(Baothanhhoa.vn) - Nơi Ngã ba Bông “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”, xã Hà Sơn được xem là vùng xa và “hẻo lánh” của huyện Hà Trung. Tuy không có nhiều điều kiện thuận lợi như những xã gần trung tâm thị trấn, nhưng Hà Sơn biết phát huy những lợi thế để phát triển kinh tế, khơi dậy truyền thống vùng đất văn hóa - lịch sử, cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Sơn

Nơi Ngã ba Bông “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”, xã Hà Sơn được xem là vùng xa và “hẻo lánh” của huyện Hà Trung. Tuy không có nhiều điều kiện thuận lợi như những xã gần trung tâm thị trấn, nhưng Hà Sơn biết phát huy những lợi thế để phát triển kinh tế, khơi dậy truyền thống vùng đất văn hóa - lịch sử, cơ bản hoàn thành các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà SơnTiêu chí nhà ở dân cư xã Hà Sơn được đánh giá khá chất lượng.

Sau khi đạt chuẩn NTM năm 2016, xã NTM nâng cao năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hà Sơn không ngừng nỗ lực, phấn đấu để duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng các tiêu chí. Năm 2023, Hà Sơn đăng ký xây dựng xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Hà Trung.

Trên cơ sở phát triển các tiêu chí NTM nâng cao theo chiều sâu, xã đã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Có sự tin tưởng, ủng hộ của người dân nên tính riêng trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn diễn ra khắp các thôn làng với hơn 600m2 đất thổ cư và nhiều cây xanh, công trình phụ.

Đến nay, 95% các tuyến đường giao thông nông thôn của xã được nhựa hoặc bê tông hóa, 85% các tuyến đường có rãnh thoát nước và có nắp đậy chịu lực. Trên các tuyến đường chính của xã và trục thôn có hệ thống cây hoa trang trí, cây xanh, cây bóng mát được chăm sóc thường xuyên, đảm bảo mỹ quan. 100% các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn đều có điện chiếu sáng công cộng.

Xã có 3 trường học các cấp, 1 trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia. 8/8 thôn có nhà văn hóa gắn với khu thể dục - thể thao khang trang. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được diễn ra thường xuyên, rộng khắp thu hút trên 60% người dân tham gia. 100% các thôn đạt danh hiệu làng văn hóa, cơ quan văn hóa. 100% các thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu.

Tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được chính quyền xã chú trọng từ nhiều năm qua. Ngoài việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế, xã hội của Trung ương, tỉnh và huyện, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất có ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Trong nông nghiệp, xã đã hình thành nên vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích 208ha, đưa năng suất từ 61,9 tạ/ha những năm trước đây lên 70 - 80 tạ/ha như hiện nay.

Địa phương đã tập trung đất đai, hình thành các vùng trang trại, gia trại tập trung với tổng diện tích 120ha. 57 trang trại, gia trại tổng hợp đã và đang góp phần làm chuyển biến nền nông nghiệp địa phương theo chuỗi giá trị, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Nhiều mô hình như trồng nấm sò, mộc nhĩ, nuôi ốc nhồi, ba ba, trồng hoa huệ, chăn nuôi kết hẹp trồng rừng... cho hiệu quả kinh tế cao.

HTX dịch vụ nông nghiệp ở địa phương cũng được hỗ trợ kiện toàn, thực hiện tốt các khâu dịch vụ, đồng thời ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đạt 90% diện tích nông nghiệp của xã. Mô hình mạ khay máy cấy chiếm 60 - 70% diện tích góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, tăng năng suất, hiệu quả lao động.

Địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các chủ thể sản xuất phát triển đa dạng các ngành nghề, dịch vụ thương mại. Trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp, 22 HTX nông nghiệp và dịch vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. 105 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau cũng giúp thúc đẩy kinh tế địa phương.

Trên địa bàn xã còn có 500 lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước, 200 lao động trong lĩnh vực xây dựng, thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. 225 người đang đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... gửi về nguồn ngoại tệ trị giá 40 - 50 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Hà Sơn đã đạt hơn 65,6 triệu đồng/người/năm. Từ đó, người dân có điều kiện hơn để chung tay đóng góp XDNTM. Thống kê từ UBND xã Hà Sơn, giai đoạn 2021-2023, xã đã huy động tổng nguồn lực hơn 252,5 tỷ đồng cho XDNTM các cấp độ. Trong số đó, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và huyện qua các chương trình, dự án, thì Nhân dân địa phương đã chung tay góp sức gần 179 tỷ đồng (gồm cả giá trị hiến đất, tự bỏ tiền xây dựng nhà cửa, công trình phụ khang trang hiện đại).

Trong lộ trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Hà Sơn chọn chuyển đổi số và xây dựng thôn NTM thông minh để đăng ký lĩnh vực nổi trội nhất. UBND xã Hà Sơn đã lựa chọn thôn Chí Phúc để xây dựng mô hình thôn thông minh. Xã thành lập tổ công tác phối hợp với cấp ủy, chi bộ, ban công tác mặt trận, ban phát triển thôn để hướng dẫn các hộ dân tham gia chuyển đổi số; sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt ứng dụng và lập tài khoản thanh toán điện tử...

Đến nay, thôn có đầy đủ hạ tầng internet và các dịch vụ viễn thông đến từng nhà dân; cán bộ thôn có ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trong thôn. Hệ thống chiếu sáng công cộng trong thôn ứng dụng chuyển đổi số với phần mềm tự bật/tắt tự động, thay vì phải đi 40 cột để bật 40 công tắc như trước kia. Đài truyền thanh thôn được thay bằng hệ thống không dây, có ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp thẻ sim để thu – phát tự động. Hệ thống camera an ninh được kết nối mạng Wifi, lắp trên trục đường thôn để giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông, an ninh chính trị trên địa bàn.

Với nhiệm vụ chuyển đổi số của toàn xã, để đảm bảo công tác điều hành từ xã xuống thôn, Hà Sơn đã lập 6 nhóm zalo và 1 nhóm facebook với tổng 93 thành viên là cán bộ công chức, bí thư chi bộ, trưởng thôn, ban chỉ đạo chuyển đổi số... Hiện trên 95% công việc của cấp ủy, chính quyền. MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, công chức, cán bộ chuyên trách và cán bộ thôn đều xử lý trên nhóm zalo, facebook một cách đồng bộ, thông suốt.

Chuyển đổi số trong cải cách hành chính ở Hà Sơn cũng bước đầu giúp người dân và doanh nghiệp không phải đến bộ phận một cửa khi sử dụng một số dịch vụ công trực tuyến. Khi cá nhân và tổ chức có các kiến nghị, gửi/nhận văn bản, đã được xã thực hiện thông qua App ThanhhoaS, cổng thông tin điện tử xã... Nhờ khuyến khích sử dụng tài khoản điện tử, người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi trả tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh, mua sắm tại chợ, các cửa hàng và một số dịch vụ công. 1.227/1.227 nhà ở cá nhân trên địa bàn cũng đã được gắn số, tổng hợp thông tin cơ sở dữ liệu sẵn sàng cho việc gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số quốc gia.

Những tháng gần đây, các sở, ngành, đơn vị thành viên của Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu tỉnh đã về Hà Sơn thẩm định, bước đầu nhận xét địa phương đã cơ bản đạt các tiêu chí kiểu mẫu. Đến trung tuần tháng 3 này, bộ hồ sơ thẩm định của Hà Sơn đã được gửi đến Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, chờ được xét, thẩm định trong đợt gần nhất.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]