Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump mang đến những thay đổi gì cho nước Mỹ?
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng. Với kết quả này, ông Trump sẽ trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ và sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2025 tới.
Yếu tố làm nên chiến thắng vang dội của Tổng thống Donald Trump
Có thể nói, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay được đánh giá là gay cấn, quyết liệt nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ. Cương lĩnh vận động tranh của 2 ứng viên, đại diện cho đảng Dân chủ và Cộng hòa, đều có những mặt mạnh, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chủ trương, đường lối của đảng. Vậy yếu tố nào được cho là quyết định đến chiến thắng của Tổng thống Donald Trump trước đối thủ?
Trước hết, 4 năm trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính quyền Tổng thống Joe Biden, nước Mỹ đạt được nhiều thành tựu, song tồn tại không ít những hạn chế, và điều này làm giảm sút uy tín của đảng Dân chủ. Nền kinh tế Mỹ tiềm ẩn nguy cơ suy thoái với những chỉ số đáng báo động, như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ suy giảm nhiều tháng liên tiếp. Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục gặp khó khăn khi phải “sa lầy”, dù trực tiếp hay gián tiếp, vào nhiều cuộc xung đột, từ vấn đề Ukraine cho đến “chảo lửa” Trung Đông.
Thứ hai, trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cử tri Mỹ có truyền thống ủng hộ ứng viên có tính cách mạnh mẽ, sẵn sàng đưa ra những chính sách táo bạo, thậm chí là đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm để cải thiện tình hình của đất nước. Xét ở khía cạnh này, rõ ràng Tổng thống Donald Trump vượt trội hơn so với đối thủ với những cam kết mạnh mẽ từ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân đến chính sách nhập cư, những vấn đề đối ngoại gai góc,...
Thứ ba, mặc dù bà Harris dẫn trước trong suốt quá trình tranh cử (theo kết quả thăm dò dư luận của nhiều công ty, tổ chức), song ông Trump lại giành chiến thắng vang đội tại 7 bang chiến địa, vốn có vai trò quyết định đến kết quả cuộc bỏ phiếu, cụ thể là: Bắc Carolina, Georgia, Wisconsin, Pennsylvania, Nevada, Michigan, Arizona.
Thứ tư, nếu như Kamala Harris giành ưu thế tuyệt đối với nhóm cử tri da màu, thì Tổng thống Donald Trump nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân Mỹ, trong đó có nhiều nhóm cử tri có số lượng lớn và vai trò đặc biệt quan trọng, như nhóm cử tri gốc Latinh, gốc Ả Rập, tầng lớp thanh niên,... Đặc biệt, trong số giới tài phiệt ủng hộ Tổng thống Donald Trump, Elon Musk là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới và có tầm ảnh hưởng tương đối lớn ở Mỹ.
Trọng tâm chính sách đối nội
Ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Tổng thống Donald Trump là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong chiến dịch vận động tranh cử, thông điệp của ông tập trung vào sự thay đổi triệt để trong chính sách thương mại, kế hoạch xóa bỏ thuế tiền boa, phúc lợi an sinh xã hội và đề xuất giảm đáng kể thuế suất doanh nghiệp. Theo ông Trump, các biện pháp này không chỉ khôi phục việc làm cho nước Mỹ, mà còn giảm lạm phát, một điểm mà ông nhấn mạnh khi nhiều người Mỹ đang vật lộn với giá cả tăng cao.
Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy chính sách bảo hộ thương mại, thay đổi chính sách kinh tế của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế quan phổ quát từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và 60% - 100% đối với hàng hóa từ Trung Quốc (tùy từng mặt hàng). Ông Trump lập luận rằng, các mức thuế quan này sẽ tạo ra việc làm cho người dân Mỹ và bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ, đồng thời khuyến khích sản xuất trong nước, giúp Mỹ giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ sẽ chứng kiến sự cải tổ mạnh mẽ chính sách nhập cư, một chính sách nhằm xây dựng và tăng cường các biện pháp vốn đã gay gắt trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Tổng thống Donald Trump có kế hoạch trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép bằng các cuộc đột kích nơi làm việc trên diện rộng và sự tham gia của quân đội Mỹ, đồng thời dồn nguồn lực của liên bang vào việc mở rộng các bức tường biên giới Mỹ - Mexico.
Giới phân tích cho rằng, việc quân sự hóa chính sách nhập cư phản ánh chiến lược rộng hơn của ông Trump là coi nhập cư là mối đe dọa an ninh, coi tất cả những người nhập cư không có giấy tờ là mối nguy hiểm đối với trật tự, an toàn xã hội nước Mỹ. Mục đích là tạo ra sự kiểm soát chặt chẽ ở biên giới, được tăng cường bởi Vệ binh Quốc gia và cảnh sát địa phương từ các tiểu bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo. Những người ủng hộ cho rằng cách tiếp cận này là cần thiết cho an ninh quốc gia, trong khi những người chỉ trích coi đây là tiền lệ nguy hiểm, làm suy yếu các quyền tự do dân sự và có thể dẫn đến việc sử dụng vũ lực quá mức đối với những nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Đảo ngược chính sách đối ngoại
Chính sách quyết liệt hơn đối với Trung Quốc được cho là “tấm danh thiếp” của ông Trump trong thời gian ông ở Nhà Trắng và sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ thứ hai. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần hứa, khi trở lại nắm quyền, sẽ đưa ra các mức thuế mới, đặc biệt áp thuế đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc (dao động từ 60% đến 100% tùy thuộc vào tên sản phẩm). Thương mại và kinh tế là những vấn đề ưu tiên của Tổng thống Donald Trump trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng gia tăng trong lĩnh vực này sẽ dẫn đến mối quan hệ xấu đi giữa hai cường quốc trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả khoa học, văn hóa và xu hướng cạnh tranh địa chính trị ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Liên minh châu Âu (EU) cũng nên chuẩn bị cho tình trạng quan hệ thương mại với Mỹ ngày càng xấu đi. Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 7, ông Trump một lần nữa cáo buộc người châu Âu đối xử bất công với Mỹ. Nhưng khía cạnh này chỉ là một phần của những vấn đề trong quan hệ giữa Brussels và Washington. Một chủ đề khó khăn khác trong quan hệ Mỹ - châu Âu sẽ là đóng góp cho ngân sách quốc phòng của các nước thành viên NATO. Vào cuối tháng 7, Bloomberg đã báo cáo kế hoạch của ê-kíp Donald Trump nhằm nâng mức đóng góp 3% thay vì 2% GDP như hiện tại, mức mà hầu hết các nước thành viên sẽ khó đạt được. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, vấn đề chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên NATO là nguyên nhân chính gây ra tranh cãi trong nội bộ khối.
Chính sách Trung Đông của Tổng thống Donald Trump cũng sẽ phản ánh phần lớn các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Có thể sự ấm lên trong mối quan hệ với Saudi Arabia, tăng cường hỗ trợ quân sự cho Israel, cũng như gia tăng áp lực đối với Iran. Nhiều khả năng, trong nhiệm kỳ mới Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ liên kết chặt chẽ với Quốc hội Mỹ nhằm tạo ra một làn sóng trừng phạt mới đối với Iran. Từ nhiều năm nay, phần lớn các dự luật trừng phạt Iran đều do đảng Cộng hòa hoặc đảng Cộng hòa liên minh với đảng Dân chủ đề xuất. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, các sắc lệnh hành pháp mới sẽ xuất hiện, thắt chặt chế độ trừng phạt và thông qua các luật mới về các biện pháp hạn chế chống lại Iran.
Quan điểm của Tổng thống Donald Trump đối với Nga có vẻ như ôn hòa hơn so với các chính trị gia khác ở Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với tỷ phú Elon Musk ngày 12/8, ông Trump hy vọng sẽ cải thiện quan hệ với Moscow và cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào khả năng quan hệ Mỹ - Nga ấm lên nhanh chóng, vì điều này được quyết định bởi các yếu tố cấu trúc chứ không phải xuất phát từ vai trò cá nhân Tổng thống Mỹ. Thực tế, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã góp phần làm trầm trọng thêm cấu trúc quan hệ Mỹ - Nga, vốn được cải thiện phần nào kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Từ bỏ các hiệp ước quan trọng trong lĩnh vực an ninh chiến lược (bác bỏ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 vào năm 2019, rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở năm 1992 vào năm 2020, đe dọa không gia hạn START-3), ông Trump đã thu hẹp phạm vi vốn đã rất khiêm tốn cho đối thoại giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất này. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, hợp tác Mỹ - Nga đã suy yếu đáng kể trong cuộc chiến chống lại các thách thức toàn cầu, vốn rất cần sự chung tay của các nước lớn. Điều này liên quan đến sự rút lui của Mỹ trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện. Vì lẽ này, mà vấn đề Ukraine cũng sẽ khó có thể được giải quyết một sớm, một chiều bất chấp ông Trump từng cam kết sẽ giải quyết dứt điểm trong vòng 24 giờ nếu đắc cử.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó đặt ASEAN ở vị trí trung tâm. Mặc dù ông Trump không đề cập nhiều đến ASEAN trong chiến dịch vận động tranh cử, song xét về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho thấy quan hệ giữa Mỹ và ASEAN đang có những bước phát triển mạnh mẽ, ít nhất là trong 2 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ gần đây. Về kinh tế, Mỹ hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào ASEAN, với tổng giá trị thương mại giữa hai bên đạt tới 500 tỷ USD vào năm 2023. Kể từ năm 2002, Mỹ đã cung cấp hơn 14,7 tỷ USD viện trợ kinh tế, y tế và an ninh cho các đối tác trong khu vực, khẳng định vai trò không thể thiếu trong sự phát triển toàn diện của ASEAN. Mối quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Mỹ và các nước khu vực cũng được tăng cường trong thời gian qua. Theo giới phân tích chính trị, nhờ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, cùng vị trí địa chính trị quan trọng, ASEAN ngày càng có sức hút đối với các nước lớn, trong đó đặc biệt là Mỹ. Ngoài việc củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines, Chính quyền Tổng thống Donald Trump không thể bỏ qua vai trò của ASEAN để quay trở lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, trước sự “trỗi dậy” của Trung Quốc.
HÙNG ANH
{name} - {time}
-
2024-12-08 22:04:00
Hai cuộc chiến thay đổi vận mệnh Syria
-
2024-12-07 09:10:00
Giải mã các cuộc khủng hoảng chính trị ở châu Âu
-
2024-11-05 09:17:00
Chính phủ Đức đối mặt với nguy cơ tổ chức bầu cử sớm
Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024: Cuộc chiến kim tiền
Tại sao cử tri ở các tiểu bang dao động lại quyết định đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ?
Trump - Harris: Cuộc chiến giành sự ủng hộ của cử tri gốc Latinh
Cuộc đình công của Boeing sẽ tác động mạnh tới thị trường việc làm Mỹ
Bầu cử Tổng thống Mỹ giai đoạn chạy nước rút: Trump và Harris bất phân thắng bại
Bầu cử Mỹ: Donald Trump và Kamala Harris sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế như thế nào với tư cách là tổng thống?
Bầu cử Mỹ: Các nhà lãnh đạo kinh tế lo lắng về sự trở lại của Donald Trump
Những tin đồn về việc Triều Tiên đưa quân tới hỗ trợ Nga có thể đẩy xung đột Ukraine lên nấc thang mới
Bầu cử Mỹ: “Sự trở lại” của Obama có đủ để ngăn chặn Trump hay không?