(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví những ngôi đình là “linh hồn”, biểu tượng đẹp của truyền thống lịch sử - văn hóa làng, xã trên dải đất hình chữ S thì đình làng Cự Đà, xã Hoằng Minh (nay là xã Hoằng Đức), Hoằng Hóa chính là một trong những minh chứng tiêu biểu cho nhận định ấy. Theo dòng chảy của thời gian, biến động lịch sử, ngôi đền vẫn bền bỉ tồn tại, song hành với sự phát triển của làng, xã, thấm đẫm hồi ức, kỷ niệm, trở thành niềm yêu mến, tự hào của biết bao thế hệ con cháu nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nét đẹp đình làng trên quê hương cách mạng Cự Đà

Nếu ví những ngôi đình là “linh hồn”, biểu tượng đẹp của truyền thống lịch sử - văn hóa làng, xã trên dải đất hình chữ S thì đình làng Cự Đà, xã Hoằng Minh (nay là xã Hoằng Đức), Hoằng Hóa chính là một trong những minh chứng tiêu biểu cho nhận định ấy. Theo dòng chảy của thời gian, biến động lịch sử, ngôi đền vẫn bền bỉ tồn tại, song hành với sự phát triển của làng, xã, thấm đẫm hồi ức, kỷ niệm, trở thành niềm yêu mến, tự hào của biết bao thế hệ con cháu nơi đây.

Nét đẹp đình làng trên quê hương cách mạng Cự Đà

Vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, gần gũi của đình làng Cự Đà (xã Hoằng Đức, Hoằng Hóa).

Về làng Cự Đà, mỗi người hôm nay như đang trải nghiệm hành trình tìm về với không gian làng quê truyền thống, nơi “cây đa, giếng nước, sân đình” vẫn hiện hữu, quyện vào nhịp sống đương đại. Đền Đồng Cổ anh linh luôn phảng phất khói hương thành kính. Làng Cự Đà - nơi con người tự bao đời vẫn một nụ cười niềm nở, hiếu khách, hay lam hay làm, đùm bọc, yêu thương nhau bởi triết lý giản đơn: tình làng, nghĩa xóm. Ngôi làng ấy từng ghi đậm nhiều dấu ấn lịch sử của huyện Hoằng Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Trong ngôi nhà của đồng chí Lê Viết Phồn - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa, chiếc cặp da sờn cũ vẫn được gia đình lưu giữ bằng tất cả tình yêu thương, trân trọng như vẫn đang thì thầm kể chuyện làng kiên cường làm cách mạng... Trong không gian lịch sử - văn hóa ấy, đình làng Cự Đà hiện diện như nét chấm phá mộc mạc, gần gũi.

Đình làng Cự Đà tọa lạc ở vị trí đầu làng. Tên của ngôi đình được lấy theo tên làng, gắn liền với công lao khẩn hoang, lập làng của cụ Mỹ Long - thành hoàng làng. Theo các cụ cao niên và tài liệu lịch sử về làng lưu lại: Cụ Mỹ Long vốn gốc là người làng Tử Đà, thuộc xã Hà Khê, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ. Đến thời Lý (thế kỷ XI), cụ cùng một số người thuộc các dòng họ: Nguyễn, Trương, Hoàng, Tống, Phạm... vào khẩn hoang vùng đất này. Để tưởng nhớ cố hương, cụ đã lấy tên làng cũ ở Hà Tây - Tử Đà dùng để đặt tên cho vùng đất mới. Nhằm tưởng nhớ công lao ấy, người dân nơi đây đã lập đền thờ, suy tôn cụ là thành hoàng của làng, vị thần cai quản, bao bọc, chở che cho cuộc sống người dân của làng. Nhiều triều đại phong kiến đều ban tặng sắc phong cho bậc Tử Đà Bảo An thành hoàng.

Đình Cự Đà được xây dựng từ rất sớm. Khi những cư dân đầu tiên theo cụ Mỹ Long tiến hành cuộc thiên di từ Tử Đà - Hà Tây cũ vào đã ổn định sinh sống, an cư lạc nghiệp, để đáp ứng nhu cầu làm phong phú thêm đời sống tinh thần, văn hóa - tín ngưỡng, người dân đã cùng nhau xây dựng ngôi đình.

Cũng như nhiều ngôi đình làng Bắc bộ xưa, kiến trúc đình Cự Đà xưa gồm 5 gian, kết cấu gỗ truyền thống theo kiểu chồng rường, kẻ bảy. Trên các kẻ bảy, xà nách đều tinh tế, khéo léo chạm khắc các hoa văn, họa tiết như: hình rồng, hoa lá. Hệ thống con tiện gỗ tạo thành bức vách giữ xà trung và xà hạ để thông gió, tránh ẩm ướt cho công trình. Hai đầu đai thiết kế hai trụ khối vuông với hai con kìm cách điệu phần đuôi, vắt lên hai trị, đầu hướng vào nhau. Bốn bờ giải xây bốn bức, chạy từ dưới lên khoảng giữa bờ giải, trên đắp hình rồng. Ngay gần khu vực đình làng có giếng cổ hình tròn, nước trong mát. Ngay ở hàng cột hiên có khắc đôi câu đối bằng chữ Hán với nội dung thể hiện niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ làng Cự Đà: “Lễ lạc y quan văn hiến địa/ Âu ca nhã tụng thái bình thiên”. Tạm dịch là: “Đất văn hiến, lễ nghi sang trọng/ Lời hát đẹp, ca ngợi thuở thái bình”.

Những thế hệ người dân làng Cự Đà, từ xưa, đã nhận thức sâu sắc và răn dạy con cháu về đạo làm người, tôn trọng quá khứ, giữ gìn và phát huy nét đẹp, truyền thống quê hương thông qua sự hiện diện và sức sống bền bỉ của đình Cự Đà. Ngôi đình là chứng nhân lịch sử, song hành cùng quá trình hình thành và phát triển của làng. Hơn cả một thiết chế văn hóa, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đình làng từng là nơi làm việc của đảng bộ, chính quyền địa phương.

Tuy không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc xưa nhưng ngôi đình ấy vẫn giữ được vai trò, vị trí trong đời sống hiện đại. Từ lâu, ngôi đình đã được sử dụng như nhà văn hóa của làng. Các thế hệ người dân Cự Đà vẫn thường lui tới đình hội họp, bàn bạc các công việc quan trọng của làng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng... - anh Lê Nguyên Chung - công chức văn hóa xã Hoằng Đức cho biết. Ngày nay, khi không gian, văn hóa làng xã bị tác động, ảnh hưởng bởi quá trình, tốc độ đô thị hóa cả ở khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống làng xã được chú trọng thì sự hiện diện, tồn tại của những ngôi đình càng trở nên đáng quý, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho thế hệ trẻ, là tiếng gọi thân thương gợi nhắc trong lòng người con xa xứ nhớ về nguồn cội, quê hương.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]