Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh 8 năm tù giam, Trần Uyên Phương 4 năm tù giam, Trần Ngọc Bích 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản."
Hội đồng Xét xử tuyên án.
Ngày 25/4, sau hai ngày xét xử, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Trần Quí Thanh (sinh năm 1951), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại-Dịch vụ Tân Hiệp Phát và hai con gái gồm: Trần Uyên Phương (sinh năm 1981), Trần Ngọc Bích (sinh năm 1984) cùng bị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản."
Bị cáo Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù, bị cáo Trần Uyên Phương nhận mức án 4 năm tù, bị cáo Trần Ngọc Bích nhận mức án 3 năm tù treo.
Theo cáo trạng, từ năm 2019-2020, ông Trần Quí Thanh cùng Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương thông qua môi giới đã cho một số doanh nghiệp, cá nhân vay tiền với lãi suất 3% mỗi tháng.
Ông Trần Quí Thanh không làm hợp đồng cho vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc phía vay tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án, bất động sản... có giá trị thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản để che giấu bản chất của việc cho vay.
Tiếp đó, cha con bị cáo Thanh ký các “cam kết bán lại," tiền lãi vay hợp thức bằng biên nhận tiền đặt cọc mua lại dự án, bất động sản, hứa hẹn khi thanh toán đầy đủ tiền gốc, lãi sẽ trả lại tài sản.
Ông Lâm Sơn Hoàng vay từ cha con bị cáo Trần Quí Thanh 115 tỷ đồng và thế chấp bằng 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều có địa chỉ tại phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) trị giá hơn 195,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Đông vay 80 tỷ đồng và thế chấp bằng 2 thửa đất tại đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân trị giá 118,9 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Chung vay 35 tỷ đồng và thế chấp bằng 2 thửa đất tại phường An Lạc, quận Bình Tân trị giá 83 tỷ đồng.
Bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Kim Oanh) vay 500 tỷ đồng, thế chấp bằng Dự án Khu dân cư Minh Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) trị giá 842 tỷ đồng và Dự án Khu dân cư Nhơn Thành (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) trị giá 602 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của bị cáo Thanh, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đứng tên nhận chuyển nhượng tài sản, sau đó cha con bị cáo Thanh làm các thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát tài sản của người vay. Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, tiền lãi theo thỏa thuận cha con bị cáo Thanh buộc chủ tài sản phải trả thêm tiền phạt. Đến khi nạn nhân chuẩn bị đủ tiền theo yêu cầu các bị cáo vẫn không trả lại tài sản như đã hứa.
Cơ quan điều tra xác định bị cáo Thanh và hai con gái đã thực hiện chiếm đoạt các dự án Minh Thành, Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh; 29 thửa đất được tách từ thửa đất số 452 của ông Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của ông Nguyễn Huy Đông. Tổng giá trị chiếm đoạt lên đến hơn 1.048 tỷ đồng.
Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh 9-10 năm tù, Trần Uyên Phương 5-6 năm tù, Trần Ngọc Bích 4-5 năm tù cùng về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản."
Đại diện Viện Kiểm sát nhận định trong vụ án này, bị cáo Trần Quí Thanh là người chịu trách nhiệm chính trong các giao dịch, trực tiếp làm việc với người vay tiền, người môi giới, còn Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích không tham gia thỏa thuận, gặp gỡ với các bị hại, chỉ nhận thông tin từ bị cáo Thanh và thực hiện ký các hợp đồng theo chỉ đạo, hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Theo Viện Kiểm sát, tại thời điểm thực hiện hành vi, các bị cáo là người có trình độ, hiểu biết nhưng đã thực hiện các hành vi cho vay lấy lãi... và chiếm đoạt tài sản của bị hại thời gian dài.
Các bị cáo phạm tội với tình tiết tăng nặng hai lần trở lên, nên cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cũng ghi nhận các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có đóng góp cho kinh tế, xã hội địa phương, riêng bị cáo Thanh đã trên 70 tuổi nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Trong quá trình xét xử, các bị hại khai do có nhu cầu vay tiền nên muốn thế chấp tài sản cho ông Trần Quí Thanh, song ông Thanh đưa ra điều kiện phải ký hợp đồng chuyển nhượng và cam kết cho chuộc lại. Vì tin tưởng uy tín của ông Thanh và Tập đoàn Tân Hiệp Phát nên các bị hại đồng ý ký hợp đồng. Tuy nhiên, khi chuẩn bị đủ tiền trả nợ thì Thanh không đồng ý cho nhận lại tài sản.
Riêng bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết hợp đồng chuyển nhượng hai dự án khu dân cư Minh Thành và Nhơn Thành là giả tạo, nhằm che giấu thỏa thuận vay tiền từ phía bị cáo Trần Quí Thanh với lãi suất cao. Bà Oanh cho rằng cha con bị cáo Trần Quí Thanh đã biến các hợp đồng giả tạo thành thật và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là dự án Minh Thành và dự án Nhơn Thành.
Bà Kim Oanh đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo phải hoàn trả một lần, đầy đủ 100% cổ phần Công ty Minh Thành, toàn bộ dự án Khu dân cư tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai, toàn bộ dự án Khu dân cư Nhơn Thành, huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai cho Công ty Thuận Lợi, toàn bộ thiệt hại do mất cơ hội phát triển kinh doanh tính từ thời điểm tài sản bị chiếm đoạt cho đến thời điểm đưa vụ án ra xét xử. Tổng số tiền bà Kim Oanh yêu cầu bị cáo Thanh bồi thường là hơn 531 tỷ đồng.
Bào chữa cho các bị cáo, luật sư đều không tranh luận về tội danh mà chỉ xin tòa xem xét cho thân chủ nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Theo luật sư Trương Minh Thơ, các bị cáo đều là người chịu trách nhiệm chính về quản lý Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhưng hành vi sai phạm xảy ra là quan hệ giữa cá nhân các bị cáo với bị hại, không liên quan đến công ty.
Việc các bị cáo bị bắt và xử lý trong vụ án ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của doanh nghiệp. Tân Hiệp Phát cũng là đơn vị có nhiều đóng góp cho đất nước, có nhiều thành tích xuất sắc cho kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, luật sư cho biết các bị cáo khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi nêu trong cáo trạng. Các bị cáo cũng đã tác động đến gia đình nộp 183 tỷ đồng trong quá trình điều tra để khắc phục hậu quả vụ án.
Ông Trần Quí Thanh khai thời điểm thực hiện giao dịch với các bị hại, bị cáo không nhận thức là bản thân đang cho vay tiền mà chỉ nghĩ rằng đang ký hợp đồng mua bán đất và cổ phần. Qua quá trình điều tra, được Viện Kiểm sát phân tích, Thanh đã nhận thức được hành vi của mình là sai và chấp nhận mọi phán quyết của tòa.
Về trách nhiệm dân sự, ông Trần Quí Thanh và hai con gái đồng ý hủy bỏ các giao dịch đã ký với các bị hại và nhận lại số tiền đã chuyển cho họ. Riêng việc bà Oanh yêu cầu bồi thường hơn 500 tỷ đồng thiệt hại “do mất cơ hội kinh doanh từ hai dự án," ông Thanh không chấp nhận mà đề nghị tòa xem xét theo quy định của pháp luật.
Hội đồng xét xử nhận định qua tranh luận tại phiên tòa, các bị cáo Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương thừa nhận hành vi của mình, lời khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử cũng nhận định cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hội đồng xét xử cho rằng các bị cáo thực hiện giao dịch dân sự cho 4 bị hại vay tiền là không trái pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo việc vay tiền và lãi phát sinh, các bị cáo đã thỏa thuận ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản, quyền sử dụng đất, cổ phần công ty, dự án... Đây là các hợp đồng giả tạo, trái pháp luật, mà sau khi đứng tên trên các giấy tờ hợp pháp từ các bị hại (người vay tiền) thì các bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt nên đã dùng thủ đoạn gian dối, viện ra nhiều lý do để từ chối thanh toán làm cho bên vay không thể nhận lại tài sản.
Từ đó, các bị cáo đã chiếm phần giá trị tài sản chênh lệch so với số tiền gốc mà bị hại đã vay. Hội đồng xét xử xác định, các bị cáo chiếm đoạt của 4 bị hại tổng số tiền hơn 1.048 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử nhận định ông Trần Quí Thanh có vai trò chính, chịu trách nhiệm toàn bộ giá trị tài sản chiếm đoạt trong vụ án. Trần Uyên Phương là đồng phạm giúp sức, làm theo chỉ đạo của ông Thanh, phải chịu trách nhiệm hơn 350 tỷ đồng chiếm đoạt của 4 bị hại. Trần Ngọc Bích với vai trò đồng phạm giúp sức, làm theo chỉ đạo của Thanh, phải chịu trách nhiệm giá trị tài sản chiếm đoạt của bị hại Đặng Thị Kim Oanh hơn 600 tỷ đồng.
Hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, vì vụ lợi cá nhân mà che giấu việc cho vay, xâm phạm đến tài sản của người khác; các bị cáo biết rõ hành vi sẽ bị pháp luật trừng phạt nhưng vẫn phạm tội trong thời gian dài với số tiền lớn nên cần có hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe. Bị cáo Trần Quí Thanh, Uyên Phương có tình tiết tăng nặng là phạm tội hai lần trở lên.
Song tòa cũng ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, nhiều thành tích tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, bị cáo Thanh đã ngoài 70 tuổi, nhiều bệnh...
Từ đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh 8 năm tù giam, Trần Uyên Phương 4 năm tù giam, Trần Ngọc Bích 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm cùng về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản." Hội đồng xét xử còn tuyên phạt bổ sung, buộc các bị cáo phải nộp 100 triệu đồng mỗi người để sung công quỹ.
Đối với các bị hại, Hội đồng xét xử tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng mà các bị cáo đã ký với các bị hại trước đó. Đối với bị hại Lâm Sơn Hoàng, Hội đồng xét xử ghi nhận sự đồng tình của ông Hoàng về việc phải trả cho bị cáo Trần Quí Thanh số tiền 115 tỷ đồng đã nhận; hủy các hợp đồng chuyển nhượng, cam kết bán lại và các văn bản liên quan; buộc người môi giới phải trả lại số tiền 3 tỷ đồng đã nhận từ ông Hoàng.
Hội đồng xét xử yêu cầu bị hại Nguyễn Huy Đông hoàn trả lại cho Thanh số tiền 78 tỷ đồng; hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hai bên đã ký, cam kết bán lại và các giao dịch khác. Hội đồng xét xử yêu cầu bị hại Nguyễn Văn Chung trả lại cho Thanh 34 tỷ đồng sau khi trừ thuế phí; hủy hợp đồng chuyển nhượng các thửa đất đã sang tên cho Trần Uyên Phương và các văn bản có liên quan; buộc các môi giới trả cho ông Chung số tiền 1,4 tỷ đồng phí đã nhận.
Đối với việc bà Đặng Thị Kim Oanh vay của ông Thanh 500 tỷ đồng, tại tòa các bên thừa nhận về số tiền vay đã nhận. Hội đồng xét xử yêu cầu bà Oanh trả lại cho Thanh hơn 235 tỷ đồng nợ gốc; hủy các hợp đồng giao kết giữa các bị cáo, tổ chức có liên quan; giao trả lại toàn bộ giấy tờ hồ sơ cho bà Oanh.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của bà Oanh về việc buộc các bị cáo bồi thường hơn 531 tỷ đồng thiệt hại do mất cơ hội kinh doanh đối với hai dự án bị chiếm đoạt.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-11-21 17:40:00
Thành ủy TP Thanh Hóa triển khai, quán triệt Nghị quyết về xây dựng “Xã, phường không ma túy”
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-04-24 17:26:00
Bắt 2 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
Thêm 1 đối tượng sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả bị khởi tố, bắt giam
Bắt 4 đối tượng tổ chức sử dụng ma túy để “mừng” tiệc cưới
Công an huyện Lang Chánh ngăn chặn 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Tích cực khắc phục hạn chế, thiếu sót sau kết luận thanh tra tại Sở Ngoại vụ
Hà Nội: Bắt khẩn cấp nữ Tổng giám đốc công ty chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng
Triệu Sơn: Sôi nổi Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2024
Kịp thời ngăn chặn vụ mạo danh Công an để lừa đảo
Trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế
Phạt một số đơn vị truyền hình phát nội dung quảng bá website cá độ bất hợp pháp