích hợp, khi thời tiết quá nắng hoặc mưa cần làm lưới che để cây con trong bầu phát triển tốt; sau gieo trồng và đến thời kỳ ra hoa cần tưới thường xuyên cho cây, đảm bảo đủ độ ẩm để cây sinh trưởng phát triển tốt; những lần tưới sau nên áp dụng hình thức tưới rãnh... Được biết, bí xanh là loại cây trồng khá thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên được các huyện miền núi Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy... nhân rộng. Bí xanh có chu kỳ sinh trưởng, phát triển ngắn, tính từ ngày trồng đến khi thu hoạch khoảng 90 ngày, vì vậy người trồng bí có thể sản xuất 3 vụ trong năm, sản lượng bình quân từ 30 đến 45 tấn/ha.
Với lợi thế, tiềm năng sẵn có, các địa phương ở khu vực miền núi đã chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Một số mô hình hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như: trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi gà liên kết, nuôi bò thịt chất lượng cao, nuôi cá lồng, trồng cây chanh leo, trồng dược liệu, trồng đào, dưa Kim Hoàng hậu... Các địa phương cũng đã chú trọng tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun sương, xây dựng nhà màng, nhà lưới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; chuyển từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, áp dụng công nghệ sinh học, chăn nuôi con giống có năng suất, chất lượng cao...
Tuy nhiên, để các mô hình thực sự phát huy được hiệu quả, các địa phương cần nâng cao vai trò trong công tác định hướng để xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất, có khả năng tiêu thụ sản phẩm; nhất là các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, HTX cần làm tốt vai trò hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Mặt khác, người dân cũng cần chủ động tìm tòi, học tập các mô hình mới để áp dụng sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:25:00
Hội nghị xúc tiến đầu tư - kết nối giao thương Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh - khu vực Đông Nam Bộ
-
2024-11-24 15:24:00
Chăm sóc đào, quất chuẩn bị cho thị trường tết
-
2024-07-11 06:56:00
Bản tin Tài chính (11/7): Giá vàng và USD đồng loạt tăng nhẹ
Người dân phải làm gì khi “bỗng dưng” nợ thuế thu nhập cá nhân?
Đề nghị công nhận 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu
Agribank Thanh Hóa hỗ trợ khách hàng chuyển tiền trên ứng dụng Smartbanking thông suốt
Thủ tướng yêu cầu quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
Anh lo ngại hỗn loạn ở cảng do quy định đi lại mới của Liên minh châu Âu
Cảng cá Hoằng Trường định hướng là cảng cá loại II, chuyên phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá
Bản tin Tài chính (10/7): Giá vàng tiếp tục giảm trước áp lực chốt lời
Bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện VIII
Bia Việt chinh phục thị trường quốc tế