Tín hiệu tích cực từ tích tụ, tập trung đất trong sản xuất nông nghiệp
Tích tụ, tập trung đất đai là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, góp phần chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị. Từ đó, hình thành hàng trăm mô hình tích tụ để sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế vượt trội.
Mô hình tích tụ đất để sản xuất cây bí xanh của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc).
Sau khi được tuyên truyền, vận động của địa phương, năm 2019 gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 3, xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc) đã thỏa thuận thuê lại diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả của các hộ dân trong thôn để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn. Ban đầu, với khoảng 6,2 ha đất gom được, anh tham gia dự án trồng chuối tiêu hồng nhưng hiệu quả kinh tế chưa như kỳ vọng. Gia đình anh đã nghiên cứu thị trường để chuyển đổi sang mô hình sản xuất rau màu bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, anh đã đăng ký sản xuất 4 ha rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích còn lại được trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, chứa nước sản xuất. Anh Hùng cho biết: “Với 4 ha canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình đã sản xuất bí xanh, dưa lê, ớt xuất khẩu và một số loại rau, quả theo mùa. Nhờ sản xuất quy mô lớn nên áp dụng được cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Nhờ đó, doanh thu trung bình đạt 4,2 tỷ đồng/năm.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc Đặng Thị Bắc, cho biết: "Nhờ triển khai thực hiện Nghị quyết số 192 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đến nay huyện Vĩnh Lộc đã tích tụ được 768,5 ha đất nông nghiệp. Trong đó có 473,5 ha đất trồng trọt, 85 ha sản xuất chăn nuôi và 201 ha đất sản xuất lâm nghiệp. Đa phần các mô hình tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 2,5 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống. Hiện, UBND huyện Vĩnh Lộc đã và đang đánh giá các mô hình để nhân rộng những mô hình sản xuất triển vọng.
Tại huyện Nga Sơn, để “rộng đường” cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, cùng với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện đã có cơ chế riêng để hỗ trợ, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai. Nhờ đó, chương trình đã tạo sức lan tỏa đến các xã, thị trấn. Theo đó, năm 2023 toàn huyện tích tụ, tập trung được 136 ha đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đạt 100,7% kế hoạch tỉnh giao, nâng tổng diện tích tích tụ, tập trung đất sản xuất đến nay lên 583 ha. Nhờ tích tụ, tập trung được diện tích đất lớn nên các HTX, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, điển hình là người dân đầu tư nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện hiện có hơn 35 ha nhà màng, nhà lưới; 55 ha chuyên canh rau an toàn và gần 13 ha nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Việc tích tụ, tập trung đất đai để nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhiệm vụ này đã được thực hiện rộng khắp ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 12/2023 toàn tỉnh đã tích tụ được 49.148,3 ha đất nông nghiệp. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hữu cơ giữa cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ, tạo nên những mô hình hiệu quả kinh tế vượt trội. Điển hình như mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm tại các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống... đã tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường, lợi nhuận cao hơn từ 30 đến 50 triệu đồng/ha; mô hình tích tụ đất để trồng cây ăn quả có múi tại các huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân... cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Triệu Sơn cho thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm; nhiều mô hình tích tụ để nuôi trồng thủy sản giá trị tăng khoảng 30%...
Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ thực tế cho thấy, việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp vẫn gặp khó khăn bởi tư tưởng người dân lo lắng, sợ mất đất nên không muốn cho thuê lâu dài. Do đó, để nhân rộng mô hình tích tụ, tập trung đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, giá trị kinh tế cao rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân đồng lòng thực hiện nhằm hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao.
Bài và ảnh: Lê Hòa
- 2024-11-14 20:46:00
Thanh Hoá công bố danh sách 506 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định về chống khai thác IUU
- 2024-11-14 16:40:00
Bàn giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2024
- 2023-12-29 17:08:00
Người níu giữ vị mắm trăm năm
Bức tranh tăng trưởng nhiều gam màu sáng
GDP năm 2023 tăng 5,05%, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng kinh tế trên Thế giới
Còn nhiều hạn chế trong liên kết sản xuất nông nghiệp
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đô thị
Đóng điện dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Như Thanh
Bàn giải pháp phát triển cây gai nguyên liệu năm 2024
Xăng E5 RON92 và dầu hỏa đi xuống, các mặt hàng khác tăng nhẹ từ 15 giờ
Xăng E5 RON92 và dầu hỏa đi xuống, các mặt hàng khác tăng nhẹ
Sao Mai Group khởi công dự án khu đô thị mới hiện đại, văn minh tại trung tâm huyện Triệu Sơn