(Baothanhhoa.vn) - Là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) được kỳ vọng sẽ hình thành một số ngành kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế lớn. Hiện nay, KKTNS đã hội tụ rất nhiều tiềm lực để thu hút đầu tư, tuy nhiên chưa vận dụng hết được lợi thế này do chưa có sẵn quỹ mặt bằng sạch. Với đề án giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư xây dựng các khu tái định cư (TĐC) và GPMB các khu công nghiệp (KCN) trong KKTNS đang được kỳ vọng sẽ tạo một “cuộc cách mạng” nhằm “lột xác” trong lĩnh vực hạ tầng tại khu vực này.

Kỳ vọng tạo “cuộc cách mạng” về hạ tầng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

Là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) được kỳ vọng sẽ hình thành một số ngành kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế lớn. Hiện nay, KKTNS đã hội tụ rất nhiều tiềm lực để thu hút đầu tư, tuy nhiên chưa vận dụng hết được lợi thế này do chưa có sẵn quỹ mặt bằng sạch. Với đề án giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư xây dựng các khu tái định cư (TĐC) và GPMB các khu công nghiệp (KCN) trong KKTNS đang được kỳ vọng sẽ tạo một “cuộc cách mạng” nhằm “lột xác” trong lĩnh vực hạ tầng tại khu vực này.

Kỳ vọng tạo “cuộc cách mạng” về hạ tầng tại Khu Kinh tế Nghi SơnĐoàn doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát cơ hội đầu tư tại KCN số 3 - Khu Kinh tế Nghi Sơn.

KKTNS hiện đã được quy hoạch 25 phân khu công nghiệp, với diện tích khoảng gần 9.058 ha. Trong đó, có 23 KCN hiện hữu, 1 phân khu kho tàng và 1 phân khu dịch vụ hậu cần công nghiệp. Trong số 25 KCN này, 4 KCN đã được giao cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đi vào hoạt động, nhưng tỷ lệ lấp đầy các dự án còn thấp. Có tới 19 KCN chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, quá trình vận động, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng KCN cũng như nhà đầu tư thứ cấp còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Đặc biệt, tiến độ đầu tư hạ tầng tại các KCN trong KKTNS rất chậm; các hạng mục chưa được đầu tư đồng bộ. Đa phần các KCN vẫn chưa được Nhà nước thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và TĐC, GPMB theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Điển hình như Dự án Đầu tư xây dựng và Khai thác hạ tầng KCN số 3 do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2016 với quy mô diện tích 247 ha và tổng mức đầu tư 1.102 tỷ đồng. Đến nay, dự án mới GPMB được khoảng 65/80 ha diện tích giai đoạn I. Ngoài khó khăn trong công tác GPMB, chủ đầu tư dự án cũng chưa chủ động thực hiện, chưa thu xếp đủ nguồn tài chính đầy đủ, kịp thời để triển khai dự án.

Dự án Xây dựng hạ tầng KCN số 1 do Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát làm chủ đầu tư cũng được triển khai từ năm 2018, với quy mô diện tích 67 ha và tổng vốn đầu tư hơn 433 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã GPMB và được cho thuê đất diện tích 33/67 ha. Chủ đầu tư đã cho thuê lại đất đối với 5 dự án đầu tư thứ cấp với tổng diện tích khoảng 2,9 ha. Tuy nhiên, đối với diện tích đã GPMB và được cho thuê đất, nhà đầu tư cũng chưa hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch, chưa có hệ thống xử lý nước thải. Đối với phần diện tích 34 ha còn lại chưa GPMB do có nhiều hộ dân sinh sống nên nhà đầu tư chưa chủ động triển khai tại khu vực này.

Đại diện Ban Quản lý KKTNS cho biết: Thực tế cho thấy, do không có quỹ đất sạch để giao cho các nhà đầu tư nên việc thu hồi đất của các dự án, quá trình bồi thường GPMB mất nhiều thời gian, dẫn đến dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư, tạo ra tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư. Thực trạng xây dựng hạ tầng rất chậm tại các KCN trong KKTNS là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gặp khó tại Thanh Hóa trong thời gian gần đây.

Với kỳ vọng dọn "đường” cho những dự án lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài sau làn sóng dịch chuyển, tái đầu tư sau COVID-19, tỉnh Thanh Hóa đang nghiên cứu, xem xét ưu tiên nguồn lực tiến hành GPMB 3 KCN “điểm” tại KKTNS là: KCN số 20, KCN số 21 và KCN số 6. Trong đó, diện tích cần GPMB KCN số 20 là 604 ha, KCN số 21 là 395 ha và KCN số 6 là 549 ha.

Sở dĩ, 3 KCN này được “chọn mặt gửi vàng” trước là do có vị trí quan trọng, là điểm nhấn thu hút các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển KKTNS nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Hiện nay vị trí của 3 KCN có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư. Trong đó, KCN số 20 nằm phía Đông Bắc KKTNS, thuộc địa phận các xã Anh Sơn và Các Sơn, thị xã Nghi Sơn, cách TP Thanh Hóa khoảng 36 km theo Quốc lộ 1A, cách Cảng Nghi Sơn khoảng 17 km, giáp với KCN số 21. Đây là KCN tập trung đa ngành, gồm: Công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, tổng kho đông lạnh... Do nằm ở vị trí phía Bắc KKTNS, KCN số 20 được hưởng những lợi thế tốt nhất về hạ tầng hiện đại và những dịch vụ hỗ trợ đi kèm, thuận lợi chuyển giao qua lại các dòng sản phẩm phục vụ sản xuất kinh doanh và đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu. Diện tích theo quy hoạch KCN là 786,78 ha. Trong đó, phần diện tích cần GPMB khoảng 604 ha, tổng số hộ khoảng 870 hộ với 4.690 nhân khẩu. Nhu cầu TĐC cho người dân ước tính cần khoảng 23 ha.

KCN số 21 có diện tích 551,3 ha. Trong đó, phần diện tích cần GPMB khoảng 395 ha. Khu đất quy hoạch KCN số 21 thuộc phía Bắc KKTNS, giáp đường nối Quốc lộ 1A đi Sao Vàng - Nghi Sơn theo quy hoạch, cách Cảng Hàng không Thọ Xuân 60 km theo đường Sao Vàng Nghi Sơn, cách TP Thanh Hóa khoảng 40 km theo Quốc lộ 1A, cách Cảng Nghi Sơn khoảng 37,8 km, giáp với các KCN số 22 và KCN số 20, thuộc các xã Ngọc Lĩnh, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Các Sơn và xã Anh Sơn, thị xã Nghi Sơn. Dự kiến khi GPMB KCN này sẽ có 184 hộ với 1.073 nhân khẩu cần tái định cư. Nhu cầu TĐC cho người dân ước tính cần khoảng 10 ha đầu tư TĐC tập trung và dự kiến thực hiện tại các xã Ngọc Lĩnh, Thanh Sơn.

Để thành công trong triển khai đề án này, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung nghiên cứu, xây dựng các điểm TĐC phù hợp cho người dân. Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, tỉnh Thanh Hóa sẽ công khai các vị trí thực hiện TĐC, tổ chức để người dân được đến thăm vị trí và tham gia ý kiến xây dựng khu TĐC mà mình đến ở. Cùng với đó, quan tâm chuyển đổi nghề để người dân ổn định cuộc sống ngay trong khu TĐC và KCN.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng quan tâm, nghiên cứu, xây dựng những khu đô thị TĐC; đồng thời bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là cấp thoát nước, cung cấp điện, thiết chế văn hóa - xã hội và các chế độ, chính sách để người dân được thụ hưởng những thành quả khi đã nhường đất để xây dựng các KCN.

Với việc gỡ “nút thắt” cho công tác GPMB trong KKTNS, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tạo ra “lực hút” mới để thu hút nhà đầu tư tiềm năng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong thu hút đầu tư vào KKTNS trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]