Lớp học đặc biệt cho những người “đặc biệt” (Bài 2): Thắp sáng vùng biên
Ánh sáng có thể xua tan màn đêm, nhưng không thể khỏa lấp sự thiếu hụt tối tăm về tri thức. Chỉ có ánh sáng tri thức mới mở ra chân trời mới. Biết đọc, biết viết là cánh cửa đưa tri thức, dẫn dắt con người hiểu và nhận biết đúng sai.
Ở các lớp học đặc biệt, học viên hỗ trợ nhau học bài với tinh thần ai cũng biết chữ. Ảnh: Lê Hà
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Sau một ngày đi tuần nắm bắt địa bàn, kiểm tra tình hình sản xuất, đời sống của bà con, đôi chân của những “thầy giáo” được phân công đứng các lớp xóa mù chữ như Thượng tá Lưu Văn Hảo (Đồn Biên phòng Quang Chiểu), Đại úy Đào Nguyên Túc (Đồn Biên phòng Tam Chung), Hồ Văn Di (Đồn Biên phòng Trung Lý)... vẫn cứ thoăn thoắt như con thoi. Đường đến lớp gian nan, vất vả, thứ ánh sáng duy nhất trên đường đi học là đèn pin, đèn xe máy của người đi sau dọi cho người đi trước. Đường quanh co, khúc khuỷu, đến lớp học ai cũng thấm mệt... Hiểu vất vả của học viên nên tối nào các “thầy” cũng tranh thủ đến trước giờ học 30 phút để làm công tác chuẩn bị, đón học viên bằng nụ cười, lời hỏi thăm... Chỉ hành động nhỏ ấy thôi cũng tạo động lực giúp học viên khắc phục khó khăn đến lớp đầy đủ, đúng giờ.
Có đến các lớp học này mới thấy được đóng góp thầm lặng của các “thầy” ở những lớp học “đặc biệt” nơi biên cương. Giảng bài xong, Thượng tá Lưu Văn Hảo (Đồn Biên phòng Quang Chiểu) đến bàn của học viên Lò Văn Khoàn (sinh năm 1971) cầm tay uốn nắn từng con chữ để anh viết tròn trịa, đúng nét. Anh dạy cách phát âm đúng và đọc lại nhiều lần 1 từ để học viên Khoàn học theo... Anh không nóng vội, bởi anh hiểu các học viên nhiều tuổi nay mới đi học, họ đã rất thiệt thòi rồi. Giờ đây, họ nhận thức tốt hơn và muốn được đi học, chủ động hỏi bài, giúp anh Hảo và những “thầy giáo quân hàm xanh” khác có thêm động lực đứng lớp.
Đại úy Hơ Văn Di, người con bản Mông công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý có kinh nghiệm dạy 6 lớp xóa mù chữ tại các bản khó khăn nhất của xã, chia sẻ: Có lớp học phải đi qua suối, chèo thuyền qua sông Mã, đi 5 - 6km bằng xe máy mới đến được điểm học. Những năm trước, nhiều học viên bỏ học, các chiến sĩ đồn biên phòng và cán bộ xã phải đến nhà vận động đi học trở lại, bổ túc kiến thức bài trước, nếu không họ không thể theo kịp và chán học.
Đại úy Đào Nguyên Túc (Đồn Biên phòng Tam Chung) có năng khiếu văn nghệ, tính tình hoạt bát vui nhộn lại hiểu tiếng bản địa nên được đảng ủy, chỉ huy đồn biên phòng phân công dạy 4 lớp học “đặc biệt”. Anh kể: “Những ngày đầu, chúng tôi phải uốn nắn từng động tác cầm bút, tư thế ngồi... Nhưng khó nhất là chỉnh cách phát âm và tập viết. Chúng tôi phải thực sự kiên trì, mềm dẻo động viên, khen các chị để các chị có động lực học. Một số chị còn “mời” được người thân cùng đi học, có lớp từ 13 người học tăng lên 50 người".
Thiếu tá Lê Xuân Lâm, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Trung Lý, chia sẻ thêm: “Việc mở nhiều lớp ở nhiều nơi là bộ đội thêm việc, nhưng vì bà con, chúng tôi không ngại khó, ngại khổ”.
Mỗi lớp học xóa mù ở biên cương thường có 3 “thầy giáo” là cán bộ biên phòng thay phiên nhau đứng lớp, có hôm lớp học chỉ có 2 “thầy”. Một “thầy” giảng bài dạy cách đánh vần, dạy mặt chữ, phát âm, phía dưới một “thầy” đi từng bàn uốn nắn học viên viết từng nét chữ. Chỉ đến khi học viên cơ bản biết đọc, biết viết thì mới phân công 1 “thầy” đứng lớp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước, để có được con số khoảng 20 người đi học tại một lớp xóa mù chữ thì việc tổ chức, vận động người dân không hề dễ dàng. Cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng, hội phụ nữ các xã phải nhiều lần đến nhà dân vận động, phân tích cho bà con hiểu lợi ích của việc học ra sao, đi học thì cuộc sống sẽ thay đổi thế nào. Khi đã vận động được học viên đến lớp, việc “giữ chân” học viên ở lại học càng khó hơn nhiều.
Trái ngọt sau những lớp xóa mù
Cuối tháng 8/2024 lớp học xóa mù chữ bản Tà Cóm, xã Trung Lý có hơn 30 học viên đã bế giảng với 5 học viên giỏi, 19 học viên khá, còn lại là học viên trung bình. Học viên Thào Thị Vàng, đạt loại giỏi, chia sẻ: “Biết đọc và viết, chúng tôi sẽ nâng cao nhận thức để không bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo”...
Nhờ biết chữ, chị Hơ Thị Mị ở bản Pom Khuông (Tam Chung) đã có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình.
Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn phối hợp với hội LHPN xã mở được 11 lớp với 347 học viên của 11 bản/5 xã giáp biên huyện Mường Lát. Kết thúc khóa học có 54 học viên xếp loại giỏi, 222 học viên xếp loại khá, 71 học viên xếp loại trung bình.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát Hà Thị Nhơn cho biết: Nhìn chung, từ khi biết chữ nhận thức của hội viên, phụ nữ, người dân vùng biên có nhiều chuyển biến tích cực. Các chị đã tiếp cận và ứng dụng các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi vào sản xuất; biết sử dụng điện thoại thông minh, đọc sách báo; nắm được chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước giúp họ thay đổi cuộc sống khá hơn.
Để duy trì và phát huy kết quả đã đạt được, công tác xóa mù chữ vẫn cần được coi trọng và để không tái mù là khó khăn. Đầu tháng 4/2024, tại hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận, chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới ban hành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng đã quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị “về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông”, nêu rõ: Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh, chỉ đạo, tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn. Chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng thiết yếu cho người mù chữ, duy trì, nâng cao bền vững kết quả xóa mù chữ cho người lớn. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo sự đồng thuận, liên thông, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và nhấn mạnh tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Đây là những giải pháp mà tỉnh Thanh Hóa, huyện Mường Lát cũng như các cấp, ngành đang tập trung thực hiện lâu dài. Về trước mắt, chính quyền địa phương tạo điều kiện hơn nữa hỗ trợ sinh kế giúp người dân được tiếp cận các cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển sản xuất, giáo dục, y tế...; tạo điều kiện cho học viên các lớp xóa mù tham gia tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giao tiếp bằng tiếng phổ thông hàng ngày, hỗ trợ vay vốn sản xuất thì mới duy trì, nâng cao những kiến thức đã được học. Hàng năm các đơn vị phối hợp tổ chức khảo sát thực trạng người mù chữ, xây dựng kế hoạch, tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện, vận động người mù chữ, tái mù chữ tham gia các lớp học xóa mù chữ với quyết tâm “chinh phục con chữ”.
Tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, bản do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức ở Thanh Hóa vừa qua với sự tham gia của hội LHPN các tỉnh phía Bắc, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Thị Phương đã chia sẻ: Sau các lớp học xóa mù chữ đa phần chị em biết chữ đã tham gia các hội nghị đối thoại, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền giải quyết những chính sách liên quan đến quyền lợi của phụ nữ; chủ động hạch toán kinh tế gia đình; nhận thức tốt về phòng, chống buôn bán người; tích cực tham gia giữ gìn an ninh biên giới... Với xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, hội viên, phụ nữ, người dân lớn tuổi mù chữ, tái mù chữ cũng đã nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết phải biết chữ và đã chủ động đăng ký đi học. Đây là “thời điểm vàng” để mở thêm các lớp xóa mù.
Nhóm P.V
{name} - {time}
-
2025-01-21 09:41:00
Áp dụng công nghệ Blockchain tại Trường Đại học Hồng Đức
-
2025-01-20 21:14:00
Chương trình “Tết dân gian - Lạt mềm buộc chặt yêu thương” tại FPT School Thanh Hóa
-
2024-09-20 15:45:00
Trên 2,7 tỷ đồng ngành Giáo dục Thanh Hóa chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại bởi bão số 3
Lớp học đặc biệt cho những người “đặc biệt” (Bài 1): Hành trình tìm con chữ không bao giờ muộn
Sẽ có nhiều đổi mới trong các kỳ thi từ năm học 2024-2025
Ổn định việc ăn, ở và học tập cho 107 học sinh thôn Làng Nủ
Ứng phó bão số 4: Các địa phương cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết
Trao 74 giải tập thể, cá nhân tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX năm 2024
Trường THPT Chuyên Lam Sơn với những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn
Vẫn còn 99 trường, điểm trường chưa thể dạy học do nước chưa rút hết
Không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa làm đề kiểm tra môn Ngữ văn có làm khó “người trong cuộc”?
Thanh Hóa quan tâm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới