(Baothanhhoa.vn) - Xác định xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là quá trình lâu dài, liên tục, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Đây cũng là tiền đề để hướng tới thực hiện XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, có những tiêu chí, nhất là tiêu chí “mềm” về thu nhập, môi trường, an ninh trật tự..., việc đạt chuẩn đã khó, việc giữ vững, nâng cao chất lượng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa.

Nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới

Xác định xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là quá trình lâu dài, liên tục, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Đây cũng là tiền đề để hướng tới thực hiện XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, có những tiêu chí, nhất là tiêu chí “mềm” về thu nhập, môi trường, an ninh trật tự..., việc đạt chuẩn đã khó, việc giữ vững, nâng cao chất lượng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa.

Nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới

Diện tích sản xuất cây cam sành của hộ anh Bùi Văn Phương, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trăn trở với bài toán thu nhập

Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có thêm TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 66 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 346 xã, 904 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã, 246 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Làn gió từ chương trình đã tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở hầu khắp các vùng quê trong tỉnh.

Năm 2022, Trung ương ban hành bộ tiêu chí mới về xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 nên nhiều tiêu chí NTM được quy định nâng cao hơn. Quy định mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn sẽ tăng cao hơn theo từng năm, đây là thách thức không nhỏ với các địa phương. Vì vậy, các xã đã đạt chuẩn NTM phải nâng cao chất lượng các tiêu chí để bắt kịp bộ tiêu chí mới. Thực tế cho thấy, tiêu chí số 10 (thu nhập) được đánh giá là tiêu chí khó, với những địa phương đã đạt chuẩn NTM thì việc giữ vững tiêu chí này cũng đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ chính quyền và Nhân dân. Một thực tế đặt ra ở các xã đã đạt chuẩn NTM là khi triển khai bộ tiêu chí mới, mức thu nhập bình quân đầu người đã trở về ngưỡng vừa đạt. Vì vậy nếu không có giải pháp củng cố, nâng cao mức thu nhập bình quân sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững của tiêu chí.

Xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) hoàn thành tiêu chí NTM năm 2021 với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 47,16 triệu đồng/năm. Đây được đánh giá là mức thu nhập khá, nhất là đối với xã ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao, bảo đảm thu nhập theo tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 thì với xã miền núi này không phải dễ thực hiện do đặc thù trình độ sản xuất người dân không đồng đều, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu ổn định, trình độ sản xuất của người dân không đồng đều, sản phẩm có tính cạnh tranh không cao. Đặc biệt, nhận thức của người dân trong việc chủ động thực hiện phát triển kinh tế gia đình, tập quán canh tác chưa thực sự tiến bộ cũng là những trở ngại cho việc nâng cao tiêu chí thu nhập của xã ở những năm tiếp theo.

Thực tế cho thấy, hầu hết các xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh đều là xã thuần nông, kinh tế phụ thuộc vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Phần lớn dân số hoạt động trong ngành nông nghiệp nhưng trình độ sản xuất của lao động chưa cao, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung hay các chuỗi liên kết sản xuất bền vững; việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong các lĩnh vực kinh tế chưa rõ nét. Mặt khác, việc đầu tư nguồn lực vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, nhất là đầu tư khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại và ứng dụng công nghệ cao nên việc nâng cao thu nhập bình quân đầu người là vấn đề khó, nhất là các xã ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Khó giữ vững các tiêu chí “mềm”

Cùng với thu nhập, các tiêu chí về môi trường, bảo hiểm y tế, tiếp cận pháp luật, an ninh trật tự... cũng được đánh giá là khó thực hiện và khó giữ vững. Bởi đây là tiêu chí dễ biến động, khoảng cách giữa đạt và không đạt khá “mong manh”. Trong nhiều hội nghị về XDNTM của tỉnh, nhiều đại biểu đều cho rằng, việc thu gom rác thải tập trung, xử lý chất thải chăn nuôi chỉ đạt chuẩn ở một thời gian nhất định. Ở nhiều thời điểm vì các lý do khách quan tác động nên các chỉ tiêu sẽ dao động, nhiều khi “rớt” chuẩn. Bởi, để hoàn thành tiêu chí môi trường, ngoài đầu tư nguồn lực của địa phương trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thì để duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí đòi hỏi sự chung tay vào cuộc thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và phần nhiều phụ thuộc vào ý thức của người dân.

Xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy) hoàn thành XDNTM năm 2017 và đang hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, đối với tiêu chí môi trường, địa phương luôn nỗ lực giữ vững bảo đảm mục tiêu của tiêu chí là bảo vệ, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn. Theo đó, MTTQ và các hội, đoàn thể xã Cẩm Ngọc đã tích cực tuyên truyền, phát động Nhân dân thực hiện nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường như: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, thu gom rác thải nhựa, thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trong Nhân dân nên đến nay, tiêu chí môi trường tại xã Cẩm Ngọc luôn được bảo đảm và ngày càng nâng cao. Ông Bùi Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc, cho biết: Để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, xã đã huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân để việc gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp gần gũi như “hơi thở” của mỗi người. Nhờ đó, toàn xã có 100% số hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có hơn 85% số hộ sử dụng nước máy của nhà máy cấp nước; các thôn hợp đồng với HTX tổ chức thu gom, phân loại rác thải đưa ra bãi rác tập trung để xử lý bằng hình thức đốt, chôn lấp và chú trọng việc trồng cây xanh quanh bãi rác. Tại khu vực đồng ruộng đều bố trí các điểm thu gom, xử lý các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật.

Ở nhiều xã, các tiêu chí bảo đảm an ninh trật tự và bảo hiểm y tế cũng dễ có sự biến động và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song, các tiêu chí này có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong chương trình XDNTM, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.

Xây dựng xã NTM không đơn thuần là hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí mà cần giữ vững, phát huy các thành quả mà địa phương đã đạt được. Tuy nhiên, quá trình giữ vững, củng cố, nâng cao các tiêu chí đã đạt đang là thách thức không nhỏ đối với các địa phương. Điều này đòi hỏi các địa phương trong tỉnh phải có giải pháp cụ thể, sát thực tế, chính quyền và Nhân dân chung sức, đồng lòng để xây dựng được các “miền quê đáng sống”.

Bài và ảnh: Lê Hòa


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]