(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, các địa phương, chủ thể sản xuất trong tỉnh đã chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, góp phần hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm OCOP, yêu cầu của thị trường về chất lượng gắn với nguồn gốc sản phẩm là rất cao. Do đó, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để bảo đảm nguồn cung sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Xây dựng vùng nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP

Thời gian qua, các địa phương, chủ thể sản xuất trong tỉnh đã chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, góp phần hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm OCOP, yêu cầu của thị trường về chất lượng gắn với nguồn gốc sản phẩm là rất cao. Do đó, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để bảo đảm nguồn cung sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Xây dựng vùng nguyên liệu cho các sản phẩm OCOPVùng nguyên liệu cà gai leo tại xã Thạch Sơn (Thạch Thành) của Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc.

Ngay từ năm 2018, Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc, phường Đông Cương, TP Thanh Hóa đã liên kết với một số hộ dân trên địa bàn tại các xã Thạch Sơn (Thạch Thành) và Đông Hoàng (Đông Sơn) trồng hơn 40 ha cà gai leo, kim ngân, rau má, thìa canh... để có nguồn nguyên liệu sản xuất. Đồng thời, ký kết hợp đồng với các hộ dân chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc dược liệu bằng phương pháp hữu cơ nhằm tạo ra nguyên liệu sạch phục vụ chế biến. Theo đó, năm 2019, công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến các sản phẩm như trà hoàng thảo mộc, trà gai leo, trà dây thìa canh, trà rau má, trà gừng, trà dây... Trong đó, sản phẩm trà hoàng thảo mộc và trà cà gai leo túi lọc của công ty đã được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2020 và đang phân phối tại 90 siêu thị trong cả nước, với sản lượng thành phẩm bình quân từ 80 - 100 tấn/năm. Ông Hoàng Văn Nam, giám đốc công ty cho biết: Ngay từ khi hình thành, phát triển vùng nguyên liệu, việc đầu tiên là tác động để người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín. Đồng thời, áp dụng khoa học - kỹ thuật, các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất. Việc phát triển vùng nguyên liệu, vùng trồng tập trung, chuyên canh đã giúp người dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn. Qua đó, hằng năm, các vùng nguyên liệu đã cung cấp cho công ty khoảng 120 tấn nguyên liệu sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu.

Với mong muốn thúc đẩy giá trị của cây chè và mang đến cho khách hàng những sản phẩm hữu cơ chất lượng, HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) hiện có 4 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Trong đó, có 2 sản phẩm là chè Bình Sơn, trà xanh túi lọc Bình Sơn được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định trong quá trình sản xuất, HTX đã hợp tác với các hộ trồng chè trên địa bàn nhằm tự chủ và kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm và bước đầu giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ông Lê Đình Tú, giám đốc HTX, cho biết: Các sản phẩm của HTX hiện đã có mặt tại các trung tâm mua sắm, siêu thị và các sàn thương mại điện tử trên cả nước. Điều đó giúp cho doanh số của sản phẩm luôn có sự tăng trưởng tốt. Thời gian tới, để phát triển mạnh hơn các sản phẩm về chè, HTX tiếp tục hỗ trợ người dân về cơ sở vật chất, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; công nghệ... trong quá trình chăm sóc chè để tạo ra những sản phẩm uy tín, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Từ thực tế cho thấy, một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định. Do đó, để nâng cao giá trị sản xuất của các sản phẩm OCOP và khuyến khích hỗ trợ các chủ thể hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu quy mô lớn, ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025. Trong đó, có hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Ông Phan Xuân Hùng, Tổ trưởng Tổ quản lý Chương trình OCOP thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh, cho biết: 158 sản phẩm OCOP đã được công nhận nhưng việc hình thành vùng nguyên liệu sản xuất của các sản phẩm chưa đạt được hiệu quả cao. Số lượng sản phẩm xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững còn hạn chế. Để phát triển bền vững các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, HTX chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng và chất lượng của sản phẩm. Do đó, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các chủ thể sản xuất thì những chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP và phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được tỉnh ban hành sẽ là yếu tố quan trọng để các chủ thể phát triển thêm các sản phẩm OCOP chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn, chất lượng “vươn ra” thị trường lớn.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]