(Baothanhhoa.vn) - Nằm bên sông Cầu Chày, làng Tường Vân xã Định Thành (Yên Định) có lịch sử lập làng và phát triển cách đây hàng nghìn năm. Đây cũng là quê hương của hai anh em Tiến sĩ họ Khương nổi danh trong lịch sử: Khương Công Phụ; Khương Công Phục.

Làng cổ Tường Vân

Nằm bên sông Cầu Chày, làng Tường Vân xã Định Thành (Yên Định) có lịch sử lập làng và phát triển cách đây hàng nghìn năm. Đây cũng là quê hương của hai anh em Tiến sĩ họ Khương nổi danh trong lịch sử: Khương Công Phụ; Khương Công Phục.

Làng cổ Tường VânDi tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền thờ Khương Công Phụ ở làng Tường Vân. Ảnh: Khánh Lộc

Theo sách Địa chí huyện Yên Định, Tường Vân là một trong những làng cổ lâu đời của huyện Yên Định, có lịch sử hình thành, phát triển từ thời các Vua Hùng. Đây cũng là quê hương của Tiến sĩ Khương Công Phụ và em là Khương Công Phục.

Thời Bắc thuộc (nhà Đường) làng Tường Vân là xã Sơn Ổi, huyện Quân Ninh, Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay). Ngôi làng cổ về sau cũng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Cổ Hiểm phường, thời Hậu Lê là làng Huê Cầu, đến thời Nguyễn là Cẩm Cầu và sau đó là Tường Vân. Tên gọi làng Tường Vân được cho là tồn tại hơn 150 năm qua.

Trong lịch sử dân tộc, làng Tường Vân sớm nổi tiếng khắp xa gần, bởi đây là quê hương của hai vị tiến sĩ đỗ đạt thời Bắc thuộc. Sách Văn tài võ lược xứ Thanh, viết: “Trên đất Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ngày nay có một ngôi đền cổ quen gọi là Trạng Nguyên từ thờ Trạng nguyên Khương Công Phụ và người em là Tiến sĩ Khương Công Phục, đỗ đồng khoa thi đời vua Đường Đức tông, được bổ làm quan nhà Đường, làm rạng danh cho đất Châu Ái phương Nam. Trong đền thờ có câu đối chữ Hán, đại ý: Trong một triều anh em cùng đỗ đại khoa/ Nghìn năm sau thiên hạ còn lấy làm gương”.

Theo đó, sau khi diệt nhà Tùy, nắm quyền trị vì Bắc quốc và cai trị đất Giao Châu, nhà Đường đẩy mạnh việc phát triển Nho học, thi cử tuyển chọn nhân tài. Ngoài người Hán thì còn cho phép người dân các tộc khác cùng tham gia tranh tài. Bấy giờ, ở vùng đất Sơn Ổi, huyện Quân Ninh, Châu Ái có ông Khương Công Định là gia đình phú hào đã cho hai con là Khương Công Phụ và Khương Công Phục theo nghiệp đèn sách, rèn thi phú. Sau thời gian dài dùi mài kinh sử, hai anh em họ Khương đã vượt nhiều sĩ tử ở đất Châu Ái, rồi Giao Châu để đến kinh đô Trường An dự khoa thi Tiến sĩ. Sau các kỳ tranh tài, hai anh em họ Khương đã vượt qua nhiều sĩ tử của đất Trung Hoa để ghi danh bảng vàng. Đặc biệt, người anh là Khương Công Phụ được cho là đã đỗ Trạng nguyên.

“Vua nhà Đường lấy làm lạ, gọi ông vào chính điện để trực tiếp hỏi thêm. Ông đã làm một bài sớ dâng vua, lời văn khảng khái làm vua phải khâm phục tài năng của người trai đất Châu Ái. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là hai bài văn trong kỳ nhị trường (kỳ thi thứ 2) và kỳ tam trường (kỳ thi thứ 3) là bài phú “Bạch vân chiếu xuân hải phú” và bài chế sách được đánh giá là “thiên cổ chi tuyệt xướng” được lưu truyền ở Trung Hoa. Bài “Bạch vân chiếu xuân hải phú” được chép trong sách “Văn Uyển anh hoa” đời Bắc Tống và đã được ông Nguyễn Đổng Chi dịch sang Việt văn, in trong sách “Việt Nam cổ văn học sử” được xem là tác phẩm văn học thành văn đầu tiên của các tác gia Việt Nam” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh).

Sau khi thi đỗ, Khương Công Phụ ở lại đất Trường An làm quan, chức Hiệu thư lang, được cho là giữ việc chép sử và thiên văn. Sau đó, nhờ dâng lên vua Đường bài chế sách bàn việc nước, được nhà vua trọng dụng thăng giữ chức Tả thập di Hàn lâm học sĩ, giữ việc soạn cáo sắc. Là người có thực tài, ngay thẳng nên được nhà vua quý trọng.

Về sau, vì có công giúp nhà vua dẹp loạn nên ông được thăng giữ chức Gián nghị đại phu đồng trung thư (chức quan được cho là giữ việc can gián nhà vua). Nhưng cũng vì tính tình cương trực, ngay thẳng nên sau đó ông khiến nhà vua mất lòng và ông bị giáng chức. Đầu thời vua Đường Thuận tông (năm 805), ông được trọng dụng, bổ nhiệm làm Thứ sử Cát Châu. Tuy nhiên vì tuổi cao, không lâu sau đó ông qua đời.

Đền thờ Khương Công Phụ được lập dựng ở làng Tường Vân quê ông. Đến niên hiệu Cảnh Hưng (cuối thời Lê) thì chẳng may hỏa hoạn khiến ngôi đền bị thiêu rụi chỉ còn nền móng cũ. Vào thời vua Tự Đức nhà Nguyễn, đền thờ được dựng lại khang trang, bề thế, Trạng nguyên Khương Công Phụ được sắc phong Thượng đẳng thần. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, đền thờ Khương Công Phụ ở làng Tường Vân được giữ gìn, là niềm tự hào - “biểu tượng” về sự học được hậu thế nhắc nhớ. Năm 2001, đền thờ Khương Công Phụ được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, người dân địa phương vẫn thường gọi là đền thờ Trạng nguyên.

Trên đất làng Tường Vân, ngoài đền thờ Khương Công Phụ, khi xưa còn có hệ thống các đền, chùa khác, như: đền Nhất; đền Ba; đền Tư; còn cả phủ Tường Vân thờ Mẫu; đình làng... Song vì nhiều nguyên do, ngoài đền thờ Khương Công Phụ thì các công trình kiến trúc kể trên phần nhiều chỉ còn dấu tích.

Nằm trên thế đất tốt tươi, được bồi đắp bởi phù sa sông Cầu Chày, làng Tường Vân còn có nhiều ngọn núi, nổi bật là núi Lớn, núi Xon, núi Chùa... Trong đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Lớn làng Tường Vân từng là đài quan sát, nơi cất giữ vũ khí và cả xây dựng hầm chiến đấu của quân ta.

Trong suốt chiều dài phát triển, vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn, đất và người Tường Vân đã chung sức sáng tạo và bồi đắp nên nhiều giá trị tinh thần quý giá. “Với truyền thống đoàn kết tương trợ, trước đây làng Tường Vân có hội hiếu, hội hỷ, hội làm nhà, có 3 phe giáp. Bên cạnh đó, người dân trong làng có truyền thống văn hóa, văn nghệ, có đội tuồng chèo biểu diễn trong các ngày hội làng và ngày tết cổ truyền của dân tộc. Do trong làng có một số gia đình nuôi tằm ươm tơ nên đã có hội hát phường vải... Vào những ngày lễ hội, dân làng Tường Vân thường tế lễ dâng hương tại đình làng với nghi lễ trang nghiêm” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Định Thành).

Về làng Tường Vân, theo chân ông Đỗ Hữu Mai, Bí thư chi bộ thôn Tường Vân tham quan làng, đắm mình trong không gian làng quê bên sông Cầu Chày, lắng nghe những câu chuyện kể về đất và người nơi đây, không khó để cảm nhận, có một “mạch nguồn” truyền thống lịch sử - văn hóa và cả niềm tự hào đâu đó vẫn âm thầm chảy trôi. Mạch nguồn ấy, đã tạo nên những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền đời của đất và người Tường Vân.

Khánh Lộc

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách: Địa chí huyện Yên Định; Văn tài võ lược xứ Thanh; Lịch sử Đảng bộ xã Định Thành).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]