(Baothanhhoa.vn) - Nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác, nhiều địa phương trong tỉnh đã hướng dẫn, khuyến khích và vận động người dân tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi cơ cấu, luân canh cây trồng. Đồng thời, bố trí khung thời vụ hợp lý nhằm tăng tối đa hệ số sử dụng đất.

Nâng cao hệ số sử dụng đất canh tác

Nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác, nhiều địa phương trong tỉnh đã hướng dẫn, khuyến khích và vận động người dân tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi cơ cấu, luân canh cây trồng. Đồng thời, bố trí khung thời vụ hợp lý nhằm tăng tối đa hệ số sử dụng đất.

Nâng cao hệ số sử dụng đất canh tácNhờ luân canh các loại cây trồng phù hợp, gia đình bà Nguyễn Thị Hội, thôn 3, xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) có thể sản xuất 10-12 lứa rau/năm.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, thay vì sản xuất cây trồng truyền thống như lúa, ngô, lạc giống thuần hiệu quả kinh tế thấp, người dân đã mạnh dạn đưa những loại cây trồng hằng năm mới như ngô ngọt, ớt xuất khẩu, rau màu... cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây chính là tiền đề để hình thành 97 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến mang lại giá trị kinh tế cao. Từ việc linh hoạt trong sử dụng cơ cấu giống cây trồng, người dân có điều kiện để tái sản xuất, tăng mùa vụ trên cùng một đơn vị diện tích. Đồng thời, phát triển sản xuất trên cơ sở tập trung, quy hoạch vùng sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, hình thành những vùng sản xuất cây trồng hàng hóa giá trị cao, cây trồng làm nguyên liệu chế biến...

Tại cánh đồng trồng rau màu của xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) vào thời điểm người dân đang chăm sóc, thu hoạch, chúng tôi thấy được sự chủ động, tích cực của bà con nông dân trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện luân canh, tăng vụ sản xuất. Nhiều hộ ưu tiên sử dụng các giống rau màu ngắn ngày có năng suất cao để cơ cấu lại mùa vụ. Gia đình bà Nguyễn Thị Hội ở thôn 3 là hộ nông dân điển hình của xã Hoằng Trinh trong phong trào phát triển kinh tế hộ nhờ áp dụng phương thức sản xuất đa cây, đa thời vụ. Câu chuyện sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao của gia đình bà Hội được bắt nguồn từ những thửa ruộng nhỏ, với những loại cây rau màu truyền thống nhưng mang lại nguồn thu đáng kể. Chỉ với 5 sào đất màu, gia đình bà thực hiện trồng luân canh, tăng vụ với các loại cây rau ăn lá ngắn ngày đáp ứng nhu cầu thị trường như rau cải các loại, mồng tơi, rau đay, hành lá và các loại rau thơm như húng, thì là, mùi tàu... Những thửa ruộng nhỏ được khai thác liên tục trong năm bởi thời gian trồng rau ăn lá rất ngắn, chỉ từ 20-25 ngày là có thể thu hoạch. Còn các loại rau gia vị được trồng gối nhau liên tiếp. Như vậy, mỗi năm, gia đình bà Hội có thể gieo trồng được từ 10-12 lứa rau màu. Bà Hội cho biết: Theo kinh nghiệm hơn hai chục năm sản xuất rau màu thì trồng rau ăn lá tuy công chăm sóc, thu hoạch vất vả nhưng mang thu nhập cao hơn các loại rau ăn củ, quả khác. Đặc biệt, đối với các loại rau màu trồng trái vụ thì hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5-2 lần cây lấy củ, quả. Nên trung bình hằng năm, với 5 sào đất màu, gia đình bà có doanh thu khoảng 90 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 40-50 triệu đồng/năm.

Được biết, với việc đa dạng đối tượng sản xuất và thực hiện luân canh, tăng vụ, người dân xã Hoằng Trinh có thể sản xuất ổn định 3-4 vụ/năm. Riêng đối với 18 ha chuyên sản xuất cây rau màu, người dân địa phương đã và đang khai thác tối đa quỹ đất với phương châm canh tác “mùa nào thức ấy”, áp dụng sản xuất khoảng xen canh, luân canh 4-5 vụ/năm, doanh thu trung bình đạt 15 triệu đồng/sào/năm. Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trinh Lê Quang Trình cho biết: “Việc tăng hệ số sử dụng đất không chỉ góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, mà qua đó địa phương còn xác định được khung thời vụ và hiệu quả kinh tế cho từng loại cây trồng, từng loại đất ở từng khu vực khác nhau. Đồng thời, chủ động trong công tác chuẩn bị về giống, phân bón cho sản xuất và xử lý kịp thời nếu thời tiết bất thường xảy ra”.

Với phương châm lấy giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác làm thước đo, thời gian qua ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã tập trung hướng dẫn các địa phương về khung thời vụ khép kín, cơ cấu giống cây trồng. Đẩy mạnh thâm canh, luân canh tăng vụ, bảo đảm diện tích thâm canh đạt trên 90% đối với cây ngô và trên 95% đối với cây lúa. Đồng thời, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây trồng mới phù hợp, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu chuyển đổi 2.106 ha đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang những mô hình sản xuất hiệu quả cao hơn. Đồng thời, vận dụng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, khuyến khích hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình về ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, giống mới vào canh tác, khắc phục tình trạng đất bỏ hoang, canh tác không hiệu quả...

Tại nhiều hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định, để thực hiện hiệu quả việc nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã ban hành, các địa phương cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất để chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách phù hợp kết hợp với đầu tư chuyên sâu đem lại giá trị kinh tế cao.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]