(Baothanhhoa.vn) - Tháng tư về trong nắng nhẹ cuối xuân, mảnh đất Hàm Rồng huyền thoại xưa gợi nhắc bao người về những năm tháng đau thương nhưng hào hùng. Chiến thắng Hàm Rồng cách đây 60 năm có một phần công sức không hề nhỏ của những cán bộ, chiến sĩ và dân quân các làng Từ Quang, Yên Vực, xã Hoằng Long (nay là phường Long Anh); làng Phượng Đình, xã Hoằng Anh (nay là phường Tào Xuyên); làng Đông Sơn (phường Hàm Rồng) và làng Nam Ngạn (phường Nam Ngạn), TP Thanh Hóa... Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với những cựu cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng vẫn vẹn nguyên ký ức không thể nào quên.

Những ký ức không bao giờ quên

Tháng tư về trong nắng nhẹ cuối xuân, mảnh đất Hàm Rồng huyền thoại xưa gợi nhắc bao người về những năm tháng đau thương nhưng hào hùng. Chiến thắng Hàm Rồng cách đây 60 năm có một phần công sức không hề nhỏ của những cán bộ, chiến sĩ và dân quân các làng Từ Quang, Yên Vực, xã Hoằng Long (nay là phường Long Anh); làng Phượng Đình, xã Hoằng Anh (nay là phường Tào Xuyên); làng Đông Sơn (phường Hàm Rồng) và làng Nam Ngạn (phường Nam Ngạn), TP Thanh Hóa... Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với những cựu cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng vẫn vẹn nguyên ký ức không thể nào quên.

Những ký ức không bao giờ quên

Ông Nguyễn Viết Dua, xã Hoằng Anh (nay là phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa) vẫn giữ được sức khỏe, sự lạc quan khi tuổi về già.

Ông Lê Văn Đàn (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) xúc động kể: “Vừa tốt nghiệp cấp 3, tôi đã nhập ngũ vào đơn vị pháo cao xạ, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 304 - Đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Nhiệm vụ của tôi là ngắm máy đo xa (đo cự ly máy bay tiếp giáp với trận địa). Công việc đòi hỏi phải thật chính xác nên tôi phải luôn bình tĩnh và nhanh mắt để bắt được mục tiêu càng sớm càng tốt, báo cho chỉ huy biết để phát lệnh chiến đấu”. Nhớ lại giây phút cùng đồng đội chiến đấu bên mâm pháo, ông Đàn rưng rưng: “Tiểu đội của tôi có khoảng 150 người, trong đó có khoảng 20 đồng chí hy sinh, nhiều đồng chí bị thương. Tôi chứng kiến sự hy sinh ngoan cường của nhiều đồng đội, đó là anh đội phó bị thương rất nặng gần đứt lìa cánh tay, thân mình đầm đìa máu nhưng vẫn kêu gọi các chiến sĩ chiến đấu. Anh nằm đó, mắt vẫn dõi theo máy bay của địch báo cho đồng đội hướng bay để tiêu diệt”.

Trận địa cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa từng được biết đến là “chảo lửa” của cả nước những năm quân đội Mỹ bắn phá miền Bắc. Đây là nút giao thông huyết mạch trên tuyến Quốc lộ 1A hội đủ 3 yếu tố là vận chuyển đường thủy, đường bộ và đường sắt để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam nên cả quân ta và Mỹ đều xác định đây là vị trí rất quan trọng. Quân Mỹ thì ra sức bắn phá, còn quân dân ta thì “thà hy sinh trên mâm pháo chứ quyết không để sập cầu”.

Hình ảnh xã đội trưởng xã Hoằng Anh (nay là phường Tào Xuyên) Nguyễn Viết Dua cứ thoăn thoắt nơi trận địa, làng xóm để chỉ huy, điều động con số chiến đấu bảo vệ cầu, hỗ trợ thương binh... vẫn còn in sâu trong tâm trí nhiều nữ cựu dân quân ngày ấy. Ông Dua từng có hơn 4 năm công tác tại Đại đội 5, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 57 (Sầm Sơn). Trở về địa phương, tháng 5/1964, ông làm xã đội trưởng đúng thời điểm Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân và hải quân. Ông lao ngay vào cuộc chiến đấu với tất cả nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc và Nhân dân. Ông đã chỉ huy dân quân toàn xã trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ rất kiên cường, dứt khoát. Ông bị thương nhưng vết thương ấy không hề hấn gì mà vẫn kiên cường bám trận địa, bảo vệ bằng được cầu Hàm Rồng. Với những đóng góp của mình trong suốt những năm chống Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, ông Dua được công nhận chiến sĩ quyết thắng cấp quân khu; được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và vinh dự đại diện cho lực lượng dân quân được ra Hà Nội gặp Bác Hồ, dự lễ mừng công quyết thắng toàn quân năm 1967.

Những ngày giặc Mỹ điên cuồng đánh phá cầu Hàm Rồng, làng Đông Sơn, Nam Ngạn, Hạc Oa, Phượng Đình... từ già đến trẻ, không ai bảo ai, nhiều người ra trận, các chị lo cơm nước, các cháu cáng thương, tiếp đạn. Đội ngũ dân quân các làng được tổ chức huấn luyện đã đánh địch thành thạo như việc cấy cày. Cô Lê Thị Thoa, nữ chiến sĩ Trường Sơn (Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh) cho chúng tôi biết: "Năm 1965 tôi mới 13 tuổi đã cùng với các chú bộ đội Trung đoàn 228 tham gia cứu thương những người dân, chiến sĩ bảo vệ cầu Hàm Rồng bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá. Nhìn cảnh hoang tàn, người chết mà thương xót, căm phẫn. Tôi quyết định mình sẽ đi bộ đội đóng góp sức mình cho cuộc chiến đấu giành độc lập của dân tộc. Mặc dù không được tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng trong trận đánh năm 1972 nhưng tôi luôn nghĩ, chiến đấu ở đâu trên đất Việt cũng đều là bảo vệ Tổ quốc".

Những năm 1972-1973, giặc Mỹ tiếp tục phá hoại miền Bắc. Cầu Hàm Rồng lại thêm một lần nữa hứng chịu bom đạn của giặc Mỹ vô cùng ác liệt. Ông Lê Hữu Bé, phố Tân Long 1, phường Hàm Rồng vẫn “rực lửa lòng” kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng vào sinh ra tử làm nhiệm vụ cảnh sát giao thông bảo vệ cầu. “Hồi đó, tôi đang là sinh viên Trường Cảnh sát Nhân dân được Bộ Công an phân công về bảo vệ một số tuyến giao thông từ phà Đò Lèn, huyện Hà Trung đến phà Long Đài, tỉnh Quảng Bình. Điểm tôi nhận nhiệm vụ phân luồng giao thông là phía Nam cầu Hàm Rồng. Trạm có 4 người, tôi được giao quyền trạm trưởng có nhiệm vụ phân luồng giao thông, bảo đảm cho xe chở vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam và xe chở thương binh từ miền Nam ra miền Bắc chữa trị, an dưỡng không bị ách tắc. Vì đây là tuyến giao thông huyết mạch, mỗi ngày có từ 500 đến 600 chuyến xe qua, nhưng chỉ có 5 điểm đi qua là cầu phao 1, cầu phao 2, phà 1, phà 2 và 1 cầu sắt (cầu Hàm Rồng). Việc điều khiển, phân luồng phải có sự tính toán, cẩn trọng và nhanh gọn. Tôi nhớ nhất là, ngày 14/6/1972, tôi gặp 2 bác Lê Tá Phan, Chỉ huy trưởng công trình, nguyên là Chủ tịch huyện Đông Sơn (cũ) và Vũ Danh Lân, Hiệu trưởng trường cấp 3 Đông Sơn chỉ huy phó công trình, hai bác nói với tôi: "Ngày mai là Tết Đoan Ngọ, các chị em (dân quân, học sinh, sinh viên, TNXP...) muốn làm thêm giờ để hoàn thành công trình đắp đê sông Mã, mai đón tết một chút rồi đến làm”. Nghĩ rằng, chị em hậu phương sẽ được đón tết ấm cúng bên gia đình dù là thời gian ngắn thôi, nhưng không ngờ, chỉ khoảng 15 phút sau 4, 5 chiếc máy bay Mỹ bay lượn, gầm rú thả bom ào ạt từ đầu làng Nam Ngạn đến cách cầu sắt Hàm Rồng khoảng 300m, chúng đánh nhiều đợt bom cày xới vùi lấp nhiều cứ điểm, nhiều công trình, chúng đánh cả vào làng. Tôi và đồng đội chứng kiến cảnh thương vong vội vã ra cứu thương. Không chút do dự, mặc dù máy bay Mỹ vẫn đang lượn trên bầu trời, chúng tôi vẫn thao tác phân luồng, vận chuyển cho người và xe cáng thương, giúp đồng đội, người dân đi cấp cứu...".

Trong trận đánh mà ông Bé kể, có cả người bạn đời của ông là bà Dương Thị Hòa tham gia đắp đê sông Mã cũng bị thương. Sau 1 năm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, ông Bé tiếp tục quay lại trường học và công tác xa nhà. Sau này, ông chuyển về Công an Thanh Hóa và nghỉ chế độ năm 1993.

Những ký ức không bao giờ quên

Ông Lê Hữu Bé phấn khởi treo cờ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng.

Những chiều đạp xe qua cầu Hàm Rồng, dạo quanh đê sông Mã, ngắm dòng sông Mã lúc hung dữ, lúc hiền hòa mà lòng ông Bé nhẹ nhõm. Rồi những lúc bình yên trở về nhà, ông Bé cũng như các ông, các bà đã từng tham gia, chứng kiến cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng lại cùng các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau trò chuyện, kể cho nhau nghe những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, về Hàm Rồng và những tình cảm quân - dân chất chứa yêu thương. Dù trận chiến đã lùi xa hàng chục năm, nhưng ký ức về những ngày gian khó “vượt mưa bom bão đạn” cùng đồng đội bảo vệ cầu Hàm Rồng vẫn không thể nào nguôi ngoai trong ký ức của ông Đàn, ông Dua, ông Bé, cô Thoa... Niềm vui, niềm tự hào ấy càng hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người khi nhắc đến Hàm Rồng - chiến thắng 60 năm vẫn mãi còn vang vọng.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]