Sức ép lớn từ Nga, Mỹ thúc đẩy châu Âu tự chủ chiến lược
Từ ngày 22-23/5/2024, Bộ trưởng Quốc phòng thuộc Nhóm phương Bắc của NATO, gồm 3 nước Baltic, 5 nước Bắc Âu, Ba Lan, Hà Lan và Đức, đã nhóm họp nhằm thảo luận về tình hình an ninh châu Âu. Hội nghị diễn ra ở bối cảnh đặc biệt khi Nga vừa tiến hành giai đoạn đầu của cuộc thử nghiệm hạt nhân chiến thuật, còn cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.
Tuyên bố chung Palanga của Nhóm phương Bắc
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng của Nhóm phương Bắc đã tập trung thảo luận về tình hình an ninh châu Âu, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa NATO-EU và cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine. Kết thúc hội nghị, các bên đã thông qua Tuyên bố chung Palanga, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
- Các nước thảo luận quá trình chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Washington; đồng thời, chào đón Thụy Điển tham dự hội nghị sắp tới với tư cách là thành viên chính thức.
- Nhóm phương Bắc nhắc lại cam kết đóng góp vào khả năng răn đe và bảo vệ tập thể của NATO, bao gồm cả sự hội nhập của các đồng minh mới nhất là Phần Lan và Thụy Điển. Nhóm phương Bắc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp nguồn lực, kích hoạt và thực hiện các Kế hoạch phòng thủ mới.
- Nhóm phương Bắc cam kết tiếp tục đảm nhận trách nhiệm lớn hơn về an ninh và quốc phòng ở châu Âu và góp phần chia sẻ gánh nặng một cách công bằng trong NATO. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa NATO-EU.
- Nhóm phương Bắc nhận thấy rằng, việc cung cấp đầy đủ nguồn lực cho kế hoạch phòng thủ NATO đòi hỏi các nước phải chi ít nhất 2% GDP. Các nước sẽ hướng tới việc nhanh chóng giải quyết những thiếu sót nghiêm trọng và ủng hộ việc thực hiện nhanh hơn các yêu cầu xuất phát từ kế hoạch phòng thủ nhằm bảo đảm chia sẻ gánh nặng công bằng giữa các nước đồng minh NATO.
- Nhóm phương Bắc đặt mục tiêu đạt được một thoả thuận toàn diện về phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp tại Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới, vì vai trò thiết yếu đối với khả năng răn đe đáng tin cậy và phòng thủ tập thể. Các nước sẽ thực hiện các hành động tập thể để tăng cường khả năng, năng lực và sự chuẩn bị của mình.
- Nhóm phương Bắc nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên hợp tác để tăng cường khả năng phục hồi trước các cuộc tấn công mạng và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của NATO.
- An ninh của Ukraine có tầm quan trọng lớn đối với EU và NATO. Nhóm phương Bắc cam kết tiếp tục hỗ trợ toàn diện, lâu dài cho Ukraine; đồng thời, mở rộng hỗ trợ chính trị để giúp Ukraine đạt được mục tiêu chiến lược là trở thành thành viên của NATO và EU.
Mục tiêu chiến lược của Nhóm phương Bắc
Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến khó lường, và cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của Nga gần đây đặt ra cho châu Âu những thách thức an ninh mới, nghiêm trọng hơn. Các nước châu Âu lo ngại rằng, xu hướng sử dụng vũ khí hạt nhân hiện nay sẽ được các nước lớn ưu tiên sử dụng trong bối cảnh môi trường an ninh quốc gia đó bị đe dọa. Vũ khí hạt nhân phi chiến lược hay chiến thuật của Nga thường có tầm bắn không quá 5.500km; tuy nhiên, tầm bắn đó cũng đủ để bao trùm toàn bộ châu Âu, đặt khu vực này trước một mối đe doạ rất lớn.
Bên cạnh đó, các nước Nhóm phương Bắc nói riêng, châu Âu nói chung nhận thấy rằng, những thách thức an ninh mới đặt yêu cầu cấp thiết cho các nước khu vực này về tăng cường tính tự chủ chiến lược. Việc đặt quá nhiều niềm tin vào “chiếc ô an ninh” do Mỹ đứng đầu dẫn đến việc châu Âu có cách tiếp cận rời rạc trong vẫn đề phòng thủ chung. Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đang bước vào giai đoạn chạy đua gay cấn và cựu Tổng thống Donald Trump vẫn còn sức hút khá lớn trong đảng Cộng hòa và cử tri Mỹ, các nước châu Âu cần phải chuẩn bị sẵn phương án trong kịch bản ông Trump thắng cử và một sự rạn nứt có thể quay trở lại trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Thực tế, điều này cũng đã được giới lãnh đạo châu Âu tính đến thời gian qua. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã nhận định rằng, cuộc chiến tại Ukraine cho thấy châu Âu đang quá phụ thuộc vào Mỹ trong việc đảm bảo an ninh của chính mình. Do vậy, các quốc gia thành viên cần nỗ lực để nâng cao sức mạnh quân đội của mình và tăng cường an ninh chung của toàn châu Âu.
Ngoài ra, một nội dung quan trọng trong hội nghị lần này là các nước Nhóm phương Bắc tập trung thảo luận về tình hình Ukraine, đặc biệt là tìm kiếm giải pháp giúp quân đội Ukraine đảo ngược cục diện chiến sự hiện nay. Từ đầu năm 2024, quân đội Nga duy trì những bước tiến vững chắc trên chiến trường, nhất là sau khi chiếm được Avdiivka vào tháng 2/2024. Quân đội Nga tiếp tục các đợt tấn công mạnh dọc theo toàn chiến tuyến miền Đông Ukraine, đồng thời tiến tới kiểm soát các khu vực Donetsk, Lugansk, Kharkov và Zaporizhia. Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, quân đội Ukraine đang rơi vào thế khó dọc toàn chiến tuyến do thiếu vũ khí đạn dược và lực lượng. Trong bối cảnh, vũ khí Mỹ và châu Âu đang đến tay quân đội Ukraine, các nước châu Âu cần phải thảo luận, xây dựng biện pháp để bảo đảm các gói viện trợ từ Mỹ và châu Âu đạt hiệu quả cao nhất trên thực địa, theo đó phải tính đến các yếu tố sau: (1) Xây dựng chiến thuật tác chiến mới cho quân đội Ukraine. Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định, việc quân đội Ukraine cứng nhắc áp dụng chiến thuật tác chiến của NATO trong khi thiếu hụt vũ khí và nhân sự kể từ đầu chiến sự có thể là lựa chọn sai lầm; bởi lẽ, chiến thuật NATO chỉ hiệu quả khi chiếm ưu thế vượt trội về sức mạnh quân sự; (2) Khả năng tích hợp vũ khí cao, đồng bộ mà Mỹ và các nước châu Âu cam kết viện trợ cho Ukraine. Hiện nay, phương Tây đang tập trung vào nâng cao năng lực phòng không cho quân đội Ukraine có thể là phù hợp trong bối cảnh thời tiết đang trong mùa tuyết tan, địa hình sẽ thuận lợi cho các cuộc tấn công không kích nhằm tiêu hao lực lượng của Nga. Tuy nhiên, về lâu dài, đạn được, xe tăng, thiết giáp để tăng cường độ cơ động cho bộ binh cũng cần được bảo đảm; (3) Bảo đảm binh sĩ Ukraine nắm vững khả năng vận hành vũ khí phương Tây một cách nhanh nhất có thể. Điều này đòi hỏi phương Tây phải đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, cử chuyên gia quân sự sang Ukraine nhằm hỗ trợ cho quân đội Ukraine.
Xu hướng đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây thời gian tới
Việc các nước thuộc Nhóm phương Bắc tiến hành hội đàm và đạt được đồng thuận cao trong các vấn đề an ninh-quốc phòng sẽ khiến Nga đặc biệt quan ngại và triển khai các biện pháp đối phó tương xứng. Theo đó, Chính quyền Tổng thống Nga Putin có thể củng cố thế trận “cài răng lược” để khắc chế cánh châu Âu của NATO. Nghiên cứu từ Viện RUSI (Anh) cho biết quân đội Nga đang được tái thiết một cách đáng kinh ngạc mặc dù bị tổn hại không nhỏ trong cuộc chiến ở Ukraine. Số liệu từ các nghiên cứu tương tự cũng cho thấy phía Nga vẫn đang duy trì tuyển dụng hơn 10.000 quân mỗi tháng, giữ mức cung cấp khoảng 1.500 xe tăng cùng với khoảng 3.000 xe chiến đấu bọc thép các loại phục vụ chiến đấu mỗi năm. Trong đó, Hạm đội biển Bắc của Nga ở các căn cứ trên biển Barents đang liên tục được bổ sung vũ khí và nâng cấp hạ tầng quân sự tập trung vào nhóm căn cứ trên bán đảo Kola (giữa biên giới Na Uy và Phần Lan), còn Hạm đội biển Baltic ở vùng Kaliningrad thường xuyên tiến hành tập trận bằng các tàu được trang bị tên lửa hành trình có độ chính xác cao như Kalibr nhằm tạo “gọng kìm” với “sườn phía Bắc” của NATO.
Nga cũng có thể dùng trận địa hạt nhân phi chiến lược ở Belarus cùng với kế hoạch gia tăng quân lực lên gấp đôi ở biên giới giáp NATO thuộc khuôn khổ tái thiết lập hai quân khu Moscow và Leningrad để kẹp giữa các sườn còn lại của cánh châu Âu mà NATO đang triển khai. Đối với thế trận trên Biển Đen đang có lợi cho các cuộc tấn công bằng drone tự sát của Ukraine, Nga tạm lui về thiết lập quân khu hải quân mới ở Biển Azov. Căn cứ ở Azov này kết hợp với căn cứ hải quân ở thị trấn Ochamchire vừa được chính quyền vùng lãnh thổ Abkhazia đồng ý cho quân đội Nga triển khai lâu dài từ năm nay có thể tạo “gọng kìm” cản trở hướng tiến công thọc sâu từ Biển Đen đến biển Caspi của NATO. Ngoài ra, bằng lợi thế vượt trội về số lượng căn cứ quân sự giáp Bắc Băng Dương, Nga có thể khống chế “cánh Bắc Cực” của NATO khi tăng cường lực lượng ở “gọng kìm” từ biển Barents đến biển Baltic.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-10 17:25:00
Thảm họa cháy rừng tại Los Angeles - hệ lụy của Biến đổi Khí hậu
-
2025-01-10 10:11:00
Khó khăn chồng chất
-
2024-05-22 09:31:00
Thấy gì từ những cam kết viện trợ quân sự khổng lồ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine?
Nhận định về khả năng NATO đối đầu trực diện với Nga ở Ukraine
Thế giới mong muốn có cuộc chiến thay thế đồng USD
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin tạo ra “xung lực” mới cho quan hệ chiến lược Nga-Trung
Phản ứng của truyền thông Mỹ về chuyến thăm Trung Quốc ngay sau khi tái đắc cử của Tổng thống Nga V. Putin
Những động lực chính thúc đẩy chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Sự mở rộng AUKUS: Có thể xuất hiện một liên minh quân sự mới?
Ấn Độ và tham vọng trở thành siêu cường kinh tế
EU 20 năm mở rộng - chặng đường phía trước có bằng phẳng?
AI thành tâm điểm khi mùa báo cáo thu nhập của các công ty công nghệ Mỹ đến gần