(Baothanhhoa.vn) - Nhóm vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm đã được đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Văn Thức tại kỳ họp lần thứ 14 đó là: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tình trạng thiếu giáo viên (GV) đang diễn ra tại tất cả các cấp học, đặc biệt là thiếu GV các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh Thanh Hóa còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước, còn chênh lệch nhiều giữa các vùng miền. Tỉnh Thanh Hóa cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ tập trung giảng dạy ngoại ngữ ở môn Tiếng Anh, chưa phát triển dạy và học ở một số bộ môn ngoại ngữ khác.

Làm rõ vấn đề thiếu giáo viên và chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh

Nhóm vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm đã được đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Văn Thức tại kỳ họp lần thứ 14 đó là: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tình trạng thiếu giáo viên (GV) đang diễn ra tại tất cả các cấp học, đặc biệt là thiếu GV các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh Thanh Hóa còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước, còn chênh lệch nhiều giữa các vùng miền. Tỉnh Thanh Hóa cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ tập trung giảng dạy ngoại ngữ ở môn Tiếng Anh, chưa phát triển dạy và học ở một số bộ môn ngoại ngữ khác.

Làm rõ vấn đề thiếu giáo viên và chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh

Toàn cảnh phiên chất vấn (Ảnh: Minh Hiếu)

Trả lời phiên chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cho biết: Hiện nay, tổng số GV biên chế hiện có ở các cấp học là 42.282 người. So với định mức quy định của tỉnh, còn thiếu 7.043 GV (mầm non thiếu 1.190 GV, tiểu học thiếu 3.758 GV; THCS thiếu 1.866 GV và THPT thiếu 229 GV).

Ở cấp phổ thông, GV Tiếng Anh thiếu 316, GV Tin học thiếu 734, GV Âm nhạc thiếu 12 (cấp THPT), GV Mỹ thuật thiếu 230. So với định mức quy định của Bộ GD&ĐT, còn thiếu 10.474 GV. Trong đó, GV Tiếng Anh thiếu 376, GV Tin học thiếu 749, GV Âm nhạc thiếu 80, GV Mỹ thuật thiếu 301.

Trước thực trạng trên, các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi và đề nghị tư lệnh ngành giáo dục Thanh Hóa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Trên cơ sở nội dung câu hỏi của đại biểu HĐND tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức đã thẳng thắn chỉ rõ một số nguyên nhân dẫn đến việc thiếu GV trên địa bàn tỉnh đó là do Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, trong những năm trước đây không thực hiện tuyển dụng GV để bổ sung cho số GV nghỉ hưu. Hiện nay đã có cơ chế tuyển GV, nhưng một số huyện, thị xã, thành phố chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao hoặc phải cân đối bù trừ giữa việc thừa, thiếu GV các cấp học.

Làm rõ vấn đề thiếu giáo viên và chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Thức trả lời chất vấn tại kỳ họp (Ảnh: Minh Hiếu)

Ngoài ra, do chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có nhiều thay đổi cơ cấu bộ môn nên có môn thừa, có môn thiếu cục bộ. Đồng thời, có sự bất cập giữa chương trình GDPT mới ban hành và việc đào tạo nguồn sinh viên đáp ứng yêu cầu tại các trường đại học nên nguồn tuyển GV đáp ứng yêu cầu GDPT mới thiếu (nhất là GV Văn hóa tiểu học và GV các bộ môn đặc thù: Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật).

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cũng nhận trách nhiệm của ngành là tham mưu chưa có sức thuyết phục để cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí biên chế GV tốt hơn. Cùng với đó, một số địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng chưa chú trọng ưu tiên tuyển GV các môn còn thiếu nhiều như: Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tuấn Tưởng (Tổ đại biểu huyện Bá Thước) về thực trạng thiếu GV theo địa phương, vùng miền, nguyên nhân các huyện chưa xây dựng kế hoạch tuyển hết chỉ tiêu được giao, Giám đốc Sở GD&ĐT nêu rõ: Hiện khu vực miền núi thiếu khoảng 3.000 GV, nhưng vẫn chưa tuyển được 850 chỉ tiêu giao, khu vực đồng bằng, trung du, thiếu gần 3.000 và chưa tuyển được 900 chỉ tiêu giao; khu vực thành phố, ven biển thiếu khoảng 4.000, chưa tuyển được 850 chỉ tiêu giao. Nguyên nhân của thực trạng này được nhận diện là do quy trình tuyển dụng nhiều khâu mất thời gian; nguồn tuyển hạn chế…

Làm rõ vấn đề thiếu giáo viên và chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp (Ảnh: Minh Hiếu)

Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu GV, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ trong việc hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tuyển dụng GV kịp thời hết chỉ tiêu biên chế được giao, trong đó ưu tiên tuyển dụng trước số GV thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: GV Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp tiểu học); GV Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp THCS); GV Âm nhạc, Mỹ thuật (cấp THPT). Trong trường hợp chưa kịp tuyển dụng GV thì thực hiện hợp đồng lao động làm GV đối với sinh viên mới ra trường và số GV đã nghỉ hưu, còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề. Bố trí GV dạy liên trường, liên cấp, dạy tăng tiết nhằm đảm bảo có đủ GV dạy học theo chương trình mới.

Về lâu dài, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Nội vụ (chủ trì), tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng. Cùng với đó, tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn tuyển phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Làm rõ vấn đề thiếu giáo viên và chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Huy trả lời chất vấn (Ảnh: Trần Thanh)

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Huy cũng đã tham gia trả lời một số câu hỏi của đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến việc thiếu GV ở các cấp học, công tác tuyển dụng biên chế trong ngành giáo dục và làm rõ trách nhiệm của Sở Nội vụ đối với thực trạng này trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Quảng Xương thông tin tới đại biểu HĐND tỉnh và cử tri, Nhân dân về thực trạng thiếu GV trên địa bàn huyện và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục.

Làm rõ vấn đề thiếu giáo viên và chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh

Đại biểu HĐND chất vấn tại Kỳ họp.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức khẳng định: Chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở tỉnh Thanh Hoá còn thấp so với yêu cầu và bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, phong trào học Tiếng Anh trên địa bàn 11 huyện miền núi của tỉnh phát triển chậm so với các địa phương ở các huyện miền xuôi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND tỉnh về nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngoài nhận thức về vai trò, ý nghĩa của môn ngoại ngữ của cả người dạy và người học còn hạn chế, nguyên nhân của vấn đề nằm ở chất lượng đội ngũ. Hiện có khoảng 1/2 GV dạy ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh không được đào tạo chính quy, cơ bản. Bên cạnh đó, cơ sở trang thiết bị dạy tiếng Anh còn thiếu nhiều, đặc biệt là máy chiếu, video, phòng luyện âm/thực hành tiếng...

Làm rõ vấn đề thiếu giáo viên và chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh

Toàn cảnh phiên chất vấn (Ảnh: Trần Thanh).

Về giải pháp khắc phục, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập. Cùng với đó là tập trung xây dựng đội ngũ GV ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Rà soát hiện trạng sử dụng cơ sở vật chất phục vụ dạy học ngoại ngữ, tham mưu xây dựng kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho bộ môn ngoại ngữ. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học môn Tiếng Anh; tăng cường các cuộc thi đánh giá năng lực học sinh, GV…

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đã trả lời và làm rõ thực trạng, giải pháp huy động sức mạnh toàn dân, công tác xã hội hóa để giúp đỡ giáo viên, đặc biệt là học sinh tại các xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Làm rõ vấn đề thiếu giáo viên và chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp (Ảnh: Trần Thanh)

Ở nội dung này Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức nêu bật một số giải pháp liên quan đến công tác tham mưu và triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; kết quả kêu gọi vận động hỗ trợ GV, HS vùng khó khăn theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, “Chia khó vùng cao”, “Chia khó nội bộ”… Đồng thời cho biết: Sở GD&ĐT luôn ưu tiên việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị theo Chương trình GDPT 2018 cho các xã không còn thuộc diện khó khăn và đang tham mưu xây dưng cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào khó khăn xóa mù chữ theo chủ trương của Chính phủ.

Phát biểu kết luận nội dung chất vấn, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ngành GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học được nâng lên; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện phát triển kinh tế tri thức, phục vụ thiết thực yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức tiếp nhận, thi tuyển viên chức ngành giáo dục, từng bước khắc phục tình trạng thiếu GV. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thắng thắn nhìn nhận, GD&ĐT tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng thiếu GV tồn tại kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết cơ bản, đã ảnh hưởng đến việc bố trí chuyên môn, quản lý con người và tổ chức các hoạt động giáo dục, đặc biệt là khi triển khai Chương trình GDPT 2018...

Để nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế của GD&ĐT tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu, ngay sau kỳ họp này, giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở: GD&ĐT, Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Làm rõ vấn đề thiếu giáo viên và chất lượng dạy, học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên chất vấn (Ảnh: Trần Thanh).

Về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu GV, đặc biệt là GV các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp học. HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT khẩn trương hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng kịp thời, hết chỉ tiêu biên chế được giao ngay trước khi khai giảng năm học mới 2023-2024, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật đối với bậc tiểu học; Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật đối với bậc THCS; Âm Nhạc, Mỹ thuật đối với bậc THPT. Chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm nếu các huyện, thị xã, thành phố còn chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng kịp thời viên chức ngành giáo dục do lý do chủ quan.

Cùng với đó tiếp tục thực hiện biệt phái GV từ nơi thừa đến nơi thiếu; triển khai việc dạy liên môn, liên cấp, liên trường ở những nơi có điều kiện; hợp đồng lao động với số GV đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề và sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm.

Đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, năng lực quản lý, giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người.

Phối hợp các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành đối với các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật nhằm đảm bảo đủ nguồn GV để tuyển dụng, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Chỉ đạo Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt kế hoạch đào tạo GV gắn với nhu cầu sử dụng của các trường trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục báo cáo, kiến nghị với Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT, trình Chính phủ giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập tỉnh Thanh Hóa năm 2023 và các năm tiếp theo đúng quy định tại Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh xã hội hóa GD&ĐT, tạo điều kiện để phát triển các loại hình giáo dục ngoài công lập

Về các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ, bao gồm tiếng Anh và các môn ngoại ngữ khác.

Phấn đấu đến năm học 2025-2026, bố trí đủ GV dạy học ngoại ngữ cho tất cả các cấp học, nhất là các huyện miền núi; trước mắt, thực hiện tuyển dụng, hợp đồng GV ngoại ngữ, thực hiện biệt phái giáo viên Tiếng Anh (THPT) từ miền xuôi lên miền núi để giảm thiểu tình trạng thiếu GV ngoại ngữ khu vực miền núi.

Cùng với đó tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ; bảo đảm 100% GV dạy ngoại ngữ đạt chuẩn trình độ theo quy định, 100% GV đạt trình độ năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Bố trí, sắp xếp công tác khác hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với GV không đạt yêu cầu theo quy định.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi hùng biện, sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh trong trường học, tạo ra không gian cởi mở, thân thiện, khuyến khích GV và học sinh tích cực tự học, tự nâng cao trình độ, phát triển kỹ năng giao tiếp. Đưa phong trào “Học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ” thành một nhiệm vụ trọng tâm của năm học và lấy kết quả học tập ngoại ngữ của học sinh là một trong những tiêu chí xếp loại cán bộ quản lý, GV và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những GV, học sinh có kết quả dạy giỏi, học giỏi ngoại ngữ.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho bộ môn ngoại ngữ. Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các trung tâm khảo thí quốc tế, các trung tâm ngoại ngữ lớn, có uy tín, có chất lượng để thu hút học sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chất lượng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn toàn tỉnh.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng nhiều GV, học sinh không còn được hưởng chính sách của các xã đặc biệt khó khăn khi thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc xây dựng Đề án hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho học sinh dân tộc thiểu số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng Nghị định quy định chính sách cho học sinh, học viên ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách (thay thế Nghị định số 116 ngày 18-7-2016 của Chính phủ); phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định về cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng người tài trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp, trong đó nghiên cứu nội dung liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 378, ngày 13-4-2023 về Kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Sau khi các văn bản quy định, hướng dẫn của Chính phủ ban hành, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Cùng với đó, quan tâm huy động sức mạnh toàn xã hội, đặc biệt là sự hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp trong việc giúp đỡ GV và học sinh tại các xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Các ngành, các địa phương cần lồng ghép các chương trình, dự án, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030.

Để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đề nghị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, của các cấp ủy, nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, trong đó có sự tham mưu của ngành chức năng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Khó khăn là vậy, nhưng ở đâu cấp ủy vào cuộc, chính quyền vào cuộc, đoàn thể vào cuộc, chúng ta sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp để giúp đỡ, thúc đẩy sự phát triển không chỉ ngành giáo dục mà nhiều lĩnh vực khác”.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]