Đồng Lộc thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám có tên là xã Đại Lý, thuộc tổng Đại Lý, huyện Hậu Lộc. Sau khi giành được chính quyền, xã đã phát động các tầng lớp Nhân dân thực hiện phong trào thi đua tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tham gia “Tuần lễ vàng”, ủng hộ đồng bào miền Nam chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược... Các phong trào nói trên đã góp phần tạo nên khí thế và sức mạnh tinh thần, vật chất cho kháng chiến.

Đồng Lộc - từ xã Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đến xã nông thôn mới

Đồng Lộc thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám có tên là xã Đại Lý, thuộc tổng Đại Lý, huyện Hậu Lộc. Sau khi giành được chính quyền, xã đã phát động các tầng lớp Nhân dân thực hiện phong trào thi đua tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tham gia “Tuần lễ vàng”, ủng hộ đồng bào miền Nam chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược... Các phong trào nói trên đã góp phần tạo nên khí thế và sức mạnh tinh thần, vật chất cho kháng chiến.

Đồng Lộc - từ xã Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đến xã nông thôn mớiMô hình gia trại tổng hợp của hộ gia đình anh Nguyễn Hữu Kiểu, xã Đồng Lộc cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Nhân dân xã Đại Lý bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Năm 1946, khi có lệnh toàn quốc kháng chiến, Nhân dân các làng trong xã đã đánh sập cầu Lèn, đào đường bộ, đường sắt để tiêu thổ kháng chiến. Lập thế trận ở đầu làng bằng cách đắp các ụ đất, dùng tre để rào làng kháng chiến. Đồng thời, đào hào giao thông xung quanh làng và hầm cá nhân để ngăn chặn địch vào làng, sẵn sàng cơ động khi xảy ra chiến sự.

Năm 1947, Chi bộ đảng xã Đại Lý được thành lập đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng địa phương. Cuối năm 1953, đầu năm 1954 để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xã Đại Lý được tách ra thành 2 xã Đại Lộc và Đồng Lộc. Sau khi chia tách, chi bộ xã Đồng Lộc được thành lập, tiếp tục tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất, tăng cường sức người, sức của cho chiến trường, tham gia các đợt dân công phục vụ các chiến dịch, đi bộ đội, thanh niên xung phong. Nhân dân trong xã phát huy cao độ lòng yêu nước, chí căm thù giặc, không quản ngại gian khổ, hy sinh, đồng hành cùng cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi cuối cùng. Với những đóng góp to lớn sức người, sức của cho kháng chiến và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đồng Lộc đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đồng Lộc hôm nay đang ra sức nỗ lực thi đua phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới (NTM). Là xã vùng đồi, có Quốc lộ 1A chạy qua, lại gần sông Mã nên rất thuận lợi cho việc giao thương trao đổi hàng hóa, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, so với các xã trong huyện, Đồng Lộc có xuất phát điểm thấp, địa hình không đồng đều, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp nên gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề dịch vụ còn chậm; sản xuất nông nghiệp còn độc canh cây lúa nước; cơ giới hóa chưa đáp ứng yêu cầu của ngành nông nghiệp. Nhiều tuyến đường giao thông nội đồng, tuyến kênh chưa được bê tông hóa gây khó khăn cho tưới tiêu. Các ngành nghề dịch vụ tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, tự phát, chưa tiếp cận được với các nguồn vốn. Việc huy động đóng góp của người dân còn hạn chế. Đặc biệt tàn dư của bom đạn và sức tàn phá của chiến tranh đã để lại khá nặng nề trên vùng đất này. Để phát triển kinh tế, xã Đồng Lộc vừa phải phục hồi sản xuất, vừa phải khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Do đó, việc phục hồi chậm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng NTM của xã trong những năm qua. Song, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng NTM.

Phát huy bản lĩnh của xã anh hùng trong kháng chiến vào quá trình xây dựng NTM, Đồng Lộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển đổi ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích tăng quy mô sản xuất phát triển HTX, trang trại, gia trại. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất trồng trọt nhằm rút bớt tỷ lệ lao động tham gia sản xuất nông nghiệp sang tham gia các ngành lao động khác. Chú trọng đến công tác tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, kịp thời đưa tiến bộ khoa học, đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Cải tạo đất lúa kém hiệu quả để trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia trại. Quy hoạch vùng lúa thâm canh chất lượng, hiệu quả cao, năng suất bình quân đạt 58 - 60 tạ/ha trở lên. Xã hiện có 3 gia trại trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: mô hình trồng cây gai trên đất bãi ven sông Lèn của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Vui; mô hình gia trại tổng hợp của hộ gia đình anh Nguyễn Hữu Kiểu; mô hình lò ấp trứng của hộ gia đình anh Trần Văn Mạo... cho thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, xã cũng rất quan tâm, thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt và cùng với doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ khó khăn. Từ đó, quy mô sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục được mở rộng và tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho nhiều lao động trên địa bàn. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có những bước phát triển đáng kể, nhiều ngành nghề như: dịch vụ buôn bán, mộc, cơ khí, gò hàn, vận tải... được xã quan tâm, tạo điều kiện phát triển.

Những năm qua, xã đã khai thác có hiệu quả các nguồn thu trên địa bàn, vận động Nhân dân đóng góp, con em đi làm ăn xa quê hương đang học tập và công tác trong, ngoài tỉnh ủng hộ cùng với ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Quá trình xây dựng NTM, toàn xã đã huy động được tổng nguồn vốn hơn 176 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên đến nay cơ bản đã đầu tư hoàn thành các hạng mục công trình phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh. Từ những hình thức tổ chức sản xuất và cơ cấu kinh tế hợp lý, cũng như các nguồn vốn huy động được đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã tăng 12% trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,07 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đến nay còn 2,3%.

Đồng chí Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc, cho biết: Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị trong huyện và nỗ lực rất lớn của đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã, cùng một phần đóng góp ủng hộ của con em xa quê. Nhờ đó, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, cơ sở hạ tầng nông thôn tương đối hoàn thiện, mang dáng dấp của xã NTM. Đầu tháng 4-2022, sau khi đi kiểm tra tình hình phát triển hệ thống hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất, phát triển đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phát huy các thiết chế văn hóa..., Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn NTM tỉnh Thanh Hóa đã bỏ phiếu, thống nhất xã Đồng Lộc đủ điều kiện đạt chuẩn NTM. Đây là cơ sở để Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh và UBND huyện Hậu Lộc đề xuất Hội đồng Thẩm định xã đạt chuẩn NTM tỉnh tổ chức hội nghị thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM cho xã Đồng Lộc trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn văn định - 04:10 01/05/22

 Trả lời

Yêu quê hương : Mưa to không ướt lá bầu. Lấy chồng Đồng Lộc không giầu cũng vui

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]