Góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” khu vực nông thôn
Để thu hút thành viên, góp phần gắn kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông thôn, phần lớn các quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ; hoạt động đúng mục tiêu, tôn chỉ. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động của các QTDND ngày một hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, giữ ổn định an ninh trật tự khu vực nông thôn.
Người dân đến vay vốn tại QTDND Ngư Lộc (Hậu Lộc).
QTDND Ngư Lộc (Hậu Lộc) là đơn vị có bề dày trong hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh, quỹ có quy mô hoạt động đứng đầu của hệ thống QTDND. Đến nay, QTDND Ngư Lộc có 4.980 thành viên hoạt động trên địa bàn 6 xã: Ngư Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Hoa Lộc, Phú Lộc. Chủ tịch Hội đồng Quản trị QTDND Ngư Lộc Nguyễn Văn Ngữ cho biết: Trong suốt quá trình hoạt động, quỹ luôn lấy sự phát triển của thành viên làm gốc, luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục vay, đồng thời có chính sách ưu đãi về lãi suất tiền gửi và vay vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho người dân mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề. Tính đến tháng 3/2024, tổng nguồn vốn hoạt động của quỹ đạt gần 444 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt gần 261 tỷ đồng. Trong quá trình vay vốn, các thành viên luôn có ý thức sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ lãi và gốc đúng kỳ hạn. Nguồn vốn của quỹ đã hỗ trợ cho các hộ thành viên đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng các ngành nghề dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế địa phương và đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi.
Đến thăm cơ sở sản xuất chế biến hải sản của gia đình ông Phạm Văn Long ở thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc, được biết từ hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, nhờ vay vốn từ QTDND Ngư Lộc gia đình ông đã mở rộng sản xuất. Ông Long chia sẻ: Trước đây, do vốn ít nên gia đình chỉ kinh doanh hải sản phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Nhờ được QTDND Ngư Lộc cho vay vốn mua sắm thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất với hai ô tô lạnh, hai kho lạnh trữ đông hải sản. Đến nay, mỗi năm cơ sở của gia đình tôi thu mua hàng trăm tấn hải sản xuất bán đi nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và hàng chục lao động thời vụ khác.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 67 QTDND được cấp phép hoạt động trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố, bình quân mỗi quỹ có 1.828 thành viên. Tính đến đầu tháng 4/2024, tổng nguồn vốn hoạt động của các quỹ đạt gần 8.700 tỷ đồng; trong đó, vốn điều lệ là 387,9 tỷ đồng, vốn huy động tiền gửi đạt 7.695,2 tỷ đồng... Tổng dư nợ đạt gần 6.300 tỷ đồng, bình quân mỗi quỹ dư nợ tín dụng đạt 97,88 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng của các quỹ cơ bản bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn cho phép, chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay. Qua thực tế hoạt động của các QTDND tại các địa phương đã chứng minh đây là mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, được đông đảo Nhân dân ủng hộ, góp phần giảm nghèo, đặc biệt là giúp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Hoạt động của các QTDND đã đáp ứng được mục tiêu cơ bản là tương trợ thành viên, phát triển cộng đồng, đồng thời bù đắp được chi phí, bảo toàn được vốn và có tích lũy để phát triển. Nhờ đó, quyền lợi của thành viên được bảo đảm, các QTDND có điều kiện tích lũy để mở rộng, phát triển bền vững.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn QTDND, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn có QTDND phối hợp cùng NHNN Thanh Hóa triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 06 ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND; Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục chỉ đạo các QTDND triển khai các giải pháp tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ, chất lượng và hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng đi kèm với tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng.
Đồng thời, tăng cường tính liên kết và tương trợ giữa các thành viên để thực hiện đúng mục tiêu tôn chỉ trong hoạt động của QTDND. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các QTDND trên địa bàn nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của các QTDND, giúp các quỹ hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng mục tiêu, tôn chỉ và phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Minh Hà
- 2024-11-09 08:10:00
Bản tin Tài chính 9/11: Vừa tăng trở lại, vàng thế giới “quay xe” giảm
- 2024-11-09 07:38:00
Bộ Tài chính nêu lý do bỏ miễn thuế với hàng nhập dưới 1 triệu qua sàn TMĐT
- 2024-04-07 14:20:00
Nga Sơn gắn sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường
Đau đáu hồi sinh làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN: Xây dựng các sản phẩm lợi thế ở các huyện vùng cao biên giới
Thu tiền tỷ từ nuôi tôm công nghệ cao ven sông Lạch Trường
Khởi công dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Thọ Nguyên
Bản tin tài chính 6/4/2024: SJC vọt tăng lên đỉnh cao 82,2 triệu đồng
Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024
Nga Sơn tổ chức thả tôm, cua giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao
Chủ động ngăn chặn nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng