(Baothanhhoa.vn) - Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỹ phẩm là sản phẩm thường được sử dụng trực tiếp trên da, do vậy nếu chất lượng kém sẽ gây tác hại rất lớn cho cơ thể người dùng.

Thị trường mỹ phẩm: “Vàng, thau” lẫn lộn

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỹ phẩm là sản phẩm thường được sử dụng trực tiếp trên da, do vậy nếu chất lượng kém sẽ gây tác hại rất lớn cho cơ thể người dùng.

Thị trường mỹ phẩm: “Vàng, thau” lẫn lộnTừ sản phẩm trang điểm cho đến kem dưỡng da được bày bán la liệt tại chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa

“Hàng hiệu” giá rẻ

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa, chúng tôi “giật mình” với nhiều sản phẩm mỹ phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan trên các kệ hàng. Tại chợ, các gian hàng bán mỹ phẩm có đủ chủng loại, từ phấn, son, nước hoa, dầu gội đầu, các loại dưỡng da đến trị mụn, dưỡng trắng... mang nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng, như: Chanel, MAC, L,oreal, Gucci... được bán với giá từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng/sản phẩm.

Dừng chân tại một quầy hàng bán mỹ phẩm tại chợ T., trong vai người đi mua hàng, tôi hỏi mua thỏi son 3CE (viết tắt của 3 Concept Eyes, một dòng sản phẩm thuộc Công ty Stylenanda - xuất xứ Hàn Quốc) thì chị bán hàng giới thiệu cho tôi 2 sản phẩm, nhìn qua giống nhau nhưng giá cả chênh lệch “hàng cây số”. Một loại được giới thiệu là chính hãng có giá 220.000 đồng/thỏi, trong khi loại nhái được bán với giá 70.000 đồng/thỏi, hay lọ nước hoa Chanel (xuất xứ của Pháp) có in giá 250.000 đồng trong khi giá thực tế chính hãng khoảng tầm 2 triệu đồng.

Rời chợ T., tôi đến một cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm trên đường Nguyễn Trãi, qua quan sát có rất nhiều sản phẩm kem dưỡng da, phấn trang điểm, son môi... mang tên các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, YSL, Dior, Tom Ford... giá niêm yết từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/sản phẩm. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, các sản phẩm chính hãng của các thương hiệu trên có giá không dưới tiền triệu/mỗi sản phẩm. Một số sản phẩm còn “nhái” thương hiệu một cách vụng về như “Chanele”, “CuGGi”?... nhằm đánh lừa những người tiêu dùng thiếu thông tin. Tôi hỏi nhân viên về hộp phấn nhãn hiệu Dior được bán với giá chưa bằng một nửa so với hàng chính hãng, cô bán hàng cho biết: “Hàng của em được xách tay về, không bị đánh thuế nên giá thành “mềm” hơn các shop khác và có mối cung cấp thường xuyên. Nếu chị lấy nhiều, giá còn được ưu đãi hơn nữa”. Tuy nhiên khi được hỏi về bill hàng hóa chứng minh nguồn hàng nhập từ đâu thì đáp lại chúng tôi là thái độ khó chịu của cả nhân viên cùng chủ cửa hàng.

Trước thực trạng thị trường mỹ phẩm “vàng, thau” lẫn lộn như trên, không ít người tiêu dùng “sính” hàng hãng mà tìm đến mua về sử dụng mặc dù vẫn biết giá quá rẻ, tỷ lệ thuận với chất lượng không cao nhưng dường như cả người bán và người mua đều ít quan tâm đến vấn đề an toàn khi sử dụng.

Đơn cử như chị Minh Tâm, ở phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, chị mua hộp phấn trang điểm để mác “Essance” với giá 60.000 đồng, ngay lần đầu tiên sử dụng gương mặt chị đã bị đỏ ửng rồi sưng tấy, nổi mẩn li ti. Chị đi khám da liễu trong tình trạng da mặt tổn thương, kèm bọng nước, chị được chẩn đoán dị ứng mỹ phẩm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Song, không vì thế mà chị dừng mua sản phẩm kém chất lượng. Lần sau chị lại khoe với tôi thỏi son mang thương hiệu MAC (xuất xứ của Mỹ) chỉ mua với giá 110.000 đồng, trong khi giá chính hãng của thỏi son này dao động trong khoảng 450.000 đồng đến 500.000 đồng.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước, hầu hết thương hiệu hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Công nghệ sản xuất hàng giả rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng; đôi khi hàng giả trông còn “tinh vi” và “đẳng cấp” hơn hàng thật, không chỉ người tiêu dùng mà các cơ quan chức năng cũng khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.

“Vàng, thau” lẫn lộn

Hàng cao cấp mua từ cửa hàng chính hãng đắt hơn nhiều, nhưng không hẳn là không có “sự cố”. Chúng tôi được một nhân viên bán hàng tại một cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm cao cấp của Hàn Quốc cho biết: “Có tình trạng một số cửa hàng bán mỹ phẩm cao cấp hiện nay thỉnh thoảng đổi sản phẩm nhái trông tinh xảo, cũng dán tem trông y hệt tem chống hàng giả để đổi lấy sản phẩm chính hãng. Cũng có những cửa hàng lợi dụng tâm lý “sính” hàng chính hãng của khách hàng đã trà trộn sản phẩm có tên gần giống với các sản phẩm của hàng chính hãng để bán cho khách hàng. Bọn em chuyên bán hàng còn chưa phân biệt nổi, làm sao khách hàng phát hiện được”.

Điều bạn nhân viên bán hàng nói cũng đã xảy ra khi tôi vào một cửa hàng bán mỹ phẩm trên đường Triệu Quốc Đạt, tôi bắt gặp 2 vị khách chỉ vào sản phẩm Cenlia (Việt Nam sản xuất) được trưng bày trên kệ, rồi trầm trồ: “Hàng này dùng tốt lắm! Hàng nổi tiếng Centella đấy, mua về dùng thử”. Trường hợp nhầm tên sản phẩm với các thương hiệu cao cấp không phải hiếm (Centella là một dòng sản phẩm của hãng Skin 1004 - hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc), điều này cho thấy, nhiều người muốn làm đẹp, có ý thức chọn hàng uy tín nhưng chưa tinh ý trong việc phân biệt tên các dòng mỹ phẩm chứ đừng nói đến nguồn gốc.

Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, ngày 26-8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo Khoản 1 và Khoản 2, Điều 9 của nghị định này thì hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng nếu hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng theo nghị định, nếu là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm... thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Như vậy, người bán mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt lên đến 100 - 140 triệu đồng.

Thị trường mỹ phẩm “vàng, thau” lẫn lộn cùng đủ loại hình kinh doanh đang làm cho thị trường này trở nên khó kiểm soát. Vì thế, để khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để người bán nhận thức được các hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan Nhà nước, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phát hiện ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Các hãng mỹ phẩm chính hãng cũng cần hướng dẫn người tiêu dùng, người kinh doanh nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả để tránh tổn thất về kinh tế và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Phương Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]