(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa đã lồng ghép việc thực hiện Luật Thủy sản 2017 với một số nhiệm vụ cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhằm hướng đến phát triển nghề cá có trách nhiệm.

Hướng đến phát triển nghề cá có trách nhiệm

Thanh Hóa đã lồng ghép việc thực hiện Luật Thủy sản 2017 với một số nhiệm vụ cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhằm hướng đến phát triển nghề cá có trách nhiệm.

Hướng đến phát triển nghề cá có trách nhiệmTàu cá cập Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) bốc dỡ hải sản.

Nghiêm túc thực hiện Luật Thủy sản

Triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong việc quản lý tàu cá, hoạt động khai thác hải sản đã có nhiều tiến bộ, đang đi đúng hướng và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhận thức của ngư dân, các tổ chức, cá nhân về Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được nâng lên và đã có chuyển biến tích cực. Ban quản lý các cảng cá đã từng bước khắc phục các hạn chế được chỉ ra sau các đợt kiểm tra của Tổng cục Thủy sản. Chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân đã cơ bản chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho 1.125/1.166 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt tỷ lệ 96,5%. Toàn tỉnh cũng đã nhập dữ liệu 2.741 tàu cá vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase). Trong đó, 606 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m và 2.135 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên.

Để tổ chức trực theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá thông qua thiết bị VMS có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành quy trình xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản và các hành vi khác phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh. Phòng trực trạm bờ được đầu tư trang thiết bị văn phòng, thiết bị thông tin liên lạc, màn hình lớn phục vụ công tác giám sát hoạt động của tàu cá. Các lực lượng chức năng tích cực tuần tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển về chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là quy định về lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá trên 15m của ngư dân. Kiên quyết không cho các tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển khi không kích hoạt thiết bị VMS, không đảm bảo trang thiết bị, thủ tục giấy tờ theo quy định.

Từ năm 2018 đến tháng 2-2023, các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử lý 430 tàu cá vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa không có tàu cá trong danh sách vi phạm IUU của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và không xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Ngư dân Trần Phú Thắng, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) chia sẻ: “Những năm qua, ngư dân chúng tôi được bộ đội biên phòng và lực lượng kiểm ngư cùng chính quyền địa phương phổ biến Luật Thủy sản, quy định pháp luật về khai thác, đánh bắt xa bờ. Cùng với đó, chúng tôi đã nỗ lực đầu tư trang thiết bị cần thiết, nhất là VMS, giấy phép khai thác thủy sản. Đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài để đảm bảo an toàn trong khai thác, đánh bắt xa bờ”.

Đưa hoạt động nghề cá vào nền nếp

Hiện toàn tỉnh có 6.507 tàu cá, trong đó, hoạt động vùng bờ là 4.367 chiếc, vùng lộng là 974 chiếc, vùng khơi là 1.166 chiếc với 24.500 lao động trực tiếp hành nghề trên biển. Việc cụ thể hóa các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 là giải pháp quan trọng để hướng đến một nghề cá có trách nhiệm và bền vững. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số chủ tàu cá ở các địa phương ven biển của tỉnh vẫn giữ thói quen khai thác thủy sản trong ngư trường truyền thống dẫn đến dễ xảy ra tình trạng vi phạm vùng biển phía Đông đường phân định sau khi Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc hết hiệu lực. Nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa ghi hoặc ghi chưa đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản và thông báo trước 1 giờ cập, rời cảng với các ban quản lý cảng cá theo quy định. Tình trạng tàu cá trên 15m không vào cảng cá chỉ định để bốc dỡ sản phẩm, hàng hóa theo quy định và chưa duy trì kết nối thiết bị VMS khi hoạt động trên biển vẫn còn diễn ra ở các địa phương. Cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá còn chưa đồng bộ, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, luồng lạch vào cảng, khu neo đậu bị bồi lắng ...

Trước thực trạng trên, ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, cho biết: Sau khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019, chi cục đã triển khai thực hiện quyết liệt các quy định về khai thác thủy sản, không chỉ vì mục đích gỡ “thẻ vàng” mà còn hướng đến nghề cá có trách nhiệm. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục các quy định pháp luật cho ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, không vi phạm IUU. Nhất là việc vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài không chỉ gây thiệt đến tính mạng, tài sản của ngư dân mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của quốc gia trên trường quốc tế. Chi cục chỉ đạo các đơn vị có liên quan rà soát, thống kê đội tàu cá nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia theo quy định để đáp ứng yêu cầu việc tra cứu thông tin, quản lý tàu cá ra, vào cảng cá.

Cũng theo ông Sáng, hiện trên địa bàn tỉnh còn 41 tàu cá có chiều dài 15m trở lên chưa lắp thiết bị VMS theo quy định. Đơn vị đã rà soát nguyên nhân, vị trí neo đậu của từng tàu và phối hợp với các đồn biên phòng tuyến biển, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển quản lý chặt chẽ các tàu cá này, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi tham gia khai thác khi chưa lắp đặt thiết bị VMS. Đồng thời, rà soát các hộ ngư dân hành nghề có nguy cơ vi phạm, như: nghề lưới kéo, lồng xếp, bát quái, pha xúc, đáy, xăm... Cùng với đó chi cục phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức rà soát, xác minh tình trạng tàu cá, tập trung vào các tàu cá hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác thủy sản và các giải pháp chống khai thác IUU. Trước mắt, chi cục thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản tại vùng cửa sông, trên biển; xử lý nghiêm các tàu cá mất kết nối thiết bị VMS, tàu vượt ranh giới trên biển được phát hiện qua VMS, vi phạm về giấy phép khai thác thủy sản, tàu không ghi nộp nhật ký khai thác theo quy định... Về lâu dài, chi cục phối hợp với các địa phương từng bước cơ cấu về đội tàu, nghề và ngư cụ, ngư trường cho phù hợp để ngư dân khai thác hiệu quả.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]