Ngành y tế chủ động các điều kiện ứng phó bão số 3
Sẵn sàng lực lượng, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; các trang bị phương tiện cần thiết cho các đội cấp cứu cơ động, đội phòng chống dịch; thực hiện trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung, cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của thiên tai gây ra..., là các phương án đã được ngành y tế triển khai cụ thể tới các đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Y tế trong việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 năm 2025.
Bệnh viện Nhi Thanh Hoá đảm bảo các hoạt động chuyên môn, khám và điều trị cho người bệnh tại bệnh viện 24/24h.
Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hoá, để bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức cứu chữa người bệnh kịp thời, an toàn, Bệnh viện đã rà soát cơ sở vật chất, thiết bị y tế, bảo đảm bệnh viện an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn để triển khai các phương án phòng, chống bão, bảo đảm kịp thời, an toàn; thực hiện trực cấp cứu 24/24h, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, bão gây ra, không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hoá Lê Đăng Khoa cho biết, lãnh đạo bệnh viện yêu cầu các khoa/phòng thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa, lũ...; thực hiện nghiêm túc phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 theo phương châm 4 tại chỗ, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ số xe cấp cứu, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho tối thiểu 2 đội cấp cứu lưu động; đội cấp cứu lưu động có quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể kèm danh sách liên lạc, trực 24/24h sẵn sàng ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão khi được lệnh điều động.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Mường Lát.
Tại Bệnh viện Đa khoa Mường Lát, Giám đốc bệnh viện Hồ Văn Trọng cho biết, để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, bệnh viện đã thành lập tổ cấp cứu lưu động, tổ ứng phó nhanh, chuẩn bị đầy đủ cơ sơ thuốc, vật tư, xe cứu thương..., đảm bảo mọi tình huống đều được xử lý kịp thời, hiệu quả. Bệnh viện cũng đã chủ động lên kế hoạch, phương án cụ thể trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của cơn bão; tổ chức trực ban, trực cấp cứu đảm bảo các hoạt động chuyên môn, khám và điều trị cho người bệnh tại bệnh viện 24/24h, đặc biệt là các tình huống cấp cứu nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe của người bệnh.
Là đầu mối triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động triển khai các phương án dự phòng, sẵn sàng đáp ứng với những diễn biến bất thường trước, trong và sau khi có mưa bão xảy ra.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoàng Bình Yên cho biết, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư, phương tiện phòng, chống lụt bão. Các đội cơ động phòng chống dịch luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu. Đồng thời, Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau thiên tai...
Trung tâm Y tế Thạch Thành chủ động vật tư, thuốc, hoá chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Trước đó, để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3, không để bị động, bất ngờ, lãnh đạo Sở Y tế đã yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong ngành duy trì nghiêm chế độ thường trực, đảm bảo thông tin liên lạc 24/24h, không được chủ quan, lơ là trong công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai; triển khai ngay các công việc theo phương án, kịch bản PCTT&TKCN đã xây dựng. Cập nhật kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết; triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”; tăng cường tuyên truyền, đảm bảo người dân nắm được thông tin về thiên tai để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Cùng với đó, sẵn sàng lực lượng, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, các trang bị phương tiện cần thiết cho các đội cấp cứu cơ động, đội phòng chống dịch, để triển khai công tác cứu thương, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh khi tình huống xảy ra; hoàn thành các công việc chuẩn bị ứng phó với bão, mưa lũ.
Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung, cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của thiên tai gây ra. Các trung tâm y tế khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các trạm y tế chủ động rà soát, tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND các xã, phường trên địa bàn bố trí kinh phí để mua sắm, trang bị vật tư, thuốc, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, xử lý môi trường trong và sau thiên tai.
Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ an toàn khi có mưa bão, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, nhất là cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ngăn chặn không để xảy ra dịch bệnh.
Tô Hà
{name} - {time}
-
2025-07-22 08:40:00
“Phao cứu sinh” cho người bệnh
-
2025-07-21 20:59:00
Bước tiến quan trọng của ngành y Việt Nam trong kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu
-
2025-07-21 08:32:00
Cao điểm phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19