(Baothanhhoa.vn) - Ở bài tiểu luận “Sống đã... rồi viết văn”, Trần Mai Ninh viết: “Ta hãy khoan nói đến viết lách. Tôi hỏi anh đã có lần nhìn kỹ một vật nào, một người nào, một cảnh nào chưa? Anh trả lời đi đã rồi ta hãy sẽ luận bàn văn chương”. Với tư tưởng ấy, trong cuộc đời mình, nhà văn - nhà báo Trần Mai Ninh luôn tâm niệm rằng, để có được những tác phẩm hay, người cầm bút phải thực sự “sống” một cuộc sống đúng nghĩa. Từ chính cuộc đời mình, ông đã dấn thân và sẵn sàng chịu tù đày, đã tạo nên những áng văn thơ, viết lên những bài báo đầy sức chiến đấu và mang giá trị nhân văn cao cả.

Nhà báo Trần Mai Ninh: Sống và viết

Ở bài tiểu luận “Sống đã... rồi viết văn”, Trần Mai Ninh viết: “Ta hãy khoan nói đến viết lách. Tôi hỏi anh đã có lần nhìn kỹ một vật nào, một người nào, một cảnh nào chưa? Anh trả lời đi đã rồi ta hãy sẽ luận bàn văn chương”. Với tư tưởng ấy, trong cuộc đời mình, nhà văn - nhà báo Trần Mai Ninh luôn tâm niệm rằng, để có được những tác phẩm hay, người cầm bút phải thực sự “sống” một cuộc sống đúng nghĩa. Từ chính cuộc đời mình, ông đã dấn thân và sẵn sàng chịu tù đày, đã tạo nên những áng văn thơ, viết lên những bài báo đầy sức chiến đấu và mang giá trị nhân văn cao cả.

Nhà báo Trần Mai Ninh: Sống và viếtTên liệt sĩ - chiến sĩ Trần Mai Ninh được đặt cho một trong những trường học có bề dày thành tích trên địa bàn TP Thanh Hóa - Trường THCS Trần Mai Ninh. Ảnh: KIỀU HUYỀN

Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh. Vốn xuất thân trong một gia đình công chức thời Pháp thuộc, ngay từ nhỏ Trần Mai Ninh đã chịu ảnh hưởng của Nho học và văn hóa Pháp. Bởi thế mà ông sớm có những luồng tư tưởng tiến bộ.

Nhắc đến Trần Mai Ninh nhiều người nhớ ông với tư cách một nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp với những bài thơ: Tình sông núi, Nhớ máu, Thắc mắc, Nhịp muôn đời, Nắng tù, Cơm mới... thể hiện sự “căm thù tột cùng mà yêu thương hết mức”.

Cố nhà thơ Mai Ngọc Thanh trong cuốn sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại Thanh Hóa” có kể lại câu chuyện khi ông được gặp nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ có nói: Này! Thanh Hóa cậu có Trần Mai Ninh là đáng phải tự hào lắm đấy. Chỉ với hai bài Tình sông núi và Nhớ máu thôi, Trần Mai Ninh đã là ngôi sao sáng chói trên thi đàn cách mạng Việt Nam. Một loạt các nhà thơ lứa mình được ảnh hưởng của thơ Trần Mai Ninh dẫn dắt đấy. Phải cúi đầu mà học ông đi”... Những vần thơ ông để lại cũng là những trải nghiệm của đời sống cách mạng, những ngày làm báo, viết báo.

Theo nhiều tài liệu ghi lại, ngay từ khi còn học ở Thanh Hóa, Trần Mai Ninh đã tham gia viết bài và tự vẽ tranh biếm họa trang trí cho “tờ báo tay” với nội dung đả kích thói hủ lậu của một số thầy giáo và học sinh.

Năm 1935, sau khi thi đỗ thành chung, ông ra Hà Nội học tiếp lên tú tài. Tại nơi đây, ông thực sự giác ngộ cách mạng, được Đảng dìu dắt. Ông tham gia nhóm “nghiên cứu Mác xít”, tích cực hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ Đông Dương và sớm trở thành một chiến sĩ cách mạng. Ông hoạt động nhiều trên mặt trận báo chí và văn học nghệ thuật với các bút danh: Trần Mai Ninh, Hồng Diện, Mạc Đỗ, Tố Chi, TK...

Đến năm 1937, Trần Mai Ninh tham gia công tác báo chí của Đảng xuất bản ở Hà Nội. Ông viết bài, làm thơ và làm họa sĩ chủ yếu của nhiều tờ báo Đảng như tờ Tin tức, Bạn dân, Thế giới, Thời mới...

Tuy vậy, kể từ năm 1939, chiến tranh thế giới II bùng nổ, thực dân Pháp đàn áp cách mạng Việt Nam, chúng thủ tiêu các quyền tự do dân chủ mà Nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939). Các tờ báo tiến bộ lần lượt bị đóng cửa, một số tòa soạn báo bị đe dọa, Trần Mai Ninh bị mật thám theo dõi, ông phải lui về hoạt động cách mạng ở thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa). Ông viết bài cho báo Bạn đường, và làm biên tập chủ chốt của báo Tự do, cơ quan tuyên truyền và đấu tranh bí mật của Mặt trận phản đế cứu quốc Thanh Hóa. Đây là thời gian ông có nhiều cống hiến cho cách mạng trên lĩnh vực văn hóa và tư tưởng khi dùng thơ ca, báo chí để ca ngợi tình yêu thương, tự do và tuyên ngôn cách mạng.

Tháng 9/1941, Trần Mai Ninh gia nhập Chiến khu Ngọc Trạo, làm đội trưởng Đội xung kích. Trong khoảng thời gian chiến đấu ấy, ông vẫn miệt mài với công việc cổ vũ tinh thần đồng bào, đồng chí thêm tin yêu vào lý tưởng của Đảng bằng nhiều áng thơ và cuốn tự truyện Khi Chiến khu Ngọc Trạo bị vỡ, Trần Mai Ninh bị giặc bắt và bị giam cầm trong nhà lao Thanh Hóa. Đầu năm 1944, thực dân Pháp đày ông đi Buôn Ma Thuột. Lợi dụng lúc Nhật đảo chính Pháp, ông đã vượt ngục, về hoạt động ở Khu V, rồi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tháng 5/1946 ông tham gia quân đội và là Trưởng ban tuyên truyền Đại đoàn 27 (sau đổi là Quân khu 6). Cuối năm 1947, theo yêu cầu của công tác vùng sau lưng địch, ông được cử vào cực Nam Trung Bộ hoạt động. Trong thời gian này, Trần Mai Ninh tiếp tục làm báo ở tờ Tiến hóa - cơ quan Văn nghệ cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi.

Đang ở thời kỳ chín nhất của sự nghiệp cầm bút, Trần Mai Ninh bị sa vào tay giặc trong một chuyến công tác. Chúng đưa ông về giam ở nhà tù Nha Trang, tra tấn dã man và giết ông một cách hèn hạ. Về cái chết của Trần Mai Ninh đến nay vẫn còn là bí ẩn, người thì cho rằng, ông bị địch chọc mù mắt vì vẽ tranh cách mạng, người khác lại nói bị địch cắt lưỡi vì luôn chửi rủa chúng. Thậm chí, sau đó ông còn bị địch dùng xe kéo lê xác trên đường phố... tựu chung cũng chỉ khẳng định lòng yêu nước, quên thân của ông.

Không chỉ là một nhà thơ, một nhà báo, Trần Mai Ninh còn là một họa sĩ. Những bức tranh của ông phóng khoáng, dễ hiểu mang tính tuyên truyền cao. Hiện nay ở Bảo tàng cách mạng Việt Nam còn lưu trữ được hơn 30 bức tranh biếm họa, áp phích của ông rải rác trên các tờ báo: Bạn dân, Thế giới, Thời nay, Bạn đường... Ông còn là một người viết văn xuôi, viết kịch. Đặc biệt, ông chính là người đầu tiên dịch tiểu thuyết “Người mẹ” (M.Gorki) ở Việt Nam. Ông còn dịch, giới thiệu văn học Xô-viết trên báo Tiến hóa; viết về nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua trên tạp chí Tiên phong - cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam...

Nhà báo Trần Mai Ninh: Sống và viếtTrần Mai Ninh và những trang viết sống mãi với bạn đọc.

Có thể khẳng định dù trong lĩnh vực nào, Trần Mai Ninh trên hết vẫn là một nhà cách mạng. Ngay từ đầu những năm 40 trước Cách mạng Tháng Tám ông đã có quan niệm, trước hết là phải sống, phải hoạt động và phản ánh thân phận con người. “Một nhà văn, muốn sáng tạo cho thực có giá trị trong suốt cả cuộc đời, điều quan trọng nhất, điều quan hệ nhất là suốt cả cuộc đời, nhà văn ấy phải học ngay bằng máu thịt của mình tung ra giữa trời hoạt động, trong sự sống ngang tàng, chăm chỉ không ngừng một phút” (Trần Mai Ninh, Sống đã... rồi viết văn, Thanh Nghị số 42 ngày 1/8/1943). Và thực tế, ông đã sống, đã viết với tất cả tâm hồn và trái tim của mình. Trái tim ấy chưa bao giờ ngừng thổn thức, ngừng reo; một ý chí không biết sợ, không chịu khuất phục như những câu thơ hừng hực khí thế trong bài Nhớ máu:

"Sống... trong đáy âm thầm

Mà nắm chắc tối cao vinh dự

Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai

Vững tin tưởng nơi oai hùng

Và chiến thắng

Câu Việt Nam: dân tộc!".

Chính vì thế mà chúng ta có những bài thơ hay, những câu chuyện về cách mạng, những bài báo đầy sức chiến đấu của ông đến ngày hôm nay.

Để ghi nhận những giá trị lớn lao mà Trần Mai Ninh đã đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, năm 2007, Nhà nước ta đã quyết định truy tặng Trần Mai Ninh Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Ở xứ Thanh, quê hương ông, từ năm 1996, Hội Nhà báo tỉnh đã lấy tên Trần Mai Ninh đặt tên cho giải thưởng cao quý nhất của hội và Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 hằng năm chính là dịp để tôn vinh, khen thưởng những tác giả, tác phẩm xuất sắc của những người làm báo tỉnh Thanh.

GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Mã Giang Lân trong bài viết Trần Mai Ninh, nhà thơ - chiến sĩ khẳng định: “Người ấy, thơ ấy. Một tấm gương sáng như bao tấm gương khác về cuộc đời người chiến sĩ - nghệ sĩ của chúng ta trong nền văn học cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu và tính hiện thực”.

Trần Mai Ninh đã ngã xuống sớm quá. Nhưng cuộc đời cách mạng của ông mãi mãi được các thế hệ sau trân trọng, những trang thơ của ông xứng đáng xếp ở vị trí trang trọng trong nền văn học nước nhà. Mảnh đất xứ Thanh mãi tự hào vì có một người con như nhà văn, nhà báo Trần Mai Ninh.

KIỀU HUYỀN

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách Thơ văn Trần Mai Ninh, NXB Quân đội Nhân dân, 2000; Nhà văn Việt Nam hiện đại Thanh Hóa, NXB Hội Nhà văn, 2015).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]