Cuộc tập trận Armenia - Mỹ: Mối đe dọa với Nga ở Caucasus
Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh ở Caucasus có những chuyển biến phức tạp, việc Mỹ tham gia cuộc tập trận ở Armenia là động thái mang nhiều ý nghĩa, được Nga đặc biệt quan tâm, lo ngại.
Armenia ngày càng “xích lại” gần Mỹ và phương Tây
Ngày 25/5/2024, Hội đồng An ninh quốc gia Armenia cho biết, các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Mỹ đã tham gia các cuộc tập trận chống lại các mối đe dọa hạt nhân, hóa học và sinh học diễn ra ở Yerevan. Các cuộc tập trận diễn ra từ ngày 20-24/5, với mục đích là nhằm xác định các lỗ hổng, nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với mối đe dọa hạt nhân, hóa học và sinh học.
Theo giới phân tích chính trị - quân sự Nga, việc Mỹ tham gia cuộc tập trận chống mối đe dọa hạt nhân của Armenia như một động thái khẳng định quyết tâm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga đến cùng của chính quyền Thủ tướng Nikol Pashinyan bất chấp chủ trương này có thể sẽ đẩy Armenia đứng trước nhiều sức ép.
Thực tế, thời gian gần đây chính quyền Armenia đã thể hiện quyết tâm này ngày càng rõ ràng hơn. Ngày 14/3/2024, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan kêu gọi nộp đơn trở thành thành viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh quan hệ giữa Armenia - Nga gặp trục trặc. Ông Pashinyan đưa ra tuyên bố sau khi Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết “Về quan hệ gần gũi hơn giữa EU và Armenia”, trong đó khẳng định việc nộp đơn trở thành thành viên EU của Armenia có thể tạo bước tiến lớn với quan hệ EU - Armenia. Động thái được xem là nhằm “mở đường” để Armenia xây dựng lộ trình gia nhập EU.
Ngoài ra, Chính phủ Armenia tiếp tục thực hiện chính sách rời khỏi tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) khi nước này liên tục từ chối tham gia các cuộc tập trận của khối từ năm 2023.
Mới đây, Thủ tướng Pashinyan cáo buộc hai quốc gia là thành viên của CSTO đã tham gia vào việc chuẩn bị chiến tranh ở Karabakh trong năm 2020. Ông Pashinyan không nêu tên các quốc gia cụ thể, mà nói rằng họ có liên quan mật thiết đến cuộc chiến tại khu vực tranh chấp. Rõ ràng, phát biểu thể hiện thái độ không vừa lòng của Armenia đối với các đồng minh trong CSTO, và việc Yerevan rời khỏi CSTO sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Giải thích cho những điều chỉnh chính sách của Chính phủ Armenia, Stanislav Pritchin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu hậu Xô viết thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Primakov (IMEMO RAS), cho rằng, Yerevan tỏ ra không hài lòng khi Moscow đã không gây sức ép đủ lớn để buộc Azerbaijan tuân thủ các lệnh ngừng bắn và ngăn chặn tình trạng căng thẳng leo thang, đồng thời nghi ngờ vai trò của Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và CSTO trong bối cảnh, Azerbaijan có xu hướng tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự nhằm vào Armenia và lực lượng ly khai ở Nagorno - Karabakh.
Chiến dịch quân sự của Azerbaijan vào ngày 19 - 20/9/2023 và giành quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Nagorno - Karabakh như “giọt nước tràn ly”, khiến niềm tin của Armenia trông chờ vào sự bảo vệ của Nga đi đến giới hạn. Trong bối cảnh đó, Armenia hướng tới Mỹ và phương Tây như một phần trong nỗ lực liên tục nhằm đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và giảm bớt ảnh hưởng của Nga.
Mỹ và phương Tây tích cực lôi kéo Armenia
Thời gian qua, Mỹ và phương Tây đã tận dụng thời điểm tình hình an ninh khu vực Caucasus có nhiều biến động để thúc đẩy hợp tác chính trị, quốc phòng với Armenia. Theo đó, phương Tây thay Nga để trở thành trung tâm hòa giải cho cuộc xung đột Armenia - Azerbaijan tại Nagorno - Karabakh. Ngày 17/2/2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo Thủ tướng Armenia Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã nhất trí giải quyết bất đồng giữa hai nước thông qua các biện pháp hòa bình. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Armenia - Azerbaijan với vai trò trung gian của Đức được đánh giá là bản lề để hai nước đạt được thỏa thuận về khu vực tranh chấp ở biến giới, tiến tới bình thường hóa quan hệ như tuyên bố của các bên vào ngày 16/5/2024.
Bên cạnh đó, Mỹ và phương Tây tập trung thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh với Armenia. Theo chuyên gia Stanislav Pritchin, tình hình an ninh bất ổn tại khu vực đang tạo cho Mỹ và phương Tây một lý do rất phù hợp để đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng của Nga, đồng thời lôi kéo các nước này mở rộng hợp tác với phương Tây, nhận được sự bảo vệ từ “chiếc ô” an ninh của phương Tây trong bối cảnh các nước này không còn tin tưởng Nga như trước kia.
Mặc dù, những chương trình hợp tác giữa Armenia và các nước phương Tây chưa được triển khai một cách mạnh mẽ, nhưng từng bước đưa nước này tiệm cận tiêu chuẩn quốc phòng NATO và rời xa CSTO.
Armenia có dễ dàng thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga?
Rõ ràng, việc Armenia thúc đẩy hợp tác chính trị, quân sự với Mỹ và phương Tây là kịch bản mà Nga hoàn toàn không hề mong muốn, bởi điều này phản ánh thực tế là ảnh hưởng của Nga tại khu vực Caucasus chiến lược đang bị suy yếu. Nga vẫn rất coi trọng mối quan hệ đồng minh với Armenia vì vai trò, vị trí quan trọng của Yerevan đối với môi trường an ninh Nga, nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng và là vùng đệm an ninh chiến lược của Nga.
Còn với Armenia, những động thái gần đây cho thấy nước này đã sẵn sàng đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Nga. Thời gian tới, Armenia sẽ tăng cường hợp tác với các nước phương Tây, thậm chí là thúc đẩy lộ trình nhanh chóng trở thành một thành viên của EU. Các lĩnh vực hợp tác chính của Armenia với các nước phương Tây là nhằm cải cách nền chính trị, pháp lý, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng mở rộng hợp tác thương mại với các nước phương Tây. Tuy nhiên, theo chuyên gia Stanislav Pritchin, sẽ có một “giới hạn đỏ” mà Armenia không thể bước qua và gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với môi trường an ninh Nga, chẳng hạn như việc gia nhập NATO hay cho phép lực lượng quân sự NATO hiện diện, đồn trú trong lãnh thổ Armenia.
Mặc dù quan hệ song phương đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng Armenia vẫn phụ thuộc kinh tế rất lớn vào Nga. Theo Ủy ban Thống kê Armenia, kim ngạch thương mại của Armenia với các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) năm 2023 chiếm tới 36,8% tổng kim ngạch thương mại của nước này; trong đó, kim ngạch thương mại với Nga lên tới hơn 7,3 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Ngoài ra, có tới 40% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Armenia đến từ các nhà đầu tư Nga, đạt gần 2,2 tỷ USD.
Về năng lượng, Armenia rất cần nguồn cung từ các tập đoàn năng lượng của Nga. Đầu năm 2024, các đại diện phía Armenia và Nga đã ký hợp đồng hiện đại hóa và kéo dài thời gian hoạt động của Nhà máy điện hạt nhân Metsamor (NPP) của Armenia đến năm 2036. Việc nâng cấp sẽ được thực hiện bởi Công ty cổ phần Dịch vụ Rustatom, một công ty con của Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga, với khoản đầu tư 65 triệu USD từ Chính phủ Armenia. Thỏa thuận này là một dấu hiệu khác cho thấy mức độ ảnh hưởng to lớn của Nga đối với cơ sở hạ tầng năng lượng của Armenia.
Hiện Nga cung cấp 87,5% lượng khí đốt cho Armenia (phần còn lại đến từ Iran) và Gazprom Armenia, công ty con của tập đoàn khí đốt nhà nước Nga sở hữu toàn bộ cơ sở hạ tầng phân phối khí đốt của Armenia. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của Armenia không ngừng tăng lên. Theo Ủy ban Thống kê Armenia, năm 2023, Yerevan nhập khẩu tới 516.503 tấn dầu và các sản phẩm từ dầu (trị giá trên 498,2 triệu USD); hơn 2 triệu tấn khí đốt tự nhiên và hóa lỏng (trị giá hơn 513,5 triệu USD). Nga và Iran là hai nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn nhất cho Armenia trong năm 2023.
Bên cạnh đó, tầm ảnh hưởng của lực lượng quân đội Nga tại khu vực Caucasus là rất lớn. Ngày 22/3/20224, một đoạn video quay lại cảnh mở rộng căn cứ hải quân Ochamchira của Cục Biên giới Cơ quan An ninh Liên bang Nga trên lãnh thổ Abkhazia đã xuất hiện trên internet. Đoạn video tương ứng được phát hành bởi kênh truyền hình Gruzia TV Pirveli, rất có thể được quay từ một máy bay không người lái, cho thấy phần hoàn thiện của căn cứ và quá trình mở rộng nó.
Theo đánh giá của giới phân tích chính trị, các hình ảnh trên cho thấy căn cứ này đã hoàn thiện và được chuyển giao cho Hạm đội Biển Đen, cơ sở hạ tầng đang được mở rộng để đủ khả năng tiếp nhận nhiều tàu chiến lớn. Quyết định thành lập căn cứ cho Hạm đội Nga ở Abkhazia có thể liên quan đến thực tế là Sevastopol thuộc Bán đảo Crimea không còn là bến cảng an toàn cho tàu chiến Nga; đồng thời, Nga muốn kiểm soát chặt chẽ tình hình chính trị, an ninh, quân sự đang chuyển biến mạnh mẽ tại khu vực Caucasus.
Ngày 16/5/2024, Bộ Ngoại giao Armenia và Azerbaijan ra tuyên bố nêu rõ, Ủy ban phân định biên giới của hai nước đã ký một nghị định thư chính thức hóa việc “điều chỉnh tọa độ dựa trên các phép đo trắc địa trên mặt đất” dựa trên các bản đồ thời Liên Xô. Theo đó, 4 ngôi làng ở khu vực biên giới gồm Baghanis Ayrum, Ashaghi Askipara, Kheyrimli và Ghizilhajili sẽ do Azerbaijan kiểm soát trở lại. Yerevan và Baku hy vọng hai bên đạt được thỏa thuận hòa bình toàn diện. |
Hùng Anh
{name} - {time}
-
2024-12-11 15:51:00
Tại sao Israel tấn công Syria?
-
2024-12-11 09:18:00
Kỷ nguyên mới ở Syria và vị thế của Iran
-
2024-05-24 15:05:00
Sức ép lớn từ Nga, Mỹ thúc đẩy châu Âu tự chủ chiến lược
Thấy gì từ những cam kết viện trợ quân sự khổng lồ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine?
Nhận định về khả năng NATO đối đầu trực diện với Nga ở Ukraine
Thế giới mong muốn có cuộc chiến thay thế đồng USD
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin tạo ra “xung lực” mới cho quan hệ chiến lược Nga-Trung
Phản ứng của truyền thông Mỹ về chuyến thăm Trung Quốc ngay sau khi tái đắc cử của Tổng thống Nga V. Putin
Những động lực chính thúc đẩy chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Sự mở rộng AUKUS: Có thể xuất hiện một liên minh quân sự mới?
Ấn Độ và tham vọng trở thành siêu cường kinh tế
EU 20 năm mở rộng - chặng đường phía trước có bằng phẳng?