(Baothanhhoa.vn) - Nhằm khai thác tối đa nguồn tài nguyên đất, sử dụng hợp lý, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nhằm khai thác tối đa nguồn tài nguyên đất, sử dụng hợp lý, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nhờ có bản đồ nông hóa nên người dân xã Phượng Nghi (Như Thanh) sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc lúa vụ thu mùa đạt hiệu quả hơn.

Triển khai xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng, Viện Thổ nhưỡng nông hóa đã tiến hành lấy 531 mẫu nông hóa và phân tích 8 chỉ tiêu nông hóa trên tổng diện tích 10.139,19 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Như Thanh. Qua phân tích các chỉ tiêu trung, vi lượng cho thấy 80 - 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Như Thanh nghèo một số chỉ tiêu dinh dưỡng trung lượng và vi lượng. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu ở mức cao gây nguy cơ tích lũy độc tố trong đất. Đây là căn cứ quan trọng cho việc đánh giá mức độ thích hợp đất đai và bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng của địa phương.

Trên cơ sở xây dựng bản đồ mức độ thích hợp đất đai, kết hợp định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, nhóm nghiên cứu đã đề xuất bố trí diện tích canh tác cây trồng chính cho huyện Như Thanh, như: cây lúa nước được đề xuất ổn định ở diện tích 2.280,41 ha, canh tác ở các loại đất có địa hình bằng phẳng, tầng đất dày, chủ động về nước tưới, phân bố ở các xã Xuân Du, Mậu Lâm, Phú Nhuận, Yên Thọ, Yên Lạc... Cây sắn, mía, đề xuất trồng là 552,16 ha, tập trung tại các xã Thanh Kỳ, Thanh Tân, Phú Nhuận, Xuân Phúc, Xuân Khang, Mậu Lâm, Phượng Nghi. Cây ăn quả có múi là 264,72 ha và tập trung tại các xã Cán Khê, Yên Thọ, Hải Long, Mậu Lâm. Cây gai xanh, diện tích đề xuất trồng khoảng 411,2 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Thanh Kỳ, Thanh Tân, Xuân Thái, Yên Lạc, Xuân Khang, Mậu Lâm. Cây hàng năm khác đề xuất khoảng 2.887,82 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Thanh Kỳ, Thanh Tân, Xuân Thái, Yên Lạc, Xuân Khang, Hải Long.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp khoa học nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sử dụng tài nguyên đất bền vững trên địa bàn huyện Như Thanh, bao gồm: Giải pháp về khoa học - kỹ thuật (chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật canh tác, giống cây trồng, bón phân cân đối); giải pháp công trình (xây dựng bậc thang kết hợp mương bờ giữ nước và thoát nước, trồng cây theo đường đồng mức kết hợp xây dựng mương bờ chống xói mòn); giải pháp sinh học kết hợp với công trình. Xây dựng bản đồ khuyến cáo bón phân cân đối cho các cây trồng chính, tỷ lệ 1/25.000, bao gồm lúa, ngô, mía, gai xanh, rau, ổi, bưởi, chuối, chanh leo.

Ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: Đây là tài liệu cơ sở có tính khoa học, vì vậy sau khi có kết quả nghiên cứu, UBND huyện Như Thanh tổ chức tuyên truyền đến người dân về những kết quả nghiên cứu giúp người dân có thể tự trang bị cho mình các kiến thức về sử dụng đất hợp lý, bảo vệ đất và bảo vệ môi trường. Việc nghiên cứu, đánh giá thổ nhưỡng ở Như Thanh mở ra một hướng phát triển mới cho lĩnh vực nông nghiệp của huyện. Người nông dân được hiểu rõ tính chất của các loại đất, hàm lượng các nguyên tố vi lượng, chất dinh dưỡng để chọn cho đất một loại cây trồng phù hợp nhất. Từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, bền vững nhất theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại.

Nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, từ tháng 11-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1)” trên địa bàn 9 huyện gồm Lang Chánh, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Yên Định và Hà Trung. Trên cơ sở đó, các đơn vị tư vấn đã tổ chức đánh giá hiện trạng và hiệu quả sử dụng đất cho các cây trồng chính tại 9 huyện nói trên. Qua đó, giúp cho các cơ quan quản lý giám sát, cập nhật tình hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp và xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp hợp lý. Đồng thời, giúp người nông dân tra cứu về hiện trạng sử dụng đất, đặc điểm đất đai, mức độ thích hợp của các loại cây trồng và bón phân cân đối cho cây trồng đạt hiệu quả.

Bài và ảnh: Lê Hợi


Bài và ảnh: Lê Hợi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]