(Baothanhhoa.vn) - Nguyên nhân của cơn lũ kinh hoàng đã được làm rõ, là do 74 hộ của bản phân bổ dọc suối Son, khi lượng nước lớn đổ về, cây cối, đất đá gây tắc nghẽn dòng suối tạo thành đập tạm chứa nước. Khi bọng nước lớn của đập tạm bị phá vỡ, tạo thành cơn lũ quét kinh hoàng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Khoảng trống” trong phòng tránh lũ quét, sạt lở đất – nhìn từ xã Na Mèo

“Khoảng trống” trong phòng tránh lũ quét, sạt lở đất – nhìn từ xã Na Mèo

Sau đợt lũ quét gây thiệt hại nặng nề cho bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn), nhiều “khoảng trống” trong phòng tránh lũ quét, sạt lở đất đã lộ rõ. Ảnh: Lê Đồng

Nguyên nhân của cơn lũ kinh hoàng đã được làm rõ, là do 74 hộ của bản phân bổ dọc suối Son, khi lượng nước lớn đổ về, cây cối, đất đá gây tắc nghẽn dòng suối tạo thành đập tạm chứa nước. Khi bọng nước lớn của đập tạm bị phá vỡ, tạo thành cơn lũ quét kinh hoàng.

Cơn lũ quét qua bản Sa Ná của xã vùng biên Na Mèo (Quan Sơn) khiến 10 người chết và mất tích, đã gây bàng hàng cho người dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, 4 người khác bị thương, 39 ngôi nhà đổ sập và cuốn trôi, 39 ha ruộng bị vùi lấp, nhiều gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi... là những thiệt hại khiến bản Sa Ná hoang tàn, xác xơ. Trên địa bàn xã Na Mèo, còn nhiều bản khác cũng chịu thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản, như: Ché Lầu, Son, Bo Hiềng, Cha Khót, Na Poọng...

Gần 1 tháng trận lũ quét đi qua, chính quyền xã Na Mèo, huyện Quan Sơn cùng các sở, ngành có liên quan của tỉnh và Trung ương cũng đã có những khảo sát, tìm ra nguyên nhân; đồng thời, nhìn nhận lại những “khoảng trống” trong công tác phòng tránh thiệt hại của tình trạng lũ quét, sạt lở đất. Nguyên nhân của cơn lũ kinh hoàng đã được làm rõ, là do 74 hộ của bản phân bổ dọc suối Son, khi lượng nước lớn đổ về, cây cối, đất đá gây tắc nghẽn dòng suối tạo thành đập tạm chứa nước. Khi bọng nước lớn của đập tạm bị phá vỡ, tạo thành cơn lũ quét kinh hoàng. Hiện tượng tương tự đã từng xảy ra tại bản Hắc, xã Trí Nang (Lang Chánh) cách đây chỉ 1 năm khiến 4 người chết. Tuy nhiên vẫn chưa có giải pháp phòng, tránh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một dòng suối đang chảy mạnh, bỗng lượng nước giảm bất thường, thậm chí không còn nước, chứng tỏ đang bị đất đá chặn phía thượng nguồn dễ thành đập tạm, khi đó người dân phải di chuyển ngay lên những ngọn đồi hay những nơi an toàn. Kiến thức này, người dân Sa Ná không biết, nên sau đợt lũ nhỏ thứ nhất (trước thảm họa khoảng 1 giờ), người dân đã được sơ tán, nhưng thấy dòng suối Son bỗng cạn bất thường, người dân lại trở về nhà. Điều này chứng tỏ công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức cho người dân của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan còn hạn chế.

Trong các ngày trước khi có đợt mưa lũ xảy ra, các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn từ trung ương đến địa phương đều báo khu vực Thanh Hóa có mưa lớn, nhưng không có bản tin nào dự báo cụ thể tại huyện Quan Sơn. Thực tế, trong khoảng từ 3 đến 7 giờ sáng ngày 3–8, khu vực xã Na Mèo có mưa lớn đột biến với lượng mưa gần 100 mm chỉ trong vài giờ. Đây là những yếu kém trong công tác dự báo thời tiết của cả nước hiện nay nói chung, chưa thể dự báo được lượng mưa trong thời đoạn ngắn, cường suất cao. Mặt khác, việc chưa dự báo được khả năng lũ thượng nguồn từ Lào tác động về, khiến công tác phòng tránh lũ quét trở nên bị động.

Trên thực tế, bản Sa Ná cũng như nhiều bản khác ở khu vực miền núi của tỉnh nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở, nhưng chưa được lắp đặt trạm đo mưa và thiết bị cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Nếu được khơi thông dòng chảy ngay khi hình thành đập tạm, trận lũ quét đã không xảy ra. Tại Sa Ná không làm được điều này bởi không có phương tiện (chẳng hạn máy xúc) tại chỗ, cũng không ai biết để chỉ đạo triển khai khơi thông.

Ngay sau thảm họa lũ quét ở Sa Ná, một người mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng nước tới hơn nửa ngày, nhưng các lực lượng chức năng không thể ứng cứu kịp thời. Nguyên nhân là thiếu thiết bị tiếp cận, không có phương án phù hợp. Một khẩu súng bắn dây chưa quá 10 triệu đồng – được coi là giải pháp hữu hiệu lúc đó, nhưng không thể có vì cả huyện lẫn các ngành liên quan không hề được trang bị từ trước. Cũng sau đợt mưa lũ này, nhiều bản làng của xã Na Mèo bị mất liên lạc và cô lập nhiều ngày bởi hạ tầng viễn thông và các con đường vào bản bị hư hại. 2 ngày sau, một đoàn công tác liên ngành của huyện và các lực lượng đã cắt rừng vào được Sa Ná, nhưng lại không thể có thông tin ra ngoài để phối hợp. Lúc này, lãnh đạo huyện Quan Sơn cũng như các lực lượng có mặt mới nghĩ đến chiếc điện thoại bắt sóng từ vệ tinh có giá vài chục triệu đồng, nhưng đã muộn.

Ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho rằng: Tác động của biến đổi khí hậu khiến tình hình lũ lụt ngày càng khó lường. Na Mèo là xã vùng biên, có địa hình dốc và hẹp nên nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất càng lớn. Với thảm họa lũ quét ở Sa Ná, còn một nguyên nhân nữa là rừng đầu nguồn bên nước bạn Lào bị chặt phá nhiều. “Qua đợt lũ quét hồi đầu tháng 8 vừa qua, xã Na Mèo nhận thấy, cần phải tăng cường nhận thức của cả chính quyền và người dân trong công tác phòng chống thiên tai; đồng thời, phải nâng cao năng lực điều hành, khả năng dự báo thiên tai” – ông Tiệu cho biết thêm.

Mặt khác, lực lượng xung kích tại chỗ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, cần có tập huấn thuần thục để đối phó với các tình huống. Đối với các xã, huyện giáp biên giới, cần có sự thông tin, cảnh báo chia sẻ thông tin cảnh báo xuyên biên giới. Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu nhất vẫn là bố trí tái định cư cho đồng bào trong vùng nguy hiểm ở xã Na Mèo nói riêng, các huyện miền núi của tỉnh nói chung.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]