Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ mới
Trước áp lực cạnh tranh về chi phí sản xuất, giá bán, nhiều doanh nghiệp (DN) đã không ngừng đầu tư, đổi mới sáng tạo trong công nghệ sản xuất nhằm vươn tới mục tiêu phát triển bền vững trên thị trường.
Kỹ sư Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức ứng dụng những phần mềm mới nhất trong thiết kế sản phẩm.
Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức (TP Thanh Hóa) thuộc thế hệ DN khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh. Trong quá trình phát triển, cùng với việc đầu tư thiết bị công nghệ mới, DN luôn khuyến khích cán bộ, kỹ sư nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao năng suất lao động. Phong trào này đã lan tỏa mạnh mẽ, với các sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng cho DN, điển hình như giải pháp “Chế tạo robot phun sơn tĩnh điện” của kỹ sư Lê Trạc Đồng đang được áp dụng đã đem lại giá trị làm lợi 320 triệu đồng/năm. Sáng kiến này không chỉ giảm nhân công, rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm, mà còn có giá trị xã hội khi đưa robot phun sơn tĩnh điện trong sản xuất góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Được biết, cũng tại Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức, DN này đang đầu tư, ứng dụng những loại máy móc, phần mềm công nghệ hiện đại nhất trong thiết kế, sản xuất. Điển hình như bộ phận công nghệ cao của DN đang ứng dụng phần mềm PolyBoard-6-Pro để ra file cắt cho hệ thống máy gia công trung tâm KN2408D. Hiện tại, đây là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh đầu tư, ứng dụng phần mềm này. Cùng với đó là các loạt máy dán cạnh công nghệ cao ứng dụng trong các khâu chế tạo nội thất, đạt tới độ chính xác nhất trong yêu cầu của sản phẩm.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức Vũ Thị Ngọc Anh chia sẻ: "Xác định việc đầu tư, đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ là yếu tố sống còn, chúng tôi rất chú trọng việc nghiên cứu, học hỏi và du nhập các ứng dụng mới. Hàng năm, ban giám đốc và các bộ phận kỹ thuật đều tham quan, tiếp cận công nghệ mới để ứng dụng, đưa những sản phẩm tốt hơn ra thị trường. Với các loại máy móc mới đầu tư, Hồng Đức là đơn vị duy nhất trên cả nước sản xuất được dòng bàn ghế học sinh chống gù mang mã số I20. Sản phẩm được DN sản xuất trên cơ sở thiết kế việt hóa các dòng sản phẩm cao cấp của châu Âu để có các mức chi phí hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam”.
Vài năm gần đây, sản lượng đơn hàng, đơn giá giảm cũng là những thách thức không nhỏ đối với các DN trong lĩnh vực may mặc, giày da trong việc tối ưu hóa chi phí để duy trì sản xuất. Đứng trước bối cảnh này, cùng với việc chủ động tìm kiếm thị trường và nguồn hàng mới, Công ty TNHH Daehan Global Thanh Hóa (Hoằng Hóa) đã tập trung xây dựng và ứng dụng các tiêu chí về công nghệ, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, DN đã đầu tư hệ thống chuyền treo tự động. Với công nghệ này, quy trình sản xuất được kiểm soát hoàn toàn tự động và có thể truy xuất thông tin, được kiểm soát bằng hệ thống máy tính, từ đó nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng và tối ưu hóa năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao. Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn của thị trường, DN vẫn đạt doanh thu hơn 7 triệu USD, tạo việc làm ổn định cho 750 lao động với mức thu nhập từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng.
Thanh Hóa có 32 DN khoa học và công nghệ, đứng thứ 3 cả nước về số lượng, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. DN khoa học và công nghệ của tỉnh hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực: sản xuất công - nông nghiệp, thiết bị - vật tư y tế, thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin... Để thúc đẩy hoạt động đầu tư, ứng dụng công nghệ trong DN, tỉnh Thanh Hóa cũng thường xuyên ban hành các chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ đối tượng DN nhỏ và vừa về kinh phí, kết nối để tham gia sâu vào chuỗi ứng dụng này. Điển hình như cuối năm 2023 tỉnh đã ban hành quyết định dành 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung vốn sự nghiệp trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2023 để hỗ trợ về công nghệ cho các DN nhỏ và vừa. Nguồn vốn này sẽ hỗ trợ hợp đồng tư vấn cho 9 DN nhỏ và 1 DN vừa trên địa bàn tỉnh về giải pháp chuyển đổi số quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh; hỗ trợ 5 DN siêu nhỏ và 10 DN nhỏ về thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, sản xuất và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt “Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”, trong đó triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 60 DN khoa học và công nghệ.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2025-01-13 10:27:00
Nghị quyết 57: Đột phá phát triển khoa học, công nghệ và giữ chân nhà khoa học
-
2025-01-13 08:52:00
Hôm nay, Thanh Hóa nằm trong 20 tỉnh thành miền Bắc rét dưới 10 độ C
-
2024-03-20 07:59:00
Kính thiên văn Euclid của Cơ quan Vũ trụ châu Âu gặp trục trặc
Nvidia ra mắt “siêu chip” thế hệ mới dành cho trí tuệ nhân tạo
Giám đốc Chương trình Khoa học máy tính VinUni: “Chúng tôi trang bị nền tảng cốt lõi cho các nhà lãnh đạo công nghệ”
Quy định mức hỗ trợ các đối tượng tham gia chương trình đào tạo trên địa bàn tỉnh
Miễn phí camera an ninh cho toàn bộ khách hàng dùng Internet Viettel
Nâng cao hiệu quả sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại huyện Thạch Thành
Apple cho phép người dùng EU tải ứng dụng ngoài kho App Store
Bốn nhà du hành trở về Trái Đất sau 6 tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế
Mỹ thực hiện chuyến bay thử nghiệm của phương tiện siêu vượt âm mới
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm