Diễn biến và hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, nguy cơ xung đột giữa Israel và Hamas lan rộng cũng như tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ và hàng loạt cuộc bầu cử lớn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Những yếu tố thách thức kinh tế thế giới trong năm 2024

Diễn biến và hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, nguy cơ xung đột giữa Israel và Hamas lan rộng cũng như tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ và hàng loạt cuộc bầu cử lớn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Những yếu tố thách thức kinh tế thế giới trong năm 2024 Cảng hàng hóa ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhật báo Le Monde (Pháp) mới đây đăng bài dự báo về bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2024 cho rằng rủi ro số một đối với các nền kinh tế là những thay đổi về địa chính trị.

Cụ thể, trong năm 2024, diễn biến và hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, nguy cơ xung đột giữa Israel và Hamas lan rộng tại Trung Đông cũng như tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ và hàng loạt cuộc bầu cử lớn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Bài viết dẫn phân tích của các nhà kinh tế thuộc hãng bảo hiểm Allianz Trade cho thấy năm này, 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ chịu tác động của các cuộc bầu cử như bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng Sáu, bầu cử cơ quan lập pháp ở Ấn Độ và Vương quốc Anh.

Đáng chú ý là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2024 với kết quả được cho là mang tính quyết định đối với phần còn lại của thế giới.

Ông Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng tại Allianz, phân tích những biến động chính trị này có thể khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp do dự hơn khi đưa ra quyết định, qua đó làm suy giảm hoặc mất đi động lực làm việc trong năm 2024.

Ngoài ra, bài viết cũng đề cập nguy cơ suy thoái đối với các nền kinh tế.

Kinh tế Mỹ đã phát triển tốt một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt nhờ vào hoạt động tốt của thị trường lao động và các khoản hỗ trợ ngân sách khổng lồ của chính quyền.

Trái với lo ngại rằng nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ không tránh được suy thoái sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, thực tế là kinh tế Mỹ đã phát triển tốt một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt nhờ vào hoạt động tốt của thị trường lao động và các khoản hỗ trợ ngân sách khổng lồ của chính quyền.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Mỹ dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm nay, sau mức tăng 2,1% vào năm 2023.

Bên kia Đại Tây Dương, bức tranh có phần kém sáng hơn một chút với câu hỏi đặt ra là liệu kinh tế Liên minh châu Âu (EU) có thoát suy thoái hay không.

Theo quan sát của các viện nghiên cứu kinh tế, Khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ tăng trưởng từ 0,3%-0,8%, bao gồm 0,6%-0,8% đối với Pháp và hơn 0,6% một chút đối với Đức. Hoạt động kinh tế tại nhiều quốc gia thành viên có thể bị ảnh hưởng khi các nước dự kiến sẽ hạn chế chi tiêu công để tuân thủ các quy định ngân sách của EU.

Ông Philippe Waechter, nhà kinh tế trưởng tại Ostrum Asset Management, nhấn mạnh việc hạn chế chi tiêu công cũng có nguy cơ làm chậm lại các khoản đầu tư cần thiết cho ngành công nghiệp xanh và làm gia tăng thêm khoảng cách của EU với Mỹ trong lĩnh vực này.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, nhân khẩu học suy giảm, chi phí lao động tăng, khó khăn trong giao thương với Mỹ đang là những nhân tố khiến vai trò động lực của nước này chững lại và suy giảm niềm tin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục là động lực cho nền kinh tế thế giới vào năm 2024.

Theo IMF, GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ chỉ tăng tối đa là 4,7%, sau mức tăng 5% vào năm 2023 - thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng 10% được ghi nhận vào đầu những năm 2000.

Chuyên gia Irina Topa-Serry tại Axa IM nhận định các nền kinh tế mới nổi đang chống chịu tốt dù thiếu đi động lực đáng kể từ Trung Quốc và các nền kinh tế này sẽ được hưởng lợi từ việc lãi suất giảm vào năm 2024.

Theo bài viết, khủng hoảng lạm phát đè nặng các nền kinh tế trong năm 2023 và có thể chưa hẳn đã kết thúc trong năm 2024.

Ông Mathieu Plane, Phó Giám đốc bộ phận phân tích và dự báo tại Trung tâm Quan sát Tình hình Kinh tế Pháp (OFCE), đánh giá lạm phát đang có những diễn biến khá tốt nhưng vẫn còn những yếu tố không chắc chắn, đặc biệt là liên quan địa chính trị. Xung đột leo thang ở Trung Đông có thể khiến giá dầu tăng thêm hoặc tiếp tục làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu.

Dù vậy, các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng giai đoạn cấp tính của cuộc khủng hoảng đã kết thúc và lạm phát về cơ bản sẽ chỉ cao hơn một chút so với thập niên trước.

Điều này được cho là do yêu cầu cấp thiết của quá trình chuyển đổi môi trường, việc tổ chức lại hệ thống thương mại toàn cầu và mong muốn của các nền kinh tế lớn giành lại chủ quyền trong toàn bộ lĩnh vực công nghiệp.

Trong kịch bản lạm phát giảm, các ngân hàng trung ương sẽ phải giảm lãi suất một cách hợp lý. Ngày 13/12 vừa qua, Fed đã gây bất ngờ khi để ngỏ khả năng hạ lãi suất ít nhất 3 lần trong năm 2024. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tỏ ra thận trọng hơn nhưng cũng cho biết sẽ giảm lãi suất vào mùa Xuân hoặc mùa Hè./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]