(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết là một trong những hướng đi mà huyện Thạch Thành đang tập trung hướng đến nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định cho nông dân.

Thạch Thành phát triển các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm

Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết là một trong những hướng đi mà huyện Thạch Thành đang tập trung hướng đến nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định cho nông dân.

Thạch Thành phát triển các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩmMô hình liên kết sản xuất rau, quả tại xã Thành Minh.

Nhận thấy tiềm năng, HTX dịch vụ kinh doanh nông nghiệp Thạch Đồng, xã Thạch Đồng đang tích cực liên kết với các xã viên, người dân mở rộng diện tích trồng lúa nếp hạt cau. Đến nay, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất hơn 80 ha lúa nếp hạt cau với năng suất đạt 55 tạ/ha. Toàn bộ diện tích được HTX ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thương mại Sao Khuê (Đông Sơn), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lan Hương (TP Thanh Hóa)... Để nâng cao chất lượng sản phẩm nếp hạt cau, HTX đã ứng dụng sản xuất hơn 20 ha lúa nếp hạt cau theo tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 5-2023, sản phẩm gạo nếp hạt cau Phú Quý của HTX được UBND huyện Thạch Thành xét và công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Trong giai đoạn 2023-2025, HTX phấn đấu mở rộng diện tích liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm lúa nếp hạt cau 100 ha, sản lượng khoảng 400 - 450 tấn/năm.

Đến nay, huyện Thạch Thành đã phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ cho 200 ha lúa nếp hạt cau/vụ, sản lượng 100 tấn với các đơn vị tham gia liên kết Công ty CP Thương mại Sao Khuê (Đông Sơn), Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung). Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung), cho biết: Tham gia vào chuỗi liên kết, người dân được công ty bao tiêu sản phẩm với giá ổn định như đã ký kết và hỗ trợ vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Khi thu hoạch, công ty tổ chức thu mua thóc tươi ngay tại ruộng, giảm chi phí vận chuyển, phơi, bảo quản lúa cho người dân. Thông qua liên kết sản xuất, công ty chủ động kiểm soát các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, huyện Thạch Thành đã hỗ trợ xây dựng một số mô hình, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, HTX và người sản xuất. Tiêu biểu như: Người dân trong huyện ký hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua mía nguyên liệu 3.000 ha/năm với Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan. Thông qua hợp đồng, công ty đầu tư phân bón, đầu tư giống, giải phóng đất cho người dân trồng mía; ký hợp đồng thu mua mía nguyên liệu thông qua các HTX dịch vụ nông nghiệp làm chủ hợp đồng. Mô hình liên kết sản xuất hữu cơ tại các xã Thành Minh, Thạch Bình với 10 ha sản xuất các loại rau màu vụ đông, như: ớt, hành tỏi, dưa lê..., được chứng nhận hệ thống đảm bảo chất lượng - PGS. Mô hình này được tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị với Công ty TNHH Thực phẩm sạch Big Green Việt Nam (Hà Nội) và một số siêu thị ở Hà Nội, cho lợi nhuận đạt từ 100 đến 120 triệu đồng/ha.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Thạch Thành phấn đấu mỗi năm xây dựng 4 chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trở lên, tập trung vào các loại cây trồng, như: lúa, cây ăn quả có múi, rau màu, cây dứa. Huyện kêu gọi, thu hút 1 doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản đối với sản xuất cây ăn quả để ổn định thị trường tiêu thụ, thúc đẩy liên kết sản xuất. Địa phương duy trì liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn, để mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Huyện tiếp tục rà soát, mở rộng diện tích trồng mía nguyên liệu cung cấp cho Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan để ổn định vùng sản xuất và quy mô chế biến của nhà máy, diện tích ổn định hàng năm trên 3.000 ha mía nguyên liệu.

Ông Hoàng Minh Sơn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, cho biết: Để khuyến khích phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngành nông nghiệp huyện tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, định hướng, yêu cầu của các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và huyện đến đông đảo người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Khuyến khích các tổ chức, HTX, người dân đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh các loại cây trồng, như: Công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà màng, nuôi cấy mô trong nhân giống; sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp; gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]