(Baothanhhoa.vn) - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng vẫn có nhiều xã, thậm chí nhiều huyện chưa có sản phẩm nào được công nhận. Tuy nhiên, riêng xã miền núi Bình Sơn của huyện Triệu Sơn lại có tới 2 sản phẩm lâm nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP, 2 sản phẩm khác đã gửi hồ sơ chờ công nhận. Kết quả đó phải kể đến sự nỗ lực của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn trong việc phát triển những sản phẩm an toàn, có tính đặc thù... cùng sự nhạy bén trong phát triển thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn với hành trình đưa lâm sản địa phương vào OCOP

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng vẫn có nhiều xã, thậm chí nhiều huyện chưa có sản phẩm nào được công nhận. Tuy nhiên, riêng xã miền núi Bình Sơn của huyện Triệu Sơn lại có tới 2 sản phẩm lâm nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP, 2 sản phẩm khác đã gửi hồ sơ chờ công nhận. Kết quả đó phải kể đến sự nỗ lực của HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn trong việc phát triển những sản phẩm an toàn, có tính đặc thù... cùng sự nhạy bén trong phát triển thị trường.

HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn với hành trình đưa lâm sản địa phương vào OCOPÔng Lê Đình Tú, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn (người đầu tiên bên trái) hái chè cùng người dân địa phương.

Cách thị trấn huyện Triệu Sơn gần 30 km về phía Tây, xã Bình Sơn giáp 2 huyện miền núi là Thường Xuân và Như Thanh, có tiềm năng đất lâm nghiệp khá lớn. Nhiều người còn chưa biết, huyện đồng bằng Triệu Sơn lại có địa phương được công nhận xã 135 từ hàng chục năm qua với những dãy núi trùng điệp, những quả đồi bát úp chạy dài. Đó chính là tiềm năng để Nhân dân địa phương phát triển cây chè, các loại cây dược liệu và lâm sản. Từ những sản vật ấy, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã khá năng động trong việc liên kết với chủ đồi rừng thành những vùng sản xuất tập trung, theo hướng an toàn thực phẩm, đồng thời tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, sản phẩm chè búp nhãn hiệu “Chè Bình Sơn” và sản phẩm “Mật ong 4 mùa hoa rừng nguyên chất” được nuôi trên đồi chè và rừng địa phương đã được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Các loại sản phẩm này từng trưng bày ở nhiều triển lãm trong và ngoài tỉnh, có thị trường rộng mở. Giúp chúng tôi tìm hiểu quy trình sản xuất các sản phẩm, ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã dành nửa ngày dẫn chúng tôi “cuốc bộ” lên các ngọn đồi, vào nhà dân ghi nhận quy trình sản xuất. Trên các đồi chè, ông Giám đốc HTX đến từng vạt chè hái búp cùng người dân, trao đổi thêm quy trình chăm bón theo yêu cầu của HTX đã tập huấn. Chị Cao Thị Hoa, chủ đồi chè tại thôn Đông Tranh trong xã, chia sẻ: “Mọi quy trình sản xuất phải tuân theo khuyến cáo và hướng dẫn của HTX, ngay cả bón phân cũng phải lấy phân hữu cơ từ bã sắn do HTX cung ứng. Mọi khâu chăm sóc, chúng tôi phải tuân thủ để có sản phẩm an toàn, tạo uy tín, có đầu ra bền vững”.

Ông Tú cũng đồng hành cùng phóng viên đến tận các lò sao chè thủ công trong xã. Sau hơn 2 tiếng sao, vò, rồi sấy, những mẻ chè màu nâu ra lò sau những bộn bề tất bật của chủ nhà. Bên những lò lửa rực đỏ, những khâu sơ chế cầu kỳ, tỉ mỉ được bà con thực hiện càng cho thấy trong hạt chè Bình Sơn còn kết tinh những tinh hoa và kinh nghiệm sản xuất của đồng bào Kinh, Mường nơi đây. Nhấm nháp những ly nước chè vừa ra lò với màu xanh bắt mắt, chúng tôi cảm nhận rõ được vị đặc trưng đậm đà, có hậu.

Thông tin từ UBND xã Bình Sơn, tổng diện tích tự nhiên của xã hơn 1.800 ha, trong đó đất lâm nghiệp có khoảng 800 ha. Hiện nay, Nhân dân trong xã phát triển hơn 300 ha chè, còn lại là trồng keo và các loại cây lâm nghiệp khác. Hiện nay, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã liên kết với 30 hộ trồng chè trong xã để hình thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 30 ha. Chè bảo đảm các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, đã được các cơ quan liên quan chứng nhận. Sản phẩm chè được HTX thu gom, sàng lọc chè vụn, bỏ phần cọng lẫn vào, sau đó đóng gói hút chân không, có lô-gô, nhãn hiệu đăng ký theo tiêu chí OCOP.

Theo nhiều người trồng chè địa phương, những năm trước đây, công nghệ sao chè còn kém, chăm sóc và thu hái không tuân theo quy trình kỹ thuật nào nên chè Bình Sơn chưa được nhiều người biết đến. Chè còn được bán theo bao tải, không nhãn hiệu với giá trị kinh tế thấp. Khoảng 5 năm qua, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã du nhập nhiều kỹ thuật mới để truyền đạt cho bà con, phát triển thị trường và dần tạo được vị thế cho cây chè địa phương. Theo ông Tú, “Ít năm gần đây, HTX chúng tôi đưa ra thị trường khoảng 45 tấn chè khô/năm. Từ khi trở thành sản phẩm OCOP, lượng tiêu thụ chè Bình Sơn ngày càng nhiều, giá chè cao hơn. Chúng tôi đã có hướng liên kết thêm với các hộ để tăng diện tích vùng sản xuất chè sạch nhằm tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường”.

Với sản phẩm “Mật ong 4 mùa hoa rừng nguyên chất” ở Bình Sơn, hiện có gần 400 hộ tham gia nuôi ong cho HTX. Để tạo sự khác biệt về chất lượng, mật ở đây phải trên dưới 1 tháng mới được quay 1 lần để đủ thời gian lên men tự nhiên của phấn hoa, bảo đảm độ đặc và màu cánh gián. Do đặc thù có hoa chè quanh năm, lại nằm giữa 2 khu rừng của Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sim (Triệu Sơn và Như Thanh) và Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Sông Đằn (Thường Xuân) nên ong mật ở đây có nguồn hoa bát ngát 4 mùa. Điều đó đã tạo nên đặc trưng khác biệt của loại mật ong có vị ngọt thanh và mùi thơm riêng. Mật sau khi được thu gom, còn được đưa vào máy lọc để tách thành phần nước, tạo sự cô đặc, sau mới đóng chai, dán nhãn. Năm 2018 vừa qua, HTX đã xuất bán 10 tấn mật, thu về 1,8 tỷ đồng. Năm nay, tại thời điểm tháng 10 này, mặt hàng mật ong này đã “cháy hàng”, cho dù bán trên thị trường có giá cao hơn mật ong nhiều nơi khác.

Sau khi đưa thành công 2 sản phẩm địa phương thành sản phẩm OCOP, những tháng gần đây, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã trình hồ sơ, triển khai các khâu thủ tục đến các sở, ngành và đơn vị liên quan của tỉnh để được công nhận thêm 2 sản phẩm OCOP tiếp theo là trà xanh túi lọc và trà cà gai leo đồi rừng. Đây là 2 sản phẩm được HTX sản xuất thành công từ năm 2019 theo dạng túi trà. Nói thêm về sản phẩm trà cà gai leo của mình, ông Tú “khoe”: Cà gai leo là cây dại vô cùng nhiều trên núi đồi Bình Sơn, càng có tiềm năng lớn khi được khoanh nuôi, bảo vệ. Sản phẩm của chúng tôi phần lớn là tự nhiên, chúng tôi lấy cả phần rễ nên dược tính sẽ cao hơn. Qua quá trình sản xuất, sau khi được sấy khô, HTX còn sàng lọc bỏ phần lá rồi mới đem nghiền. Nhiều nơi khác lấy cả phần lá, vừa ít chất mà lại có lông nên khi pha nhiều cặn, uống có vị ngái và khé cổ.

“Qua giới thiệu 2 sản phẩm mới này, các ngành, đơn vị liên quan đã đánh giá cao, các khâu hồ sơ cũng đang được duyệt. Nhiều khả năng, trong đợt cuối năm 2020 này, 2 sản phẩm nói trên sẽ được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Khi ấy, các sản phẩm sẽ được nâng tầm, phát triển được thị trường, nâng cao giá trị kinh tế” - ông Tú kỳ vọng.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]