(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa được biết đến với những làng nghề truyền thống nổi danh. Mỗi làng nghề không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện đẹp về tinh thần lao động, sáng tạo của con người xứ Thanh. Dù chịu không ít tác động của cơ chế thị trường, song đến nay nhiều làng nghề truyền thống đang phát huy tốt vai trò giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc ở địa phương.

Làng nghề truyền thống giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Thanh Hóa được biết đến với những làng nghề truyền thống nổi danh. Mỗi làng nghề không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện đẹp về tinh thần lao động, sáng tạo của con người xứ Thanh. Dù chịu không ít tác động của cơ chế thị trường, song đến nay nhiều làng nghề truyền thống đang phát huy tốt vai trò giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc ở địa phương.

Làng nghề truyền thống giải quyết việc làm cho lao động nông thônLàng nghề truyền thống xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Nhắc đến những làng nghề truyền thống nổi tiếng xứ Thanh, không thể không nhắc đến cái tên làng nghề xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Đây không chỉ là một trong những điểm tham quan du lịch làng nghề hấp dẫn của tỉnh mà còn là nơi lưu giữ kỹ thuật đúc đồng truyền thống của cả nước. Đến nay, làng nghề có 32 cơ sở, doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh (trong đó 3 cơ sở hiện đang san lấp mặt bằng) chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đồ đồng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ và một số đồ gia dụng khác, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Đến thăm cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ đồng của anh Đặng Quốc Toàn - một trong những cơ sở có quy mô lớn trong làng nghề với đầy đủ gian hàng trưng bày để khách tham quan và khu vực sản xuất. Hiện cơ sở có 14 lao động thường xuyên với thu nhập từ 6 - 9 triệu/người/tháng. Anh Hoàn phấn khởi cho biết, đặc điểm của cơ sở là làm nghề truyền thống, bởi vậy 100% lao động đều có tay nghề và rất thành thạo công việc, có thời gian cao điểm cần phải huy động tới 30 - 40 người. Khi làng nghề “sống được” thì người lao động cũng có công ăn, việc làm, thu nhập ổn định, còn doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo báo cáo của UBND xã Thiệu Trung, tổng doanh thu của làng nghề năm 2021 đạt gần 200 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2022-2026, xã Thiệu Trung đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển làng nghề, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa cũng như quảng bá thương hiệu. Phấn đấu trong năm 2022, xã có sản phẩm đồ đồng đạt OCOP 5 sao và một số sản phẩm khác đạt OCOP 4 sao.

Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung Trần Ngọc Tùng cho biết: Làng nghề đúc đồng truyền thống xã Thiệu Trung đã, đang chứng minh được hiệu quả kinh tế cũng như giá trị văn hóa của làng nghề. Nhằm phát huy vai trò của làng nghề trong thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, địa phương đã sớm quy hoạch làng nghề, tạo điều kiện để các hộ đẩy mạnh sản xuất. Đến nay, làng nghề đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất 200m3/ngày đêm; mương tiêu thoát nước; hệ thống đường giao thông đảm bảo, thuận tiện.

Nổi tiếng không thua kém gì làng nghề truyền thống xã Thiệu Trung, làng nghề truyền thống xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) chính là quê hương của biết bao người thợ rèn tài hoa, tạo ra các đồ dùng, vật dụng sắc bén, được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đón nhận. Kế thừa và phát huy nghề truyền thống mà cha, ông để lại, xưởng rèn Tấn Lộc Tài của anh Phạm Văn Tiến đang tạo việc làm cho 11 lao động thường xuyên và hơn 100 lao động tại nhà.

Anh Phạm Văn Tiến cho biết: Hiện tại cơ sở có quy mô rộng gần 300m2, xưởng sản xuất đã được đầu tư một số máy móc hiện đại như: máy plasma, máy đột dập, lò tôi cao tần, máy cắt tôn... với trị giá trên 1 tỷ đồng. Hiện nay, xưởng sản xuất đang tạo việc làm ổn định cho 11 lao động, với mức lương từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng và khoảng trên 100 lao động địa phương nhận sản phẩm về gia công. Cơ sở đang phấn đấu xây dựng thành công sản phẩm dao thép không gỉ đạt chứng nhận OCOP. Đồng thời, tiếp cận và mở rộng thị trường thông qua hình thức giao dịch trực tuyến, góp phần tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Cùng với các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, làng nghề mộc truyền thống Đạt Tài, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) ngày càng phát triển hưng thịnh. Từ xa xưa, thợ mộc Đạt Tài đã được người dân khắp nơi yêu mến, bởi tài nghệ của họ. Chỉ cần nhìn đường lắp, đường tâm, cái kẻ cùng những nét chạm khắc hoa văn tinh xảo trên các đầu xà, cánh cửa và các sản phẩm như tủ, sập, kiệu, đồ thờ... có thể dễ dàng nhận ra dấu ấn tài hoa của thợ mộc Đạt Tài. Cho đến nay, những ngôi nhà gỗ tinh xảo, những kiến trúc làm đình, chùa... nổi tiếng ở trong tỉnh hầu hết đều có dấu tay của những người thợ Đạt Tài.

Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà Nguyễn Văn Khang cho biết: Xã hiện có 178 hộ làm nghề mộc. Trong đó, làng Đạt Tài 1 và Đạt Tài 2 có 12 hộ. Doanh thu từ nghề mộc mang lại trong năm 2021 ước đạt trên 70 tỷ đồng, đóng góp lớn vào tổng giá trị sản xuất của địa phương. Đặc biệt, với việc đẩy mạnh và mở rộng sản xuất, các cơ sở đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, người dân vừa có thêm thu nhập, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình và tham gia vào các hoạt động phong trào của làng, xã.

Có thể nói, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ngày càng có sự phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn. Cùng với đó, làng nghề truyền thống còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là câu chuyện về tinh thần đoàn kết, lao động, sáng tạo mà bao đời nay ông cha ta đã trao truyền qua nhiều thế hệ.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]