(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các huyện vùng cao biên giới và cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy đến mọi tầng lớp nhân dân, qua đó từng bước loại trừ ma túy ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung tay cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các huyện vùng cao biên giới và cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy đến mọi tầng lớp nhân dân, qua đó từng bước loại trừ ma túy ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung tay cộng đồng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tén Tằn (Mường Lát) phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân bản Đoàn Kết.

Nói cho nhân dân hiểu

Đến xã Pù Nhi thuộc huyện vùng cao biên giới Mường Lát, chúng tôi được nghe những người già nơi đây kể về giai thoại “thủ phủ” cây thuốc phiện. Theo những bậc cao niên cho biết: Những năm 90 của thế kỷ trước, ở vùng đất này, cây thuốc phiện được trồng nhiều như trồng rau, người dân trồng xen lẫn vào những vườn rau cải trên những ngọn đồi cao. Ở thời điểm đó, chẳng ai thống kê được vùng đất này có bao nhiêu héc-ta cây thuốc phiện. Trước tình hình trên, để xóa bỏ cây thuốc phiện, bộ đội biên phòng (BĐBP) đã cùng cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã tích cực tuyên truyền nhân dân phá bỏ cây thuốc phiện ra khỏi đời sống nhân dân. Để đạt được kết quả, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn các huyện vùng cao biên giới triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn. Cùng với đó, tổ chức các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động ma túy; đồng thời tăng cường cán bộ trực tiếp xuống tận các thôn, bản, địa bàn vùng sâu tổ chức nắm tình hình, với phương châm “5 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc và cùng bảo vệ biên giới. Thông qua những việc làm thiết thực của mình, lực lượng biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương đã triệt xóa được việc trồng cây thuốc phiện của người dân trên địa bàn các huyện biên giới.

Không riêng gì Pù Nhi, ở xã Tam Chung, cũng là nơi có tỷ lệ người nghiện ma túy cao ở Mường Lát, chủ yếu tập trung ở các bản Poọng, Ón, Lát... Trước năm 2000, đàn ông ở bản Poọng sử dụng ma túy dẫn đến nhiều người chết, nên trong bản có đến 40 trẻ em mồ côi. Theo cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung, cho biết: Bắt đầu từ năm 1993, trong xã có nhiều đối tượng lên dụ dỗ, mua bán ma túy khiến người dân bị nghiện, lúc này dân trí còn chưa cao nên chưa phòng tránh được. Tính từ năm 2004 đến năm 2010, trên địa bàn xã đã có rất nhiều người bị chết do nghiện ma túy. Bản Poọng có 36 người nghiện thì có đến 31 người chết, bản Lát có đến 47 người chết do sử dụng ma túy. Hiện nay, trên địa bàn xã Tam Chung vẫn còn tới 92 người nghiện, trong đó, bản Lát có tới 41 người, bản Poọng có 5 người, bản Cân có 14 người, bản Tân Hương có 5 người, bản Suối Lóng có 1 người và bản Ón có 26 người.

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới, giao thông còn khó khăn, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, phân bố dân cư rải rác, trình độ dân trí chưa cao. Tình trạng tàng trữ, sử dụng ma túy trên địa bàn hết sức phức tạp. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 765 người nghiện chất dạng thuốc phiện, trong đó có 350 người nghiện chích ma túy được quản lý theo dõi. Trong số đối tượng nghiện có 259 người nhiễm HIV, bao phủ 9/9 xã, thị trấn; 38/90 thôn bản. Mỗi năm, Mường Lát phát hiện mới từ 10 - 15 trường hợp nhiễm HIV.

Để tuyên truyền cho nhân dân vùng biên giới hiểu rõ được những tác hại về ma túy, với chủ trương phải bám dân, bám địa bàn, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã phối hợp với các cơ quan đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên tổ chức đến từng nhà, gặp từng đối tượng để vận động, tuyên truyền người dân tránh xa ma túy; cùng với đó thành lập câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội ở các xã, bản như Câu lạc bộ “Thanh niên xung kích tuyên truyền phòng, chống ma túy” tại bản Pù Quăn, xã Pù Nhi. Từ khi được thành lập và đi vào hoạt động, Câu lạc bộ “Thanh niên xung kích tuyên truyền phòng, chống ma túy” đã tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền sâu rộng, cung cấp đầy đủ thông tin cho đồng bào về tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy cũng như tác hại của ma túy. Đồng thời, vận động bà con nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đẩy lùi tệ nạn, tội phạm ma túy ra khỏi bản làng bằng những hành động cụ thể, như: Động viên, giáo dục con em không tham gia vào tệ nạn ma túy, không tiếp tay cho tội phạm ma túy; cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng đấu tranh, tố giác những trường hợp mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy. Trong những năm qua BĐBP tỉnh và các cơ quan chức năng đã tổ chức 224 buổi họp dân, với trên 11.000 lượt người tham dự; cấp phát 8.200 tờ rơi, 11.500 phiếu tố giác và lập 106 hộp thư tố giác tội phạm. Qua công tác vận động, tuyên truyền, quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị giúp BĐBP và các lực lượng chức năng đấu tranh có hiệu quả với các vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới, góp phần giữ gìn sự bình yên nơi bản làng vùng biên cương của Tổ quốc.

Trách nhiệm của cộng đồng

Với phương châm “ngăn chặn từ xa”, “giúp bạn là bảo vệ mình”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ động đưa ra các giải pháp triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ công tác biên phòng, kiên quyết đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, giữ vững đường biên, cột mốc, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm ma túy ra khỏi khu vực biên giới. Cùng với việc chủ trì công tác nắm tình hình nội, ngoại biên, hướng dẫn và chỉ đạo lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy các đồn biên phòng triển khai, thực hiện cán bộ, chiến sĩ phòng chống tội phạm ma túy BĐBP tỉnh còn phối hợp với lực lượng phòng, chống ma túy Công an tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), lực lượng phòng, chống ma túy công an các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Nghệ An và các đồn biên phòng, trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy trên địa bàn biên giới. Với nhiều biện pháp công tác, đơn vị đã chủ động nắm chắc tình hình không để bị động bất ngờ, có đối sách nghiệp vụ với các loại tội phạm, đối tượng liên quan đến ma túy trên tuyến biên giới. Theo đồng chí Phạm Văn Sánh, Trưởng Phòng Phòng chống tội phạm ma túy BĐBP tỉnh cho biết: Hầu hết đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới đều ở sâu trong nội địa, chỉ xuất hiện ở địa bàn biên giới khi chúng giao dịch; việc đi và đến bất chợt, gây nhiều khó khăn cho việc nắm bắt, theo dõi một cách có hệ thống. Tuy nhiên, vượt lên những cam go, hiểm nguy, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng, chống ma túy BĐBP tỉnh luôn tâm niệm, cuộc chiến này, có thể có những mất mát, hy sinh, nhưng không thể dừng lại, bởi đấu tranh ngăn chặn ma túy không chỉ là thực thi nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm, là nhân văn, góp phần ngăn chặn “cái chết trắng” đang có nguy cơ thẩm lậu vào địa bàn, ngăn ngừa hậu họa cho từng gia đình và toàn xã hội.

Theo dự báo của các lực lượng chức năng, trong thời gian tới, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Nguy cơ ma túy thẩm lậu từ bên kia biên giới và từ các tỉnh, thành phố lân cận vào địa bàn Thanh Hóa ngày càng nhiều. Tội phạm ma túy ngày nay là loại tội phạm phi truyền thống, tính chất cực kỳ nguy hiểm, hoạt động manh động, ngày càng mang tính quốc tế cao, được hình thành bởi các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và vì thế có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại tội phạm có tổ chức khác. Bên cạnh đó, nước ta nằm gần khu vực “Tam giác vàng” - một trong 3 khu vực trọng điểm về ma túy của thế giới, nên tình hình tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy diễn ra rất phức tạp, nhất là buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện trong khu vực chỉ sau một thời gian ngắn đã có mặt ở Việt Nam như loại ma túy tổng hợp dạng tinh thể khi dùng vào có biểu hiệu tâm thần không kiểm soát được hành vi, mà chúng ta quen gọi là “ngáo đá” rất đáng lo ngại trong đời sống xã hội. Điểm mới nữa là các đối tượng buôn bán ma túy hiện nay đều buôn bán với số lượng lớn nên chúng rất liều lĩnh, manh động và thường dùng vũ khí nóng để chống trả lại lực lượng truy bắt.

Ma túy luôn là mối hiểm họa lớn của toàn xã hội, có biết bao cảnh ngộ đau lòng, thương tâm đã xảy ra, nhiều gia đình nhà tan cửa nát, con mất cha, vợ mất chồng, anh em ly tán cũng chỉ vì ma túy. Mặc dù tệ nạn ma túy đang từng bước bị ngăn chặn, đẩy lùi ở Thanh Hóa nhưng ma túy vẫn luôn là nỗi lo thường trực của nhiều gia đình và cả xã hội. Thiết nghĩ, để ngăn chặn tác hại của ma túy, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng rất cần sự chung tay của toàn xã hội.


Bài và ảnh: Minh Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]