Những cựu chiến binh xông pha trong thời chiến, cống hiến giữa thời bình
Dẫu trong thời chiến hay giữa thời bình, những người cựu chiến binh (CCB) vẫn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí phấn đấu vươn lên, giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, đóng góp giá trị tốt đẹp cho đời. Bởi lẽ, trong tâm khảm mỗi người, ngôi sao sáng nhất là ngôi sao cài trên mũ, áo và “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, phải sống sao cho có ý nghĩa, xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ.
CCB Trịnh Xuân Nam (bên trái) trở về mảnh đất Yên Ninh (Yên Định) xây dựng trang trại Hương Quê, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Ảnh: Thảo Linh
1. CCB Nguyễn Duy Nở mở đầu câu chuyện bằng những hoài niệm: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hóa (sau sáp nhập, xã Hoằng Đại thuộc TP Thanh Hóa), gần cầu Hàm Rồng lịch sử. Những ngày chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ác liệt, chúng tôi chứng kiến cảnh bom rơi đạn nổ suốt ngày. Nhưng khi chính mình bước chân vào đời binh nghiệp, xông pha trên chiến trường, tôi mới thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh xương máu của anh em đồng đội mình là vô cùng. Để có thể trở về được với gia đình, quê hương, tôi thấy số phận tôi may mắn hơn rất nhiều các đồng đội”.
Sống và cống hiến để trả ơn cuộc đời, trả ơn đồng đội đã ngã xuống để cho đất nước mình được đứng lên, trong hoàn cảnh thiếu khó, bộn bề, CCB Nguyễn Duy Nở cố gắng vươn lên bằng ý chí tự lực tự cường không ngại khó khăn gian khổ, ra sức lao động sản xuất. 10 năm liền gia đình ông được Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa công nhận là gia đình sản xuất giỏi.
Năm 2002, phát huy bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, nhạy bén với thời cuộc, CCB Nguyễn Duy Nở đã mạnh dạn thành lập Công ty (CT) TNHH Hoàng Tuấn, lĩnh vực hoạt động theo đăng ký ban đầu là xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi và công trình dân dụng. Sau 22 năm hình thành và phát triển, CT luôn đứng vững trên thương trường, từng bước khẳng định uy tín, chất lượng, tốc độ tăng trưởng tốt, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2021, 2022, khi các doanh nghiệp trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của CT vẫn đảm bảo tăng trưởng. Năm 2021, doanh thu của CT đạt 564 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 12,68 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu của CT có mức tăng trưởng vượt bậc với hơn 641 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm 2021, nộp ngân sách Nhà nước 10,3 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu đạt hơn 670 tỷ đồng, tăng gần 4,5% so với năm 2022, nộp ngân sách Nhà nước gần 12 tỷ đồng... CT hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động với mức lương bình quân là 13 triệu đồng/người/tháng; đời sống của cán bộ, công nhân viên được đảm bảo, trong đó phần nhiều là con em của những thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với phương châm “lấy uy tín và chất lượng là hàng đầu, tuân thủ mọi sự giám sát, kiểm định của các cơ quan quản lý”, các công trình do CT thi công luôn được lãnh đạo và Nhân dân trên địa bàn đánh giá cao. CT đã trúng thầu những công trình có giá trị lớn, mang tính trọng điểm của tỉnh. CT là một trong những đơn vị dẫn đầu trong thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Không chỉ là điển hình trong phát triển kinh tế, CCB Nguyễn Duy Nở thấm thía, trân trọng sự mất mát, hy sinh của đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường, của thân nhân các gia đình liệt sĩ, người có công. Vì vậy, bằng nghĩa tình, trách nhiệm, CT và cá nhân CCB Nguyễn Duy Nở đã và đang thực hiện nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh. Ông Nở tâm sự: “Đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm, thể hiện lòng tri ân, biết ơn sâu sắc của chúng tôi với đồng đội, với công lao của các thế hệ cha anh”. Hằng năm, ông vẫn dành từ 1 - 2 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội. Từ năm 2010 đến nay, CCB Nguyễn Duy Nở và CT TNHH Hoàng Tuấn đã ủng hộ, xây dựng được 13 ngôi nhà tình nghĩa; nhận phụng dưỡng suốt đời 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Hoằng Đạt, Hoằng Khê (Hoằng Hóa), Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) và thương binh nặng Nguyễn Văn Hồng (tỷ lệ thương tật 85%) tại xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa). Trong số các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phụng dưỡng suốt đời, hiện nay chỉ có mẹ Lê Thị Lợi, sinh năm 1919, người xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa còn sống. Cùng với đó, ông trợ cấp cho 20 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha cả mẹ để các cháu có điểm tựa trong học tập; giúp cho nhiều gia đình CCB có hoàn cảnh nghèo vay vốn và hỗ trợ bằng tiền, hiện vật để họ có thể vươn lên ổn định cuộc sống.
Những vinh dự lớn lao của đời người, CCB Nguyễn Duy Nở đã có được: Huân chương Chiến sĩ giải phóng – Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam; 3 lần liên tục được Thủ tướng Chính phủ trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng I, hạng II, hạng III và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, xã hội... Tất cả đã trở thành động lực để ông Nở tiếp tục phát huy năng lực, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình, không ngừng gặt hái thành công trên “mặt trận” kinh tế, lan tỏa tinh thần “vì cộng đồng”...
2. Sau hơn nửa đời người xa quê, năm 2016, CCB Trịnh Xuân Nam quyết định trở về vùng đất Yên Ninh (Yên Định) để sinh sống, xây dựng trang trại và thành lập CT TNHH Dịch vụ và Thương mại Hương Quê ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn. Trang trại có diện tích khoảng hơn 10ha, trồng đủ các loại bưởi (da xanh, Tân Lạc, bưởi Diễn), nhãn, mít và chăn nuôi gà (khoảng 60 nghìn con/lứa), lợn (60 lợn nái đẻ, 500 - 600 con lợn thịt), các loại cá truyền thống. Trang trại của ông Nam hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương dao động từ 7 - 10 triệu đồng; vào mùa/vụ, trang trại có thể huy động hơn 20 lao động. Doanh thu của trang trại đạt khoảng 15 - 20 tỷ đồng/năm.
Quy mô của trang trại khiến chúng tôi không khỏi lăn tăn mà đặt ra câu hỏi: “Liệu đây có phải quyết định táo bạo, tự làm khó, làm khổ mình ở cái tuổi “xế chiều?”. Ông Nam cười hiền, thủ thỉ nói: “Làm nông nghiệp khó khăn, vất vả, rủi ro, điều đó hầu như ai cũng biết, cũng hình dung ngay được. Nhưng nhiều khi nghĩ, mình đã có tuổi rồi, sau nhiều năm bôn ba trở về cũng nên gắng sức, quyết tâm làm điều gì đó ý nghĩa, thiết thực đóng góp cho quê hương. Tôi nghĩ việc tạo ra mô hình phát triển kinh tế trên cơ sở tiềm năng, lợi thế vốn có, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương là điều thiết thực nhất tôi có thể làm được. Nghĩ là làm thôi, tinh thần CCB là thế mà”.
Được biết, ngay thời điểm thành lập doanh nghiệp, ông Nam đã ấp ủ dự định kết nối những người CCB cùng giúp nhau phát triển kinh tế. Từ ý nghĩ ấy, ông Nam kêu gọi, vận động một số CCB làm việc trong CT kề vai sát cánh bên nhau thành lập Hội CCB CT TNHH Dịch vụ và Thương mại Hương Quê, trực thuộc Hội CCB huyện Yên Định. Hội có 11 thành viên, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết, nêu cao tình đồng chí, đồng đội. Ông Nam cho biết: “Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, lãnh chỉ đạo của Hội CCB tỉnh, Hội CCB huyện Yên Định, Hội CCB CT TNHH Dịch vụ và Thương mại Hương Quê làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vận động các thành viên hăng hái thi đua lao động sản xuất, không vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và tích cực đóng góp cho sự phát triển của địa phương”.
3. Là tỉnh có số lượng hội viên CCB đông đảo nhất toàn quốc (đứng sau TP Hà Nội) với 207.305 hội viên, công tác hội và phong trào CCB tỉnh Thanh Hóa nói chung, phong trào thi đua “CCB gương mẫu” nói riêng đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng.
CCB tỉnh Thanh Hóa đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực thông qua việc phát động các phong trào, mô hình thiết thực, ý nghĩa như: Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” với mô hình câu lạc bộ CCB giúp nhau phát triển kinh tế; xây dựng những ngôi nhà nghĩa tình đồng đội; tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền với các mô hình “Tổ CCB 3 chủ động”, “Tổ báo cáo viên CCB”; đóng góp tích cực vào phong trào XDNTM với các gương điển hình hiến đất mở đường... Hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”. CCB tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều mô hình hay như: “Đoạn đường CCB tự quản”, “CCB giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng”; “CCB với tuyến phố an toàn, văn minh, lịch sự”; “CCB tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, phòng chống cháy rừng”; “CCB giữ gìn an toàn giao thông, an ninh trật tự cổng trường học”...
Năm 2024, cùng cả nước, hội đã phát động và triển khai phong trào thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Hội CCB Việt Nam và Đại hội Thi đua yêu nước CCB gương mẫu lần thứ VII, giai đoạn 2024-2029. Theo đó, 100% hội cơ sở và hội cấp trên cơ sở đã hoàn thành việc tổng kết 5 năm phong trào thi đua “CCB gương mẫu” với sự tham gia của 17.554 đại biểu được bầu chọn từ chi hội; có 546 công trình, phần việc được hoàn thành. Toàn tỉnh có 2.224 tập thể, 6.300 cá nhân được chủ tịch UBND cấp xã, huyện và ban chấp hành (BCH) hội CCB cấp huyện tặng giấy khen; có 117 tập thể và 181 cá nhân được BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh và BCH Hội CCB tỉnh tặng Bằng khen. Hội CCB tỉnh vinh dự được BCH Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc, giai đoạn 2019-2024.
Trong thời chiến, những người lính không quản gian khổ, hy sinh mà kiên định nắm chắc tay súng, vững vàng nhịp bước quân hành để giữ vững độc lập, tự do cho dân tộc, cuộc sống yên bình cho Nhân dân. Trở lại với đời thường, những người CCB ấy lại mang hết tâm trí, sức lực, tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước.
Thảo Linh
{name} - {time}
-
2024-12-20 15:53:00
Hành trình của một người lính
-
2024-12-20 15:45:00
Mở Đường (Bài 1): Thênh thang đường về quê Thanh...
-
2024-12-20 11:55:00
Dáng vóc đô thị “tựa núi, bên sông, hướng biển”
Ông Hoàng Trọng Cường, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa: “Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị văn minh trên nền tảng của sự đổi mới, sáng tạo, đi vào chiều sâu, hướng đến giá trị bền vững”
Chiến tranh và nỗi ám ảnh
Những người giữ hồn di sản
Xây dựng những tuyến đường mở hướng tương lai
Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu, giải pháp hiện đại để khơi thông tiềm năng trên tất cả các lĩnh vực”
Dưới chân núi Chiếu Bạch
“Tiếng gọi của khoảng trống” – viết như nội tâm hóa sự tham dự văn hóa
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 1): Cần “cởi bỏ” tấm áo “phòng, chống”