Người trẻ “giữ lửa” nghề truyền thống
Làm nên nét hấp dẫn, riêng biệt, độc đáo của những làng nghề truyền thống chính là dấu ấn thời gian, tinh hoa sáng tạo và sự tiếp nối trao truyền. Không chỉ có lớp thế hệ trước mà bằng tình yêu và niềm tự hào, trách nhiệm, ngày càng có nhiều người trẻ “giữ lửa” và thổi những làn gió mới cho nghề truyền thống của cha ông.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, anh Phạm Văn Tiến, thôn Ngọ, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) xây dựng thành công thương hiệu dao rèn từ thép không rỉ.
Anh Phạm Văn Tiến, sinh ra và lớn lên ở thôn Ngọ, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), nơi nổi tiếng với nghề rèn truyền thống có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Tuổi thơ của anh gắn liền với lách cách của tiếng búa, tiếng đe, bên những cái nóng của lò rèn rực lửa và thời gian được tham gia vào các công đoạn để làm ra sản phẩm cùng gia đình và qua quá trình học hỏi, nghiên cứu, anh Tiến càng hiểu, yêu hơn những nét tinh hoa làng rèn Tiến Lộc.
“Việc gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của cha ông là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của những người dân nơi đây, đặc biệt là với thế hệ trẻ như chúng tôi. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi chọn gắn bó với nghề từ xưởng sản xuất nhỏ của gia đình. Trong quá trình nghiên cứu, học hỏi, tôi luôn mong muốn kế thừa những ưu điểm sản phẩm đặc trưng truyền thống của cha ông và tiếp tục học hỏi để cải tiến, tạo ra được sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng”, anh Phạm Văn Tiến, chia sẻ.
Từ sự chỉ bảo của gia đình cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, Phạm Văn Tiến luôn nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước, học trong sách vở, thậm chí dành thời gian để đi đến các làng rèn lớn trong cả nước để học cách tạo ra sản phẩm tốt, đặc biệt là sản xuất dao rèn từ thép trắng không rỉ. Là ý tưởng mới, chính vì thế bước đầu bắt tay vào thực hiện, anh gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở, nguồn vốn còn hạn hẹp. Song, với nghị lực và ý chí của tuổi trẻ, anh Tiến tâm huyết dành gần 10 năm để nghiên cứu, học hỏi, đến năm 2022 anh mới có thể ứng dụng công nghệ mới sản xuất này, sản phẩm làm ra thu hút được người tiêu dùng, bởi dao vẫn giữ được những nét truyền thống của làng rèn Tiến Lộc, song độ chống rỉ đạt tới 96%. Từ hộ sản xuất nhỏ lẻ, năm 2022 anh Tiến đã quyết định thành lập Công ty TNHH XR Tấn Lộc Tài.
Năm 2023, sản phẩm XR Tấn Lộc Tài được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Với những cống hiến, nỗ lực không ngừng trong xây dựng và phát triển thương hiệu, anh Tiến đã được nhận nhiều Bằng khen của tỉnh và Trung ương. Hiện nay, anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, đồng thời còn tạo điều kiện cho khoảng 80 người dân trên địa bàn nhận sản phẩm về nhà gia công...
Đó cũng là câu chuyện của anh Nguyễn Tiến Đức (sinh năm 1991) tại thôn Hạ Vũ 2, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) - người luôn đau đáu với phát triển nghề mộc truyền thống của quê hương. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc, từ nhỏ anh Đức đã quen với tiếng đục, tiếng cưa, tiếng bào và không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Với tình yêu nghề và quyết tâm giữ nghề truyền thống, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Đức không chọn thi đại học mà ở lại quê hương học hỏi và phát triển nghề truyền thống của gia đình.
Theo chia sẻ của anh Đức, ở quê hương anh cũng có rất nhiều bạn trẻ lựa chọn nghề truyền thống của cha ông để khởi nghiệp. Để tạo một sản phẩm mộc đẹp, không chỉ cần sự đam mê mà người thợ đòi hỏi phải có năng khiếu, kỹ thuật hội họa, phải có lòng yêu nghề thì mới kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo, bay bổng trong từng nét chạm trổ.
Tuy nhiên để thành công với nghề mộc, Đức phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, giữ nét đặc trưng của nghề mộc cha ông, Đức cũng tích cực đổi mới sản phẩm và áp dụng công nghệ vào việc kinh doanh nhằm đưa sản phẩm tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Hơn 10 năm gắn bó với nghề và với sự năng động, sáng tạo, linh hoạt của người trẻ trong việc giữ chữ tín từng mặt hàng, đã giúp cho công việc của Đức ngày càng phát triển. Năm 2020 anh mở Công ty TNHH Nội thất Gia Phú Thịnh, sản phẩm đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao và tạo việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động với thu nhập từ 6,5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ có những người trẻ quyết tâm “nối nghiệp” truyền thống của gia đình, mà còn có nhiều người trẻ tìm đến nghề truyền thống bởi tình yêu, niềm đam mê của mình. Đó là Nguyễn Huy Thảo, sinh năm 1987 ở thôn Văn Châu, xã Đông Văn (Đông Sơn). Tròn 10 năm gắn bó với nghề làm bánh đa nem, anh Thảo đã trải qua nhiều khó khăn, thậm chí có thời điểm số tiền vay ngân hàng, người thân không còn khi anh liên tiếp thất bại trong quá trình thử nghiệm tạo ra các sản phẩm. Không nản trí, được sự giúp đỡ của người bạn cho nợ tiền gạo làm thử nghiệm các mẻ bánh, anh đã thành công sau nhiều lần thất bại. Từ 50m2 nhà xưởng, đến nay anh đã mở rộng lên 1.500m2, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động, với thu nhập bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/người/năm...
Giữ nghề bằng tình yêu và niềm tự hào, tin rằng những người thợ trẻ gắn bó với nghề truyền thống như anh Phạm Văn Tiến, Nguyễn Tiến Đức, Nguyễn Huy Thảo và nhiều người khác sẽ tiếp tục làm tốt vai trò là người kế nghiệp, giữ mãi “lửa nghề” cho hôm nay và mai sau.
Bài và ảnh: Trung Hiếu
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-06-12 09:42:00
Xử lý cơ sở cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe không đúng quy định
Đội thanh niên xung kích Thiệu Hóa về đích sớm việc hỗ trợ xây dựng đường dây 500kV mạch 3
Các cấp Hội LHPN huyện Như Thanh giúp 333 hộ thoát nghèo
Nếu lỡ mai con thi trượt
Lãnh đạo xã Công Chính lên tiếng vụ đổ đất lấp mương
Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em
Thiệu Hóa: Thăm, tặng quà lực lượng thi công dự án Đường dây 500kV mạch 3
Nghĩa cử trên công trường Đường dây 500kV mạch 3
Thủ tướng: Khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ ở miền núi, trung du Bắc Bộ
Thanh niên Thanh Hóa tình nguyện tham gia hỗ trợ xây dựng đường dây 500kV mạch 3