(Baothanhhoa.vn) - Nhằm phát triển thương mại khu vực miền núi, ven biển, các địa phương đang thực hiện các biện pháp để phát triển các loại hình thương mại gắn với quy mô, trình độ sản xuất, kinh doanh.

Phát triển thương mại miền núi, ven biển

Nhằm phát triển thương mại khu vực miền núi, ven biển, các địa phương đang thực hiện các biện pháp để phát triển các loại hình thương mại gắn với quy mô, trình độ sản xuất, kinh doanh.

Phát triển thương mại miền núi, ven biểnDịch vụ thương mại ở Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn) đang từng bước phát triển.

Năm 2014, Cửa khẩu Na Mèo (Quan Sơn) được nâng cấp thành Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Do đó, chợ Cửa khẩu quốc tế Na Mèo cũng ngày càng sầm uất, hàng hóa phong phú, thu hút nhiều người đến giao thương buôn bán. Trung bình hàng năm có từ 8.000 đến 10.000 lượt người xuất nhập cảnh qua lại trao đổi hàng hóa. Trong khi chợ Na Mèo được đầu tư xây dựng từ lâu khiến việc kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc vùng biên giới hai huyện Quan Sơn - Viêng Xai (Lào) gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, huyện Quan Sơn đã kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ Cửa khẩu Na Mèo và một số hạng mục để đạt tiêu chuẩn chợ hạng III, với diện tích 7.000m2, quy mô khoảng 200 điểm kinh doanh. Chị Hà Thị Thắm, thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn), cho biết: Từ khi được đầu tư xây dựng mới khang trang, đạt tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh môi trường... chợ đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của người dân trong vùng.

Theo thống kê của Sở Công Thương, khu vực miền núi hiện có hơn 100 chợ, hàng nghìn cửa hàng tự chọn, bán lẻ. Nhiều địa phương đã tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Người dân có nhiều sự lựa chọn từ nhiều hình thức kinh doanh hàng hóa, như siêu thị, chợ, cửa hàng tự chọn, cửa hàng bán lẻ. Giá cả hàng hóa ổn định, không có tình trạng khan hiếm hàng, ép giá, kể cả dịp lễ, tết. Do đó, việc mua sắm hàng hóa của người dân khá thuận lợi. Đối với khu vực ven biển của tỉnh cùng với khai thác, chế biến hải sản; phát triển du lịch biển; xây dựng các khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển và xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế hàng hải... thì hệ thống thương mại cũng phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách.

Theo chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Đến năm 2025, xây dựng được 11 mô hình điểm bán hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có chất lượng cao tại 11 huyện miền núi. Tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng, đặc sản có tiềm năng, lợi thế của các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong tỉnh, trong nước và hướng đến xuất khẩu. Phát triển thương nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tại các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Phát triển hệ thống phân phối bán lẻ; cung ứng dịch vụ theo chuỗi, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường. Đến năm 2025, 100% cán bộ quản lý thương mại của các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ. Để đạt được mục tiêu trên, Sở Công Thương đang phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, quan điểm, định hướng, nhiệm vụ của chương trình và các chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng ven biển. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo của Chính phủ, của tỉnh nhằm khuyến khích, thu hút tối đa các nguồn lực xã hội hóa tham gia hoạt động thương mại tại khu vực miền núi, ven biển. Phát triển các điểm bán hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh, gắn với giao lưu, mua bán, trao đổi những sản phẩm hàng hóa giữa các vùng miền trong tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]