(Baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở làng Lỏ (còn có cách gọi khác là Lọ), xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) trong gia đình có truyền thống làm mo Mường (ông Mo - bà Máy). Từ nhỏ, cô gái Phạm Thị Tắng đã sớm được chỉ dạy và thuần thục từng điệu múa, lời hát xường của người Mường; rồi được người lớn dạy cho cách “gọt” cây chạng bạng để nở thành hoa bông trắng... Đến hôm nay, thấm thoát đã hơn 50 năm từ ngày cô gái Tắng chính thức được ma “Nổ” lựa chọn để trở thành bà Máy.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng: Nguyện trọn đời giữ gìn văn hóa Mường

Sinh ra ở làng Lỏ (còn có cách gọi khác là Lọ), xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) trong gia đình có truyền thống làm mo Mường (ông Mo - bà Máy). Từ nhỏ, cô gái Phạm Thị Tắng đã sớm được chỉ dạy và thuần thục từng điệu múa, lời hát xường của người Mường; rồi được người lớn dạy cho cách “gọt” cây chạng bạng để nở thành hoa bông trắng... Đến hôm nay, thấm thoát đã hơn 50 năm từ ngày cô gái Tắng chính thức được ma “Nổ” lựa chọn để trở thành bà Máy.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Tắng: Nguyện trọn đời giữ gìn văn hóa Mường

Với nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống, NNƯT Phạm Thị Tắng được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Từ người được ma “Nổ” chọn

Trong quan niệm của người Mường, nếu ông Mo là người thường thực hiện các nghi lễ “cúng” trong đời sống tâm linh thì bà Máy lại là người chuyên vào rừng hái thuốc Nam chữa bệnh cho người dân. Nhiều người biết hái thuốc song không phải ai cũng có thể trở thành bà Máy. Đó phải là người được ma Nổ (ông tổ của nghề thuốc Nam) lựa chọn và cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng. Một bà Máy giỏi là khi có nhiều “con Mày, con Nuôi” (những người được bà Máy hái thuốc chữa khỏi bệnh). Sau khi được bà Máy chữa cho khỏi bệnh, các con Mày, con Nuôi sẽ dựng cây Bông tại nhà bà Máy như một cách trả ơn, hàng năm tổ chức lễ hội Pôồn Pôông múa hát quanh cây bông.

Khi trở thành bà Máy, Máy Tắng được đặc biệt truyền dạy các nghi lễ thuộc lễ hội Pôồn Pôông. Cùng với việc bốc thuốc chữa bệnh, bà Máy Tắng còn biết nhảy múa, hát xường...

Do nhiều yếu tố, từng có giai đoạn lễ hội Pôồn Pôông bị mai một, rơi vào quên lãng, không được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng. Nhưng nó vẫn được “lưu giữ” nơi những Ậu Máy như Máy Tắng.

Đến những cống hiến không mệt mỏi để lưu giữ văn hóa Mường

Trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn, khôi phục các trò chơi, trò diễn, lễ hội truyền thống giàu giá trị. Và lễ hội Pồôn Pôông từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đã từng bước được hồi sinh, với sự góp sức của những con người như Máy Tắng.

Say mê gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông xưa, Máy Phạm Thị Tắng không chỉ góp phần làm “sống” dậy một lễ hội được xem như “linh hồn” của văn hóa Mường, mà còn đem lễ hội - trò diễn Pôồn Pôông đến với các liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh để giao lưu, quảng bá. Với những nỗ lực không mệt mỏi của những người tâm huyết với văn hóa truyền thống như Máy Tắng, năm 2016, lễ hội Pôồn Pôông xã Cao Ngọc đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, năm 2015, bà Phạm Thị Tắng được công nhận NNƯT vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Ở thời điểm hiện tại, ở tuổi 77, sức khỏe dù không còn được như xưa, nhưng khi nhắc đến lễ hội Pôồn Pôông, người ta vẫn thấy ở NNƯT Phạm Thị Tắng một sự say sưa, đam mê. Bà nhớ đầy đủ các chi tiết của lễ hội với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc. Các trò diễn được “kết nối” trở thành “câu chuyện” dài, có thể diễn ra “thâu đêm, suốt sáng” bên cây bông. Khi được hỏi về việc, đã bao giờ bà thấy mệt mỏi khi phải thường xuyên tham gia các hội diễn, liên hoan? Đáp lại, NNƯT Phạm Thị Tắng tâm tình: “Không đâu, còn được đi múa, đi hát, đi biểu diễn là bà còn thấy vui, thấy khỏe. 2 năm nay dịch COVID-19 xảy ra, không được đi nhiều như trước, bà thấy mình yếu hơn...”.

Không chỉ say mê gìn giữ, NNƯT Phạm Thị Tắng suốt nhiều năm qua còn miệt mài trong việc truyền dạy các nghi lễ, điệu múa, bài xường... để lễ hội Pôồn Pôông đến được nhiều thế hệ người dân, đặc biệt là giới trẻ. NNƯT Phạm Thị Tắng chia sẻ: “Bà muốn dạy cho nhiều người cùng biết hát, biết nhảy múa Pôồn Pôông, chứ biết một mình buồn lắm. Học nhảy múa không khó, nhưng để nhớ được các bài hát, điệu xường thì không dễ, phải thật chú tâm. Nhưng Bác Hồ đã nói, rằng “không có việc gì khó”, nên bà cứ kiên trì thôi...”. Số lượng người được NNƯT Phạm Thị Tắng truyền dạy có hàng trăm người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, chỉ cần có nhu cầu học thì sẽ được tận tình chỉ dạy.

Cùng với việc say mê bảo tồn văn hóa, phong tục, tập quán địa phương, với uy tín và ảnh hưởng đối với cộng đồng dân cư, NNƯT Phạm Thị Tắng còn là tấm gương điển hình trong lối sống, thường xuyên vận động gia đình, dòng họ, người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... góp phần xây dựng thôn bản văn minh, phát triển.

Ghé thăm ngôi nhà sàn truyền thống của NNƯT Phạm Thị Tắng, bên cây bông nhiều tầng, là những bằng khen, giấy khen của các cấp hội, chính quyền dành cho Máy Tắng. Đó là vinh dự, niềm tự hào, cũng là động lực để Máy Tắng tiếp tục nỗ lực cống hiến cho việc bảo tồn - trao truyền văn hóa Mường.

Bài và ảnh: Khánh Lộc


Bài và ảnh: Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]