(Baothanhhoa.vn) - Xã Quang Hiến (Lang Chánh) hiện có 1.047 hộ. Kinh tế của các hộ gia đình trong xã chủ yếu dựa vào phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mô hình chuồng trại nuôi nhốt gia súc tập trung ở xã Quang Hiến

Mô hình chuồng trại nuôi nhốt gia súc tập trung ở xã Quang Hiến

Khu nuôi nhốt tập trung tại xã Quang Hiến.

Xã Quang Hiến (Lang Chánh) hiện có 1.047 hộ. Kinh tế của các hộ gia đình trong xã chủ yếu dựa vào phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc.

Tuy nhiên, lâu nay, việc chăn nuôi gia súc của các hộ dân trên địa bàn xã đa phần theo phương thức thả rông và được nhốt trong không gian sống của các hộ dân. Nhận thấy việc thả rông, nhốt gia súc trong thôn, xóm không những ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi mà còn gây ô nhiễm môi trường, là rào cản lớn đối với lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, năm 2018, xã Quang Hiến đã triển khai thực hiện mô hình chuồng trại nuôi nhốt gia súc tập trung tại thôn Giáng. Theo đó, xã đã huy động nguồn lực để xây dựng 2 khu chuồng nuôi nhốt gia súc tập trung với quy mô 15 chuồng/khu, mỗi chuồng rộng hơn 20 m. Các chuồng đều được xây dựng kiên cố, có mái che bằng tấm lợp tôn, nền chuồng được làm bằng bê tông xi măng sạch sẽ, đường đi rộng 9 m thuận lợi để gia súc di chuyển.

Sau khi 2 khu chuồng được xây dựng xong, cán bộ thôn và các tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền, vận động hộ dân di chuyển đàn gia súc của gia đình ra khu nuôi nhốt tập trung. Ban đầu, việc vận động người dân khá khó khăn, bởi ai cũng sợ ảnh hưởng đến tài sản của họ. Song, sau khi được phân tích và tận mắt nhìn thấy khu nuôi nhốt xây dựng khang trang, kiên cố, sạch sẽ, nhiều hộ dân đã đồng thuận di chuyển gia súc ra khỏi thôn, xóm để đến nuôi dưỡng tại khu nuôi nhốt tập trung. Đến nay, sau gần 1 năm đi vào hoạt động, toàn bộ 30 chuồng nuôi tại 2 khu đã được sử dụng hết, với số lượng hơn 100 con.

Được biết, đây là mô hình chăn nuôi gia súc nhốt chuồng tập trung đầu tiên của huyện Lang Chánh. Từ khi mô hình đi vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả thiết thực. Bởi, mô hình này không chỉ góp phần xóa bỏ tư duy, nhận thức của bà con chăn thả gia súc, gia cầm tự do, mà còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, cải thiện rõ rệt môi trường sống trong khu dân cư.

Trước đây, vì không có vốn xây dựng chuồng trại, nên gia đình anh Phạm Văn Tú thường chăn nuôi trâu thả rông trong rừng. Không có chuồng trại nên trong quá trình chăn nuôi gặp nhiều bất tiện trong việc chăm sóc đàn trâu. Hằng năm, vào mùa đông, vì chuồng trại tạm bợ, nên đàn trâu hay bị ốm, yếu, sinh trưởng và phát triển chậm. Năm 2018, được chính quyền địa phương vận động tham gia mô hình nuôi nhốt chuồng tập trung, gia đình anh đã mạnh dạn đăng ký. Từ khi đưa trâu ra nuôi nhốt tại chuồng tập trung, anh thấy con nuôi được sống trong môi trường sạch sẽ, chuồng trại được che chắn, nên sinh trưởng, phát triển tốt. Hơn nữa, từ khi trâu được đưa đi nuôi nhốt tập trung, gia đình anh không còn phải chịu cảnh sống chung với mùi hôi của súc vật, cảnh quan môi trường trở nên sạch sẽ.

Đối với chị Lương Thị Của, việc nuôi nhốt gia súc tại chuồng nuôi nhốt tập trung cũng đã và đang mang lại nhiều lợi ích. Chị chia sẻ: Do phong tục, tập quán, nên nhiều năm các hộ dân trong thôn thường chăn thả con nuôi tự do. Điều này không những ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, mà vật nuôi còn hay bị dịch bệnh từ bên ngoài. Từ khi chuyển vào chăn nuôi tại chuồng nuôi nhốt tập trung, việc xử lý chất thải và thú y trong chăn nuôi được các hộ quan tâm, nên dễ kiểm soát được dịch bệnh, đàn gia súc được bảo vệ, sinh trưởng, phát triển tốt.

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả và triển vọng của mô hình chuồng trại nuôi nhốt gia súc tập trung, ông Phạm Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Quang Hiến, cho biết: Việc đưa vào sử dụng mô hình chuồng trại nuôi nhốt gia súc tập trung bước đầu đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Thực tế, mô hình này không chỉ giải quyết được bài toán môi trường tại vùng nông thôn, mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con theo hướng chăn nuôi tập trung, từ đó hình thành trang trại, gia trại chăn nuôi lớn, giúp bà con giảm nghèo bền vững. Hơn nữa, thôn Giáng hiện đang xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu nên việc đưa gia súc ra chuồng trại nuôi nhốt tập trung để chăm sóc, nuôi dưỡng đã giúp cho môi trường của thôn luôn sạch sẽ, tạo điều kiện để thôn xây dựng thành công và giữ vững được tiêu chí cảnh quan môi trường. Vì vậy, để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả và được nhân rộng, thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh vận động các hộ dân tích cực bảo đảm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đầu tư xây dựng thêm hệ thống bể lắng, cống xử lý chất thải chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục huy động vốn để xây dựng, nhân rộng mô hình ra các thôn khác.

Hương Thơm


Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]