(Baothanhhoa.vn) - Chị Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1983, thôn Phú Quang, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa), tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp loại khá. Chị không chỉ là một cán bộ trẻ năng động, nhiệt tình của xã mà còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Trăn trở mùa măng tây

Chị Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1983, thôn Phú Quang, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa), tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp loại khá. Chị không chỉ là một cán bộ trẻ năng động, nhiệt tình của xã mà còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Trăn trở mùa măng tâyNông dân xã Hoằng Châu chăm sóc măng tây.

Từ niềm đam mê với nông nghiệp, chị Lan đau đáu một ước mơ phát triển nông nghiệp sạch trên chính đồng đất quê hương. Vì vậy, chị đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi và tham khảo kiến thức, kỹ thuật trong sách vở, trên mạng internet, chị đầu tư cải tạo lại phần đất cơ bản của gia đình trên cánh đồng bạc màu, đồng thời thuê thêm một số diện tích đất ngân sách xã để có “tư liệu sản xuất”. Chị đã chủ động ký hợp đồng với 1 đơn vị ở Hà Nội, mua cây giống kết hợp bao tiêu sản phẩm. Thế là trên diện tích rộng hơn 1 ha, từ giữa năm 2018, chị và người thân trong gia đình đã bỏ chi phí, công sức đầu tư cải tạo đất, khoan giếng, xây bể, thiết kế hệ thống tưới tự động, mua cây giống, trồng 0,6 ha măng tây, 0,3 ha thiên lý và một số loại cây trồng khác. Sau những ngày tháng cần mẫn, vun xới, những luống măng tây phát triển xanh tốt và bắt đầu cho thu hoạch lứa măng thương phẩm đầu tiên sau hơn 6 tháng miệt mài chăm sóc.

Chị Lan bảo: “Cây măng tây là loại rau sạch có giá trị trên thị trường, tuy nhiên, trồng loại cây này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, quy trình chăm sóc rất tốn công. Để có được vườn măng tây xanh như ý, ngoài những người thân trong gia đình, chị phải thuê thêm 2 - 3 công nhân bắt sâu, chăm bón. Cây ưa nước, trời nắng phải tưới 2 đến 3 lần/ngày. Vào vụ thu hoạch, mầm măng tây phải hái từ lúc sáng sớm mới ngon, giòn ngọt và hàm lượng dinh dưỡng cao”.

Năm đầu tiên cho thu hoạch, gia đình chị Lan ai cũng phấn khởi bởi những lứa măng múp míp cho năng suất cao, có giá trị trên thị trường, ngoài nhập cho đơn vị thu mua với giá 50.000 đồng/kg, chị còn bán lẻ cho nhiều khách hàng trong huyện... Tuy nhiên, đến năm thứ 2, một phần do yếu tố thời tiết, một phần do địa hình, thân đất trũng thấp vào mùa mưa, khô hạn vào mùa nắng, cây bị bệnh nên sản lượng sụt giảm hẳn, ruộng măng tây của gia đình chị chỉ hòa vốn. “Nhiều lúc nghĩ cũng thấy gian nan lắm, bởi bao nhiêu công chăm sóc cũng không thể cưỡng lại được yếu tố thời tiết. Năm nay, mình vẫn kiên trì, tiếp tục đầu tư chăm sóc cho những lứa măng mới với hy vọng mưa thuận, gió hòa, khắc phục các điều kiện về thổ nhưỡng để duy trì ổn định vùng sản xuất măng tây này... Nhưng nếu năm nay vẫn kém thuận lợi, mình cũng phải tính đến phương án quy hoạch lại, thay đổi vị trí, diện tích trồng loại cây này”, chị Lan tâm sự.

Toàn xã Hoằng Châu hiện có 2,5 ha trồng măng tây với 4 hộ dân tham gia. Một vài năm trồng măng tây xanh, có hộ ngậm ngùi nhìn cây èo uột, phải chuyển sang cây trồng khác. Song có những hộ vận dụng tốt yếu tố kỹ thuật, hiểu đặc tính của loại cây và có biện pháp phù hợp trong quá trình chăm sóc nên cho năng suất cao. Những người trực tiếp trồng măng tây trên đồng đất này đều đánh giá rằng: Cây măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống ở vùng đất bãi ngang này. Song, măng tây xanh khó trồng. Cái khó hiện nay của những người nông dân này là sản xuất đơn lẻ, chưa có đủ điều kiện để đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao nên hiệu quả còn bấp bênh, thiếu bền vững do mỗi mùa vụ còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Họ luôn mong muốn có nguồn lực hỗ trợ để động viên, khuyến khích những người trồng măng có thêm tinh thần để vượt qua những thời điểm khó khăn, duy trì loại cây trồng hàng hóa mới mà tiềm năng này.

Ở xã Hoằng Lưu, diện tích đất nông nghiệp trồng măng tây hiện có hơn 3 ha với 5 hộ dân tham gia. Các mô hình này bắt đầu được triển khai từ năm 2016. Theo tính toán của những hộ trồng măng nơi đây, đầu tư một sào măng tây gồm giống và các chi phí khác hết khoảng 15 triệu đồng. Sau khoảng 6 tháng trồng sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi năm, măng tây cho thu hoạch khoảng 7 - 8 tháng, thời gian nghỉ chỉ xen kẽ giữa các đợt thu nên nông dân có nguồn thu nhập khá đều đặn. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu lớn, cây hay bị bệnh, năng suất chưa ổn định và kén chọn thị trường tiêu thụ.

Măng tây xanh là loại rau cao cấp, hàm lượng dinh dưỡng khá cao, gồm 83% nước và 17% chất khô; trong đó có 2,2% đạm protein, 1,2% đường glucid, 0,6% chất xơ celluloze và các chất khoáng như Mg, K, Ca, Zn... Ngoài giá trị dinh dưỡng, măng tây còn có dược tính có tác dụng chống lão hóa, chống béo phì, làm giàu sữa mẹ và đặc biệt là giảm lượng cholesteron trong máu, giúp ổn định huyết áp... Với những ưu việt đó, nên giá trị kinh tế của măng tây xanh vượt trội so với các loại rau khác. Ở huyện Hoằng Hóa, nông dân ở một số xã như: Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Tân, Hoằng Thành... đã mạnh dạn đưa cây măng tây vào sản xuất song diện tích còn chưa ổn định, thiếu bền vững. Để duy trì và phát triển diện tích trồng măng tây một cách ổn định, bền vững, giúp người nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống từ mô hình trồng trọt hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp vẫn là trăn trở chưa có hồi đáp của nhiều người nông dân.

Bài và ảnh: Việt Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]