(Baothanhhoa.vn) - Trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc thu hút các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã trở thành vấn đề mấu chốt, có ý nghĩa quan trọng mà các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất giống cây trồng

Trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc thu hút các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đã trở thành vấn đề mấu chốt, có ý nghĩa quan trọng mà các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện.

Mô hình liên kết sản xuất giống lúa tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân) trong vụ chiêm xuân 2018 đã được các đại biểu đến từ các huyện trong tỉnh đến tham quan.

Từ tư duy “mở cửa” và những ưu tiên trong thu hút đầu tư của các cấp chính quyền, nhiều công ty giống trong và ngoài tỉnh đã vào liên kết sản xuất, mang lại lợi ích kép cho nông dân lẫn ngành nông nghiệp. Trong số các mô hình liên kết, hoạt động sản xuất giống cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế, trở thành những hình mẫu trong phát triển nông nghiệp tỉnh nhà.

Sản xuất vụ chiêm xuân 2018, đánh dấu bội thu cả về năng suất lẫn sản lượng lúa. Trong thắng lợi chung của ngành nông nghiệp, có vai trò không nhỏ bởi các mô hình liên kết sản xuất giống lúa ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Riêng huyện Yên Định, có gần nửa số xã có được hợp đồng liên kết sản xuất giống lúa lai với Chi nhánh Công ty Giống cây trồng Trung ương Thanh Hóa (Vinaseed) đóng trên địa bàn huyện. Vùng liên kết này bền vững trong gần chục năm qua, mà ở đó, người nông dân đã có chuyên môn sâu trong sản xuất, trở thành những “công nhân nông nghiệp”. Nếu tính cả vụ chiêm xuân và thu mùa chuẩn bị triển khai, Vinaseed đã liên kết sản xuất hơn 1.000 ha lúa giống tại huyện trọng điểm nông nghiệp Yên Định. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn xây dựng nhiều mô hình tương tự tại các huyện Thiệu Hóa, Nông Cống... Sau khi ký kết hợp đồng với các HTX dịch vụ nông nghiệp hoặc UBND các xã, vào đầu mỗi mùa vụ, Vinaseed cung cấp giống, phân bón trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật và phổ biến khung lịch thời vụ cho bà con nông dân triển khai sản xuất. Người nông dân canh tác theo đúng hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật công ty về “cắm” ở địa bàn xã vào các thời điểm quan trọng ngay trên mảnh ruộng gia đình mình. Từ các khâu làm đất, gieo mạ khay, cấy, thu hoạch... cơ bản đều được tiến hành bằng máy bởi các vùng liên kết sản xuất được các địa phương dồn đổi, quy hoạch thành khu đồng tập trung. Khi máy móc thay thế sức người, số nhân công lao động giảm, mỗi gia đình chỉ cần 1 đến 2 người tham gia làm nông nghiệp, còn lại xin đi làm công nhân và các ngành nghề khác nên góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động các địa phương theo hướng ngày càng hợp lý. Hết mỗi vụ, lúa được đưa vào sấy tại các lò sấy tập trung nhằm tránh lẫn giống, tránh phụ thuộc vào trời nắng. Yếu tố quan trọng nhất là đầu ra sản phẩm được giải quyết bởi doanh nghiệp đã ký hợp đồng và cam kết thu mua hết sản phẩm cho nông dân với giá cố định, cho dù giá thị trường có xuống thấp hơn. Tại các mô hình liên kết, về bản chất, người nông dân chính là đối tác sản xuất trên mảnh ruộng gia đình mình, nhưng đã đạt đến trình độ khá cao trong ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất nghiêm ngặt.

Tại huyện Thọ Xuân, vụ chiêm xuân 2018, các công ty giống cây trồng đã ký kết với các xã, triển khai canh tác 636 ha các loại giống cây trồng theo mô hình liên kết sản xuất. Nhiều nhất trong số đó phải kể đến Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (Thaibinh seed) với hơn 200 ha liên kết sản xuất các loại giống. Tại xã Xuân Minh, công ty giống cây trồng đến từ “quê hương 5 tấn” đã hợp tác xây dựng mô hình 170 ha giống lúa thuần chất lượng cao TBR 225, 20 ha lúa nếp N97, 20 ha khoai tây làm giống. Có mặt tại thôn Quang Hoa, xã Xuân Minh vào một ngày cuối tháng 5, trên cánh đồng Bái Dứa, những khu ruộng rộng lớn được trải thảm vàng bởi vùng lúa duy nhất một giống chuẩn bị cho thu hoạch. Những bông lúa dài, trĩu hạt đã nói lên sự bội thu của cánh đồng lúa ven bờ sông Cầu Chày. Đây chính là thành quả của quá trình liên kết sản xuất giống lúa giữa người nông dân, HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Minh và Thaibinh seed đã được ký kết ngay từ đầu vụ. Bà Đỗ Thị Hoa, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Minh, cho biết: Đây là vụ thứ 3 liên tiếp HTX liên kết sản xuất với Thaibinh seed, người nông dân đã đặt niềm tin vào sự hợp tác bởi khi tham gia mô hình sản xuất lúa giống TBR 225 này, năng suất đạt từ 75 đến 80 tạ/ha. Tham gia mô hình, người dân còn được tập huấn sản xuất theo chuỗi nên trình độ canh tác được nâng lên, việc sản xuất được phát triển theo hướng hàng hóa. Ông Lê Văn Dân, trưởng thôn Quang Hoa, đồng thời là nông dân góp đất tham gia mô hình, chia sẻ: Trước đây, nhiều thân ruộng trong thôn bị bà con bỏ hoang, nhưng khi liên kết sản xuất lúa giống từ đầu năm 2017, trong thôn không còn mảnh đất trống nào. Toàn thôn có 25 ha trồng lúa thì đã có 22,5 ha liên kết sản xuất, còn những ruộng quá sâu và phân bổ ở vùng khó khăn mới còn tình trạng canh tác truyền thống. Ngoài việc năng suất lúa đạt cao, công ty còn thu mua tới 860.000 đồng/tạ lúa, trong khi giá lúa trung bình tại địa phương chỉ khoảng 700.000 đồng/tạ.

Doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng hàng đầu của tỉnh - Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa cũng tích cực triển khai các mô hình liên kết với nông dân. Thời gian qua, công ty đã thành công trong hợp tác sản xuất giống lúa tại các xã Quảng Ngọc (Quảng Xương), Trung Thành (Nông Cống), Đông Ninh (Đông Sơn)... với tổng diện tích hàng chục ha mỗi vụ. Ở các mô hình liên kết, công ty luôn cam kết thu mua sản phẩm để làm giống với giá cao hơn 1,3 lần giá bình quân tại địa phương vào vụ thu hoạch. Công ty còn làm dịch vụ sấy lúa cho nông dân nhằm tránh những bất lợi của thời tiết. Ông Trịnh Thúc Luân, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa, cho biết: Từ năm 2017, chúng tôi đã triển khai công nghệ sấy và chế biến nên đã giải quyết cho nhân dân khâu phơi lúa luôn phụ thuộc vào thời tiết. Các nhà máy sấy được công ty đặt tại Khu Công nghiệp Lễ Môn, huyện Yên Định, huyện Triệu Sơn với năng lực sấy hàng trăm tấn lúa/ngày đêm. Ngoài liên kết sản xuất giống, công ty còn liên kết để xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại các xã của hai huyện Quảng Xương và Vĩnh Lộc, giúp nông dân và các địa phương dễ dàng áp dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn hơn.

Liên kết sản xuất đã trở thành xu thế, là yêu cầu tất yếu trong phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành nông nghiệp. Ít năm gần đây, mỗi vụ, có hàng nghìn ha lúa và các giống cây trồng khác được các doanh nghiệp hợp tác, liên kết với các địa phương để sản xuất. Trong một hội thảo về liên kết sản xuất gần đây, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, đưa ra quan điểm: Mỗi nơi có một cách để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, song đích cuối cùng phải kêu gọi được doanh nghiệp vào liên kết để bao tiêu sản phẩm - đây mới là yếu tố quyết định.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]