(Baothanhhoa.vn) - Xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là bước đi mới trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã tập trung nguồn lực, động viên chủ thể, hộ kinh doanh, HTX ở các địa phương chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thiệu Hóa phát triển các sản phẩm OCOP

Xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là bước đi mới trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã tập trung nguồn lực, động viên chủ thể, hộ kinh doanh, HTX ở các địa phương chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện Thiệu Hóa phát triển các sản phẩm OCOP

Sản xuất dưa vàng trong nhà lưới tại thị trấn Thiệu Hóa.

Dưa vàng Vạn Hà là một trong những sản phẩm của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa, đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021. Để có những sản phẩm chất lượng cao, bên cạnh sự nỗ lực, sáng tạo của các thành viên HTX còn có sự phối hợp với Công ty CP Mía đường Lam Sơn trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đưa chúng tôi đi thăm mô hình sản xuất dưa vàng của thành viên HTX, ông Nguyễn Văn Dương, giám đốc HTX, cho biết: Hiện nay, thị trấn Thiệu Hóa có 21 hộ sản xuất dưa vàng, với diện tích hơn 4 ha. Để có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn, các hộ dân phải thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu tạo bầu, chọn giống, gieo trồng, theo dõi quá trình sinh trưởng cho đến khâu thu hoạch. Theo đó, hạt giống sau khi ủ trong 10 - 12 giờ sẽ được gieo trồng vào bầu giá thể gồm sơ dừa, đất phù sa, phân bón hữu cơ và chế phẩm AT+Ketomium. Khi cây có 1 đến 2 lá thì đem bầu đi trồng và tiến hành chăm sóc theo từng thời kỳ sinh trưởng trong nhà màng bằng hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động hiện đại của Israel; sử dụng nước sạch, phân bón hữu cơ sinh học, kiểm soát nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và các hóa chất khác. Dưa vàng Vạn Hà có hương vị ngọt dịu, thơm mát, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần so với sản xuất truyền thống trước kia; đồng thời, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn với giá cả hợp lý. Cũng theo ông Dương, phấn đấu đến năm 2025, HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất dưa vàng lên 10 ha. Hiện nay, bên cạnh nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm dưa vàng, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng cũng đang sản xuất sản phẩm dưa chuột baby Vạn Hà để phát triển thành sản phẩm OCOP trong năm 2022.

Được biết, trong năm 2021, huyện Thiệu Hóa có 3 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa 4 sao, đó là sản phẩm trống đồng Toàn Linh, trống đồng Quý Châu và dưa vàng Vạn Hà. Bên cạnh đó, qua khảo sát, huyện xác định được 26 sản phẩm có thế mạnh, thuộc 4 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thực phẩm có 20 sản phẩm; nhóm thảo dược có 1 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 3 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 2 sản phẩm. Một số sản phẩm đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, thuận lợi cho việc phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và tạo thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn trong thời gian tới, như: rau an toàn thị trấn Thiệu Hóa, bánh đa, bánh đa nem Tân Châu; mây giang xiên xã Thiệu Long...

Năm 2022, huyện Thiệu Hóa phấn đấu có thêm 14 sản phẩm OCOP; trong đó, 2 sản phẩm trống đồng Toàn Linh và Qúy Châu được thăng hạng đạt OCOP 5 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao; 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, như: dưa chuột baby, cơm cháy, tinh dầu bạch đàn, tương, bánh đa, nem chua... Vì vậy, huyện Thiệu Hóa sẽ tích cực tuyên truyền và khuyến khích các xã, các đơn vị, cơ sở sản xuất xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm bảo đảm các tiêu chí, cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương; chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, như: Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất và chế biến sản phẩm chủ lực, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... Bên cạnh đó, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tem, nhãn mác sản phẩm, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức về Chương trình OCOP cho cán bộ và các chủ thể đăng ký tham gia chương trình cũng như các chủ thể có sản phẩm tiềm năng. Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện kiểu dáng, bao bì sản phẩm,... bảo đảm thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Chú trọng xây dựng kênh phân phối, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP lâu dài, ổn định.

Bài và ảnh: Lê Ngọc


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]