(Baothanhhoa.vn) - Sau 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được hệ thống sản phẩm có chất lượng được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Đồng thời, xây dựng được hàng trăm chuỗi sản xuất hiệu quả ở khu vực nông thôn. Mặc dù, những sản phẩm OCOP “đầu lòng” của tỉnh đã trải qua hành trình 36 tháng sau khi được công nhận nhưng việc đánh giá, xếp hạng lại, nâng sao cho các sản phẩm chưa thực sự thuận lợi, còn bộc lộ nhiều khó khăn.

Đánh giá, xếp hạng, công nhận lại sản phẩm OCOP - cần sự chủ động của chủ thể

Sau 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được hệ thống sản phẩm có chất lượng được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Đồng thời, xây dựng được hàng trăm chuỗi sản xuất hiệu quả ở khu vực nông thôn. Mặc dù, những sản phẩm OCOP “đầu lòng” của tỉnh đã trải qua hành trình 36 tháng sau khi được công nhận nhưng việc đánh giá, xếp hạng lại, nâng sao cho các sản phẩm chưa thực sự thuận lợi, còn bộc lộ nhiều khó khăn.

Đánh giá, xếp hạng, công nhận lại sản phẩm OCOP - cần sự chủ động của chủ thểCông ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Hoằng Hóa) đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP: nước mắm, mắm tôm, mắm tép Lê Gia.

Huyện Hoằng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng xây dựng các sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có 20 sản phẩm nông nghiệp được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đánh giá, xếp hạng 17 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia. Năm 2022, huyện có 3 sản phẩm phải đánh giá lại, gồm: nước mắm, mắm tôm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (xã Hoằng Phụ). Tuy nhiên, sản phẩm mắm tôm đã được công nhận sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, do đó bên cạnh việc xây dựng kế hoạch phát triển mới sản phẩm OCOP, huyện cũng xây dựng thông báo, gặp gỡ và hướng dẫn chủ thể tham gia đánh giá lại sản phẩm OCOP đối với 2 sản phẩm nước mắm và mắm tép.

Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, cho biết: “Chứng nhận sao OCOP không chỉ là danh hiệu công nhận cho chất lượng sản phẩm mà còn là tấm vé thông hành để các sản phẩm của chúng tôi có mặt tại nhiều hệ thống tiêu dùng thông minh, những siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu tới một số thị trường quốc tế theo đường chính ngạch. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của chứng nhận sao OCOP đối với các sản phẩm nên khi đến hạn 36 tháng, công ty đã chủ động liên hệ với huyện, đơn vị quản lý Chương trình OCOP của tỉnh để đăng ký, đánh giá, xếp hạng lại cho 2 sản phẩm được công nhận 4 sao cấp tỉnh theo Quyết định số 5445/QĐ-UBND ngày 23-12-2019 của UBND tỉnh”. Được biết, sau hơn 3 năm được công nhận, các sản phẩm nước mắm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã phát triển về quy mô sản xuất, sức tiêu thụ và doanh thu. Công ty đã chú trọng đầu tư về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất, phát triển website..., xây dựng thành những sản phẩm có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Tại hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, đợt 1 năm 2023, 2 sản phẩm của công ty đã được hội đồng thống nhất tiếp tục đạt chất lượng 4 sao.

Theo Quyết định số 5445/QĐ-UBND ngày 23-12-2019 của UBND tỉnh, 13 sản phẩm OCOP đầu tiên của Thanh Hóa được công nhận và có giá trị chứng nhận sao OCOP trong thời gian 3 năm từ ngày quyết định. Như vậy, tính đến cuối năm 2022, các sản phẩm nói trên đã đủ thời gian 36 tháng. Tuy nhiên, sản phẩm mắm tôm của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia được công nhận 5 sao quốc gia nên 12 sản phẩm còn lại của tỉnh bắt buộc phải tham gia đánh giá, công nhận lại nếu muốn duy trì chứng nhận OCOP trên thị trường. Tại hội nghị đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đợt 1 năm 2023, chỉ có 9/12 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP, còn 3 sản phẩm là dưa chuột Baby, dưa lưới Taki (sản phẩm 4 sao) của huyện Quảng Xương và rượu Chi Nê (sản phẩm 3 sao) của huyện Hậu Lộc không tham gia đánh giá xếp hạng lại.

Trao đổi với ông Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, huyện Quảng Xương - chủ thể xây dựng 2 sản phẩm OCOP dưa chuột Baby, dưa lưới Taki, được biết: Hiện nay, 2 sản phẩm vẫn được duy trì, phát triển sản xuất và có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Mặc dù công ty đã được địa phương và đơn vị quản lý Chương trình OCOP thông báo, song vì nhiều lý do nên công ty không tham gia đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển những sản phẩm mới.

Cùng là chủ thể có sản phẩm OCOP thuộc diện phải đánh giá, xếp hạng lại, ông Lê Hữu Lâm (Thọ Xuân) - chủ thể của sản phẩm OCOP bánh gai Lâm Thắm lại có suy nghĩ trái ngược hoàn toàn. Theo ông: “Mặc dù là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, còn khó khăn về vốn, điều kiện mở rộng quy mô, dây chuyền sản xuất để đủ điều kiện nâng sao. Song nhận thấy vai trò, ý nghĩa to lớn của danh hiệu OCOP nên khi đến hạn đánh giá, xếp hạng lại, chúng tôi đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan thẩm quyền xét, công nhận lại sao cho sản phẩm để việc lưu thông, tiêu thụ trên thị trường thuận lợi hơn. Thông qua việc đánh giá, xếp hạng lại, uy tín, chất lượng của sản phẩm được khẳng định, tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm”.

Tại hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đợt 1 năm 2023, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã nhấn mạnh, việc đánh giá, xếp hạng lại là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP cấp tỉnh khi đến hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận. Do đó, các chủ thể sản xuất cần chủ động, tích cực lập hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm theo thời gian quy định. Trong trường hợp chủ thể không tham gia đánh giá, xếp hạng lại cho sản phẩm, các cơ quan chuyên môn sẽ lập hồ sơ, hủy bỏ danh hiệu OCOP và xử lý nếu có hành vi lợi dụng danh hiệu OCOP để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Được biết, đến tháng 3-2023, tỉnh Thanh Hóa đã có 7 sản phẩm OCOP được hội đồng thông qua và quyết định xếp hạng lại, góp phần duy trì bền vững các chuỗi tiêu thụ sản phẩm OCOP trên thị trường. Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Theo quy định, chậm nhất 30 ngày trước khi hết thời hạn 36 tháng, văn phòng sẽ có văn bản thông báo tới các chủ thể OCOP về thời hạn của giấy chứng nhận. Các chủ thể nếu có nhu cầu đánh giá, xếp hạng lại cho sản phẩm thì chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận lại theo hướng dẫn và thông qua các hoạt động rà soát, kiểm tra, thẩm định nếu đủ điều kiện sẽ được Hội đồng cấp tỉnh thông qua, công nhận lại sao OCOP. Như vậy, để duy trì danh hiệu OCOP thì các chủ thể cần chủ động, liên hệ và làm các thủ tục hồ sơ theo đúng quy trình. Đồng thời, hết hạn 36 tháng, chủ thể không tham gia đánh giá, xếp hạng lại thì sao OCOP và tem nhãn có gắn sao OCOP sẽ không còn hiệu lực; nếu lưu hành, tiêu thụ trên thị trường sẽ vi phạm các quy định về bảo hộ nhãn hiệu sở hữu.

Khuyến khích chủ thể chủ động đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP khi đến hạn

Đánh giá, xếp hạng, công nhận lại sản phẩm OCOP - cần sự chủ động của chủ thể

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 317 sản phẩm OCOP. Theo quy định của chương trình, thời hạn công nhận sản phẩm OCOP là 36 tháng, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền ký quyết định công nhận. Riêng năm 2023, Thanh Hóa có 56 sản phẩm trong kế hoạch phải đánh giá, xếp hạng lại. Do đó, chậm nhất 30 ngày trước ngày hết thời hạn 36 tháng, các chủ thể OCOP hoàn thiện báo cáo rà soát, cập nhật những nội dung mới, đánh giá về kết quả sau 3 năm được công nhận OCOP: về nguyên liệu, thị trường, công bố chất lượng... gửi về UBND cấp xã, UBND cấp huyện để đề nghị đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm. Các chủ thể cần chủ động, tích cực cân đối nguồn lực, tiếp tục đăng ký đánh giá lại đối với các sản phẩm sắp đến hạn 36 tháng để duy trì và khẳng định thương hiệu, góp phần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm OCOP chất lượng, có trách nhiệm, hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, UBND cấp xã, UBND cấp huyện cũng cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP và có trách nhiệm đối với việc đề nghị đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP khi đến hạn.

Phan Xuân Hùng

Tổ trưởng Tổ Quản lý Chương trình OCOP,

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh

Nâng cao nhận thức của chủ thể về đăng ký đánh giá xếp hạng lại sản phẩm OCOP

Đánh giá, xếp hạng, công nhận lại sản phẩm OCOP - cần sự chủ động của chủ thể

Trong năm 2023, huyện Thường Xuân có 2 sản phẩm OCOP là ống hút tre của Công ty TNHH ViBaBo đạt 4 sao và tinh dầu quế của Công ty TNHH MTV Quế Thường Xuân đạt 3 sao, đều thuộc đối tượng tham gia đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP. Sau khi được chứng nhận OCOP, các sản phẩm đều mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại, đổi mới bao bì nhãn mác, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Doanh thu các sản phẩm đều tăng từ 2-3 lần so với trước khi tham gia chương trình. Để tiếp tục duy trì, phát huy và khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện sẽ tiến hành rà soát, theo dõi về thời hạn quy định để thông báo cho các chủ thể về hiệu lực OCOP. Cùng với đó, đơn vị phụ trách chương trình sẽ quan tâm hướng dẫn cho chủ thể về thủ tục đăng ký đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP khi đến hạn. Về lâu dài, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn có sản phẩm OCOP tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị của chứng nhận OCOP trong việc tiêu thụ và nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Cùng với việc phát triển thêm sản phẩm OCOP mới, nên duy trì chất lượng, danh hiệu sao OCOP hướng tới nâng sao, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Lê Hoàng Cường

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển

nông thôn huyện Thường Xuân

Quan tâm hỗ trợ chủ thể về hồ sơ, thủ tục đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP

Đánh giá, xếp hạng, công nhận lại sản phẩm OCOP - cần sự chủ động của chủ thể

Hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình đánh giá gặp khó khăn. Song, quy trình, thủ tục, hồ sơ để tham gia đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm tương đối nhiều, việc đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP gặp khó do tiêu chuẩn đánh giá giai đoạn mới khắt khe hơn giai đoạn trước, kinh phí đánh giá và hoàn thiện sản phẩm lớn khiến nhiều chủ thể của sản phẩm không mặn mà. Trong khi đó, đối với hoạt động đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm chưa có bất cứ quy định hỗ trợ nào. Do đó, để trợ lực, khuyến khích các chủ thể đăng ký lại góp phần duy trì, khẳng định giá trị bền vững của sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đối với việc đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP khi đến hạn 36 tháng.

Lê Đình Tú

Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn)

Mong muốn các chủ thể, địa phương và đơn vị quản lý chú trọng duy trì, nâng sao sản phẩm

Đánh giá, xếp hạng, công nhận lại sản phẩm OCOP - cần sự chủ động của chủ thể

Là đơn vị giới thiệu, cung cấp sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đến với người tiêu dùng, chúng tôi nhận thấy, nhu cầu của người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm OCOP ngày càng cao. Hàng hóa được chứng nhận OCOP đã trở thành quà tặng, sản phẩm tiêu dùng thân thuộc của Nhân dân. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá ở các năm 2019, 2020 đã và chuẩn bị hết thời hạn 36 tháng hiệu lực. Nếu không chú trọng tới xếp hạng, công nhận lại sẽ làm gián đoạn nhu cầu sử dụng của thị trường. Do đó, các chủ thể, địa phương và cơ quan quản lý chương trình nên chú trọng tới việc đánh giá, xếp hạng, công nhận lại các sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn, sử dụng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, việc đánh giá, xếp hạng và công nhận lại sản phẩm OCOP còn là sự khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm không chỉ trong thời hạn có giá trị theo quy định mà còn ở những giai đoạn dài hơn. Việc duy trì sao và nâng sao chính là “vé thông hành” để sản phẩm lưu thông trên thị trường, bảo đảm các yêu cầu về quản lý chất lượng, quản lý nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu hàng hóa...

Nguyễn Thị Vân

Giám đốc HTX sản xuất và thương mại Vinaco,

phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa)

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]