Mừng vì “Nhà tạm lánh” vắng “khách”
Có địa điểm hoạt động và được đầu tư trang thiết bị sinh hoạt, nhưng những “Địa chỉ tin cậy” hay còn gọi là “nhà tạm lánh” luôn vắng "khách”. Nhiều người vui mừng rằng, khi “nhà tạm lánh” vắng “khách” chứng tỏ hạnh phúc nhiều gia đình đang đi lên, bình đẳng giới được quan tâm, chú trọng thực hiện.
“Địa chỉ tin cậy” xã Thọ Bình (Triệu Sơn) được trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết giúp nạn nhân bạo lực gia đình yên tâm tạm lánh.
“Địa chỉ tin cậy” là 1 trong 3 mô hình chính của Dự án 8. Mô hình là tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng, nhằm tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự. Nhận thấy việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hội và cá nhân phụ trách các “Địa chỉ tin cậy” là một hoạt động quan trọng góp phần tạo hiệu quả cho mô hình, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm... Cùng với đó, tổ chức hội kết hợp hỗ trợ vốn vay, mô hình sinh kế cho thành viên các mô hình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống..., chuyển biến về hành động.
Năm 2022, xã Thanh Sơn (Như Xuân) được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo điểm thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy” theo Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021-2025. Đây là địa bàn miền núi, nhận thức của người dân về bạo lực gia đình, bình đẳng giới còn hạn chế nên khi thực hiện điểm mô hình này, Hội LHPN tỉnh, huyện và xã luôn chỉ đạo sát sao, “cầm tay chỉ việc” cho ban điều hành mô hình hoạt động đạt hiệu quả. Đó là, tổ chức các cuộc truyền thông bằng nhiều hình thức, thu hút cả nam giới ở mọi lứa tuổi tham gia, như: tác phẩm kịch, vẽ tranh, hội thi về chủ đề gia đình...; truyền thông “Thanh Sơn ngày mới”; hỗ trợ mô hình sinh kế nâng cao đời sống vật chất cho hội viên... “Mưa dầm, thấm sâu”, nhận thức của người dân về bạo lực gia đình, bình đẳng giới dần chuyển biến tích cực. Theo báo cáo của hội LHPN xã, năm 2021 trên địa bàn có 22 vụ bạo lực gia đình. Sau thực hiện mô hình, năm 2023 giảm còn 6 vụ. Đặc biệt, năm 2024 chưa ghi nhận trường hợp nào.
Thành lập cuối năm 2022, Trạm Y tế xã Thọ Bình (Triệu Sơn) được Hội LHPN huyện chọn điểm “Nhà tạm lánh” dành cho nạn nhân và người tố cáo hành vi bạo lực gia đình. “Nhà tạm lánh” được bố trí 1 phòng và được Hội LHPN tỉnh trang bị đầy đủ đồ dùng sinh hoạt (giường, tủ, bàn ghế, đồ gia dụng, chăn màn... từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án 8). Nạn nhân đến đây sẽ được bảo vệ, khám sức khỏe, ăn uống, tư vấn miễn phí; được tuyên truyền về các hành vi bạo lực, cách xử lý và ứng phó bạo lực xảy ra, giúp nạn nhân ổn định tâm lý, nhận thức rõ vấn đề của mình để có hướng giải quyết.
Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, “Nhà tạm lánh” lại vắng "khách”. Trước đây tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra trên địa bàn, tính chất mức độ tùy theo mỗi gia đình, nhưng với vai trò tuyên truyền, vận động của tổ chức hội cùng với thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên và người dân, nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các thành viên của “Địa chỉ tin cậy” đã “nhàn” hơn vì không phải giải quyết những vụ việc nổi cộm, bức xúc vì bạo lực gia đình. Đây là thành quả mà các thành viên của mô hình đã nỗ lực tuyên truyền bằng nhiều hình thức: tuyên truyền miệng, hình ảnh, video, kịch tiểu phẩm... Nhờ đó, không có trường hợp bạo lực gia đình nghiêm trọng phải can thiệp.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức trao các thiết bị cần thiết cho 12 mô hình “Địa chỉ tin cậy” của 12 huyện, thị xã đang thực hiện Dự án 8, tổng trị giá 100 triệu đồng. Đồ dùng được trang bị tại các mô hình như một gia đình thu nhỏ, nhưng “nhà tạm lánh” lại "im lìm”. Đây là tín hiệu đáng mừng sau thời gian thực hiện mô hình đã tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức, hành vi của người dân trong thực hiện bình đẳng giới.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 1.300 “Địa chỉ tin cậy”. Các “Địa chỉ tin cậy” đã tham gia hòa giải hơn 2.700 vụ mâu thuẫn gia đình có liên quan đến bạo lực gia đình, tư vấn cho 2.685 người. Có thể nói, từ khi thành lập đến nay, mô hình đã hoạt động đúng với tên gọi. Một số chị em bị bạo lực đã tìm đến “Địa chỉ tin cậy” và được sẻ chia, giúp đỡ. Thành viên của mô hình là những người có uy tín trong cộng đồng, có tiếng nói đã trở thành cầu nối hàn gắn những rạn nứt trong mâu thuẫn gia đình, tình cảm các cặp vợ chồng có nguy cơ ly hôn, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ổn định an ninh trật tự xã hội.
Bài và ảnh: Lê Hà
{name} - {time}
-
2025-01-10 17:27:00
Chương trình “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng” năm 2025 tại Hoằng Hóa
-
2025-01-10 16:56:00
Phiên chợ đặc biệt dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
-
2024-12-06 14:31:00
Hội viên nòng cốt trong phong trào phụ nữ
Tháo dỡ công trình xây trái phép trên đất quốc phòng tại Hà Trung
Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn
Tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025 - dư luận đồng tình ủng hộ
Từ ngày 10/1/2025 cơ sở dữ liệu về cư trú bao gồm 15 trường thông tin
Trẻ em “nghiện” mạng xã hội: Hệ lụy khôn lường (Bài cuối) - “Lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Hưởng ứng chiến dịch 60 ngày - đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công
Bất cập tại các tòa nhà chung cư
Phát triển đô thị xanh, hiện đại, thông minh