(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa – địa phương có nhiều đặc thù về địa hình phân bổ dân cư, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đường hướng và tinh thần tiến công trong thực hiện những mục tiêu lớn. Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng địa phương, tạo được sự đột phá, được Trung ương về tìm hiểu, nhân rộng ra cả nước...

Nhiều cách làm sáng tạo trong hành trình xây dựng NTM ở xứ Thanh

Thanh Hóa – địa phương có nhiều đặc thù về địa hình phân bổ dân cư, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đường hướng và tinh thần tiến công trong thực hiện những mục tiêu lớn. Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng địa phương, tạo được sự đột phá, được Trung ương về tìm hiểu, nhân rộng ra cả nước...

Nhiều cách làm sáng tạo trong hành trình xây dựng NTM ở xứ ThanhLàng quê NTM kiểu mẫu xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Những năm gần đây, XDNTM ở Thanh Hóa được cho là đã “vào đường ray” nên liên tục gặt hái những thành quả. Tổng hợp mới nhất từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa, đến cuối tháng 4 này, toàn tỉnh có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, chiếm 40,7%; có 346/465 xã đạt chuẩn NTM, bằng 74,41% tổng số xã; 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bằng 16,2% tổng số xã và 9 xã được công nhận chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 2,6% tổng số xã. Ở cấp thôn/bản, hiện toàn tỉnh có 690 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, bằng 50,92%; trong đó, có 214 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí NTM/xã. Với sự phát triển của các mô hình sản xuất và nỗ lực của các địa phương, hiện toàn tỉnh đã có 196 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Nhiều chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn NTM, nguồn vốn, phát triển sản xuất, thu nhập của người dân... liên tục tăng trưởng.

Trở lại giai đoạn đầu khi tỉnh Thanh Hóa triển khai chương trình, những khó khăn chất chồng như thách thức sự quyết tâm và nguồn lực huy động để thực hiện các nhóm tiêu chí. Năm 2010 - thời điểm bắt đầu triển khai chương trình lớn này, bình quân toàn tỉnh mới đạt 4,7 tiêu chí/xã. Trong lúc nguồn lực cho chương trình rất hạn chế, tỉnh lại có tới 7 huyện nghèo nhất cả nước thuộc Chương trình 30a, có 100 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn... Về yếu tố con người – chủ thể triển khai, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa của Chương trình XDNTM chưa đầy đủ, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Dẫn đến, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nơi thiếu quyết liệt, Nhân dân nhiều nơi chưa có sự quyết tâm.

Ngay khi Trung ương vừa ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Trong khi ở các tỉnh, đồng chí chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban, thì Thanh Hóa đã mạnh dạn để đồng chí bí thư cấp ủy giữ nhiệm vụ này. Qua vận hành trên thực tiễn cho thấy, việc XDNTM không chỉ là nhiệm vụ riêng từ phía chính quyền mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng chí bí thư các cấp làm trưởng ban chỉ đạo XDNTM đã đem lại thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, đến việc thực hiện xuyên suốt các nhiệm vụ liên quan. Sau này, nhiều tỉnh cũng học tập cách làm của Thanh Hóa, tạo được sự thống nhất cao trong Đảng về nhiệm vụ XDNTM.

Căn cứ tình hình, điều kiện thực tế, Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo song hành phát triển nông nghiệp gắn với XDNTM chứ không tách bạch riêng Chương trình XDNTM như nhiều địa phương khác trong cả nước. Nhiệm vụ “Phát triển nông nghiệp và XDNTM” được ghép thành một, xem phát triển nông nghiệp là cơ sở, tiền đề để XDNTM bền vững. Theo đó, trong hơn 10 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa “Chương trình phát triển nông nghiệp và XDNTM” là 1 trong 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, hàng đầu trong nghị quyết đại hội. Từ đó, các huyện cũng ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ; nghị quyết tại các kỳ đại hội đảng bộ cấp huyện cũng đưa ra nhiều mục tiêu phấn đấu liên quan đến XDNTM. Nền tảng nông nghiệp thực sự đã trở thành “bệ phóng” để các địa phương vươn lên, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho XDNTM.

Thực hiện tiêu chí “Quy hoạch” – tiêu chí số 1 trong XDNTM, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động ban hành hướng dẫn, làm cơ sở triển khai xây dựng “quy hoạch xã NTM 3 trong 1”. Theo các hướng dẫn trước đó, các xã XDNTM phải thuê tư vấn và bảo vệ 3 lần với 3 quy hoạch khác nhau gồm: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường theo chuẩn mới và Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư đã có theo hướng văn minh, bảo toàn được bản sắc văn hóa tốt đẹp, Thanh Hóa đã mạnh dạn gộp 3 quy hoạch thành một quy hoạch chung. Về sau, cách làm riêng này cũng được Trung ương tham khảo để ban hành hướng dẫn thực hiện trên cả nước.

Một “đặc sản” khác trong XDNTM của Thanh Hóa là từ năm 2014, tỉnh đã ban hành các tiêu chí riêng về “thôn, bản NTM”, trong đó có đặc thù cho nhiều thôn, bản miền núi đặc biệt khó khăn, để người dân cùng chính quyền thôn/bản và xã có sự phấn đấu, nỗ lực. Đáng chú ý, 14 tiêu chí riêng của Thanh Hóa dành cho thôn, bản đã mang lại những hiệu quả không ngờ. Một xã muốn đạt chuẩn NTM, thì mỗi thôn phải đạt chuẩn NTM. Khi một thôn/bản đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn, sẽ tạo hiệu ứng để thôn khác phấn đấu. Điều đó tạo được phong trào sâu rộng ở tận vùng sâu, vùng xa đến trung du, đồng bằng. Điều này đã biến cấp thôn thành “hạt nhân” để cấu thành xã NTM, khẳng định xã NTM phải xây trên “nền móng” từ cấp thôn.

Trong quá trình tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân cũng như nhân rộng các điển hình về XDNTM, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã cho phát hành bản tin nội bộ hằng tháng. Bản tin được đóng thành quyển nhỏ, như một cẩm nang, được phát hành đến từng xã để chuyển tải những chỉ đạo từ cấp tỉnh, cập nhật những kiến thức mới về chương trình, nêu những cách làm hay và sáng tạo để nhân rộng trên địa bàn nhiều xã. Đây chính là kênh tuyên truyền hiệu quả, xuyên suốt cho chương trình.

Quá trình thực hiện mục tiêu lớn này, tỉnh Thanh hóa đã chủ động ban hành hàng chục cơ chế, chính sách riêng, lấy từ nguồn ngân sách tỉnh để khuyến khích các huyện, xã, thôn bản phấn đấu, thi đua XDNTM. Đây chính là nguồn lực để biến thành động lực cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các tiêu chí. Đặc biệt, ngay từ khi triển khai, tỉnh đã có cơ chế để lại nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất cho các xã XDNTM. Thực tế cho thấy nếu rầm rộ phát triển các công trình hạ tầng, mô hình sản xuất nhưng hiệu quả thiếu tính thực tiễn, hay xây dựng các tiêu chí để chạy đua theo thành tích thì XDNTM cũng không đạt được ý nghĩa.

Xác định chỉ có lòng dân mới là thước đo hiệu quả thực sự trong quá trình XDNTM, Thanh Hóa tiếp tục có “tiêu chí” riêng là “Đánh giá sự hài lòng của người dân”. Đây được coi là tiêu chí thứ 20 trong XDNTM mà các tỉnh khác không có. Từ nhiều năm qua, một xã muốn đề nghị thẩm định đạt chuẩn NTM, phải đề nghị ủy ban MTTQ cấp huyện cùng tổ chức các hội nghị lấy ý kiến Nhân dân từng thôn, cộng đồng dân cư. Nếu còn ý kiến “lăn tăn” về một tiêu chí nào đó, thì hội đồng cấp tỉnh sẽ chưa công nhận đạt chuẩn. Kết quả hội nghị lấy ý kiến tại các thôn phải có biên bản, có chữ ký của đại diện các hộ dân. “Tiêu chí thứ 20” này được đánh giá như là cái kết có hậu cho quá trình nỗ lực của chính quyền và Nhân dân địa phương đó trong hành trình XDNTM, để đưa xã đó, huyện đó “thay đổi về chất” (được công nhận đạt chuẩn NTM).

Với mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời Bác Hồ lúc sinh thời từng mong muốn, nên khi XDNTM, tỉnh đã xác định “XDNTM phải gắn với con người kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu, thôn, làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu”. Theo đó, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí “kiểu mẫu”, phát động và tổ chức các phong trào thi đua “Chung sức XDNTM, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu”. Giai đoạn gần đây, việc thẩm định các tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu cũng được lưu ý theo quan điểm này, nên ngoài các yêu cầu chung trên nhiều lĩnh vực, mỗi xã phải có một tiêu chí điển hình mang hình mẫu.

Với những diễn biến tích cực trong hành trình XDNTM ở Thanh Hóa hiện nay, năm 2022 này, tỉnh đã đề ra kế hoạch có thêm 2 đơn vị cấp huyện, 18 xã đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 55 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 60 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí/xã. Trong năm nay, tỉnh cũng phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 đến 4 sao; trong đó, có thêm 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]