(Baothanhhoa.vn) - Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã ra đồng chăm sóc, gieo trồng vụ xuân với hi vọng một năm sản xuất được mùa.

Nông dân bám sát đồng ruộng sản xuất đầu xuân

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã ra đồng chăm sóc, gieo trồng vụ xuân với hi vọng một năm sản xuất được mùa.

Nông dân bám sát đồng ruộng sản xuất đầu xuânNông dân xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) tập trung cấy lúa vụ xuân.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngay từ sáng sớm mùng 3 tết trên khắp các xứ đồng của xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) không khí lao động của người dân đã rộn ràng. Tiếng cười, tiếng nói xen lẫn tiếng máy làm đất tạo nên không khí lao động khẩn trương ngay từ những ngày đầu năm mới. Bà Trương Thị Tuyết ở thôn 3 cho biết: Trước tết liên tiếp các đợt rét đậm, rét hại nên chúng tôi phải lùi thời gian cấy lúa xuân lại sau tết. Mặc dù đang trong những ngày tết nhưng chúng tôi đã ra đồng “khai xuân” đắp bờ, lấy nước, vệ sinh ruộng đồng, làm đất gieo cấy lúa xuân cho kịp thời vụ. Do ở vùng đồng bằng ven biển chân đất vàn thấp nên chúng tôi chủ yếu sản xuất trà xuân muộn với các giống lúa có năng suất cao như lúa lai Thái Xuyên 111, QL301, VT 404, Quốc Tế 1...

Tại các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Nông Cống chủ yếu sản xuất trà xuân sớm nên nông dân đã tập trung gieo cấy trước tết. Từ ngày mùng 4 tết người dân đã tích cực ra đồng kiểm tra diện tích lúa vụ xuân đã được gieo cấy và thực hiện các biện pháp chăm sóc, bón phân. Trên các thửa ruộng người thì bón phân, người tỉa dặm, chăm sóc lúa xuân, tạo thành một không khí sôi nổi trong những ngày đầu năm mới. Bà Lê Thị Hải ở xã Tượng Văn (Nông Cống) cho biết: Ngay sau những ngày tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi người dân ra đồng chăm sóc lúa, tiến hành bón phân, sục bùn, chắm dặm, đảm bảo mật độ cho cây lúa phát triển với quyết tâm để có vụ lúa bội thu. Nhờ gieo cấy đúng khung lịch thời vụ nên đến thời điểm này các trà lúa xuân trên địa bàn xã phát triển tốt, cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh để đẻ nhánh. Bắt đầu từ ngày mùng 4 tết bà con nông dân ra đồng làm cỏ, dẫn nước vào chân ruộng để bón thúc cho cây lúa nhanh phục hồi đẻ nhánh. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và thực hiện các biện pháp diệt chuột và diệt ốc bươu vàng bảo vệ cây lúa.

Theo ngành nông nghiệp, lịch gieo cấy lúa xuân kết thúc muộn nhất trước ngày 28/2. Từ trước kỳ nghỉ tết, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương tập trung thực hiện sản xuất vụ xuân theo phương án ban hành. Các địa phương cùng với chăm sóc tốt diện tích các loại cây trồng vụ đông, bà con đã gieo cấy vụ xuân. Ngay từ ngày mùng 3 tết, nông dân ở các địa phương đã xuống đồng sản xuất. Đến hết ngày 15/2, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng vụ xuân được 134.353,4ha, đạt 70,3% kế hoạch. Trong đó, lúa đã gieo cấy 108.319,8ha, đạt 96,3% kế hoạch (cấy 100.833,2ha, gieo sạ 7.486,6ha); ngô 5.689,5ha; lạc 3.244,3ha; khoai lang 859,4ha; rau đậu các loại và cây trồng khác 16.240,4ha.

Trực tiếp xuống đồng thăm hỏi, động viên bà con nông dân trong những ngày đầu năm mới, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vũ Quang Trung đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện vận động Nhân dân gieo cấy hết diện tích có khả năng sản xuất lúa xuân muộn và các loại cây rau màu trên địa bàn bảo đảm hoàn thành diện tích theo kế hoạch. Lấy mốc thời điểm cây trồng trổ bông từ ngày 25/4 - 5/5/2024 (trong đó lúa trổ bông tập trung từ ngày 25/4 đến 30/4), để làm căn cứ tính thời điểm gieo cấy phù hợp cho từng giống và từng trà lúa của địa phương. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế, bố trí gọn từng trà mỗi cánh đồng chỉ sử dụng từ 1 - 2 loại giống, gieo cấy tập trung trong khoảng 3 - 5 ngày.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, quan điểm bố trí thời vụ và cơ cấu lúa vụ xuân là tăng diện tích sản xuất trà xuân muộn, ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao, giống dài ngày chỉ bố trí trên các chân đất đặc thù; khuyến khích người dân mở rộng diện tích lúa nếp, giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, gạo ngon, hạt dài. Đối với diện tích trà lúa đã cấy người dân phải giữ nước thường xuyên trên mặt ruộng từ 3 - 4cm để dưỡng lúa và giữ ấm cho lúa; đồng thời thực hiện tốt việc chăm sóc, bón phân, làm cỏ và bảo vệ lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Không bón thúc phân đạm vào những ngày có nền nhiệt độ thấp dưới 150C, đảm bảo cho cây lúa cấy sinh trưởng tốt. Với diện tích rau màu trên đất chuyên màu, cần tập trung chăm sóc, kiểm tra, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại, bảo đảm cung cấp đủ nguồn rau xanh phục vụ sau tết.

Cùng với tập trung chăm sóc, gieo trồng vụ xuân, sáng 15/2 (mùng 6 tháng Giêng) các huyện đã tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024 gắn với Chương trình “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Sau lễ phát động cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang... trên địa bàn tỉnh đã sôi nổi, tích cực tham gia trồng cây.

Có thể thấy, tinh thần lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu xuân Giáp Thìn của người dân là tín hiệu đáng mừng để ngành nông nghiệp hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024.

Bài và ảnh: Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]