(Baothanhhoa.vn) - Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho độc lập, tự do của dân tộc, các thế hệ cựu chiến binh (CCB) huyện Quảng Xương hôm nay vẫn luôn giữ vững bản lĩnh trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Những năm qua, phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã trở thành động lực lớn thúc đẩy cán bộ, hội viên Hội CCB huyện Quảng Xương phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ để xây dựng và phát triển quê hương.

Những cựu chiến binh sản xuất giỏi ở Quảng Xương

Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho độc lập, tự do của dân tộc, các thế hệ cựu chiến binh (CCB) huyện Quảng Xương hôm nay vẫn luôn giữ vững bản lĩnh trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Những năm qua, phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã trở thành động lực lớn thúc đẩy cán bộ, hội viên Hội CCB huyện Quảng Xương phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ để xây dựng và phát triển quê hương.

Những cựu chiến binh sản xuất giỏi ở Quảng XươngTrang trại nuôi ốc nhồi của CCB Mai Đình Thịnh, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương.

Từ phong trào phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB xây dựng thành công các mô hình kinh tế tổng hợp, kinh doanh dịch vụ, các trang trại, gia trại... hoạt động hiệu quả, thu nhập cao. Điển hình như mô hình kinh doanh dịch vụ buôn bán thức ăn gia súc và mô hình kinh tế VAC của CCB Nguyễn Quang Vinh, thôn Quang Minh, xã Quảng Văn. Ngoài tham gia công tác hội ở địa phương, ông cùng vợ, con kinh doanh dịch vụ buôn bán thức ăn gia súc và kết hợp làm mô hình kinh tế VAC trên tổng diện tích gần 2.000m2, trong đó gia đình ông xây dựng gia trại chăn nuôi 25 con lợn mẹ, trên 150 con/lứa lợn thịt; đào ao thả cá và trồng các loại cây có giá trị kinh tế như: mít Thái, vải thiều và các loại rau theo vụ. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Vinh có thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng. Ngoài ra, CCB Nguyễn Quang Vinh và gia đình đã tích cực tham gia, ủng hộ các phong trào, các cuộc vận động do hội CCB các cấp và địa phương phát động.

Rời quân ngũ năm 1982, CCB Mai Đình Thịnh, ở tổ dân phố Đồng Thanh, thị trấn Tân Phong là một trong những tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế của huyện. Năm 2018, sau khi nghỉ chế độ, CCB Thịnh đã quyết định đầu tư mở rộng mô hình gia trại thành quy mô trang trại, với diện tích hơn 7.000m2, nuôi 55 con lợn mẹ và lợn thịt, hơn 1.000 con gà đẻ trứng, hơn 20 vạn ốc nhồi và trồng hơn 100 cây ổi lê Đài Loan, vải, nhãn, gấc, mướp... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.

Chủ doanh nghiệp chế biến thủy hải sản Thủy Tâm, xã Quảng Nham do CCB Trần Thị Tâm làm giám đốc cũng đã thành công nhất định. Năm 2016, doanh thu đạt 50 tỷ đồng, thu hút trên 30 lao động; năm 2021 dự kiến doanh thu 100 tỷ đồng, thu hút 50 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, CCB Tâm đã tham gia ủng hộ cùng với Hội Doanh nhân CCB huyện Quảng Xương làm 2 nhà nghĩa tình đồng đội cho 2 CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang ở nhà dột nát, với số tiền 100 triệu đồng. Hằng năm, ủng hộ các quỹ và tặng quà cho hội viên CCB có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với số tiền từ 5 - 10 triệu đồng; ủng hộ địa phương xây dựng nông thôn mới, số tiền 35 triệu đồng.

Nhiều mô hình CCB phát triển kinh tế khác cho thu nhập cao, như: mô hình trồng cây thanh long của CCB Đỗ Văn Tĩnh và mô hình trồng ớt xuất khẩu của chi hội trưởng CCB Trần Văn Hoàng (Quảng Văn); mô hình trồng rau sạch của CCB Lê Đình Quyết (Quảng Lưu); mô hình nuôi ếch, cá của CCB thương binh Lê Ích Sơn (Quảng Lưu); mô hình nuôi trồng thủy sản của CCB Lê Thị Hiển (Quảng Chính); mô hình chăn nuôi lợn của CCB Vương Huy Quang (Quảng Văn); mô hình sản xuất chiếu cói của CCB Phạm Văn Dũng (Quảng Trường); mô hình nuôi ốc nhồi của CCB Bùi Văn Căn và mô hình nuôi cá nước ngọt của CCB Nguyễn Văn Loan (thị trấn Tân Phong)...

Trong 5 năm qua, thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, tỷ lệ hộ nghèo trong tổ chức hội CCB giảm từ 2,7% (năm 2016) xuống còn 0,2% (năm 2021); hộ cận nghèo giảm từ 4,7% (năm 2016) xuống còn 2,8% (năm 2021). Toàn huyện có 10 xã không còn hộ CCB nghèo và 16 xã, thị trấn có số hộ CCB nghèo dưới 2%. Tỷ lệ hộ khá, giàu tăng từ 40% (năm 2016) lên 50% (năm 2021). Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 47 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 7 HTX, 43 mô hình trang trại, 341 mô hình gia trại, 43 hộ kinh doanh dịch vụ do hội viên CCB đứng chủ, nhiều mô hình cho thu nhập cao, đời sống của cán bộ, hội viên ngày càng được nâng cao.

Ông Bùi Sỹ Thắng, Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Xương cho biết: Thời gian qua, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được các chi hội triển khai tích cực và được hội viên CCB hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhiều mô hình, cách làm giàu khác nhau dựa trên tiềm năng, thế mạnh, điều kiện tự nhiên về đất đai của từng vùng và nguồn lực từng gia đình đã và đang làm cho phong trào ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; nhiều hộ gia đình CCB đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Qua đó, không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh trật tự tại địa phương.

Bài và ảnh: Công Quang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]