(Baothanhhoa.vn) - Nhằm bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trong những đợt nắng nóng kéo dài, người chăn nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp chống nắng nóng, tránh gây thiệt hại về kinh tế và các nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Bảo đảm an toàn cho vật nuôi mùa nắng nóng

Nhằm bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trong những đợt nắng nóng kéo dài, người chăn nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp chống nắng nóng, tránh gây thiệt hại về kinh tế và các nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Bảo đảm an toàn cho vật nuôi mùa nắng nóngTrang trại chăn nuôi gà tại xã Luận Thành (Thường Xuân).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 92 nghìn hộ chăn nuôi lợn, hơn 503 nghìn hộ chăn nuôi gia cầm, gần 129 nghìn hộ chăn nuôi trâu, bò và hơn 3.200 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Những đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ dao động từ 36 đến 40 độ C sẽ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là đối với những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, do đa số các hộ chưa chú trọng đầu tư máy móc, hệ thống làm mát, các biện pháp bảo vệ môi trường chăn nuôi, bổ sung chất dinh dưỡng.

Theo ông Trịnh Văn Trường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thường Xuân: Để phát triển chăn nuôi bền vững, ngay từ đầu mùa nắng nóng, các xã, thị trấn trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách bảo vệ đàn vật nuôi trong những đợt nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật chăn nuôi và kiểm tra, hướng dẫn các chủ hộ chăn nuôi tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Xây dựng chuồng trại kiên cố, có mái che để vật nuôi không bị nhiễm lạnh khi trời mưa đột xuất về đêm; thường xuyên khơi thông cống rãnh, tránh để chất thải ứ đọng phát sinh mầm bệnh và sử dụng các chế phẩm khử mùi hôi trong chuồng. Để vật nuôi có sức đề kháng trong thời tiết nắng nóng, người dân cần tăng cường lượng thức ăn xanh cho trâu bò như rau, cỏ tươi... bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất... Ngoài ra, vào những ngày nắng nóng kéo dài nên nhốt trâu, bò và cho ăn tại chuồng, chỉ chăn thả ngoài trời vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; cung cấp đủ nước sạch để uống và tắm 1 đến 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể con nuôi. Đối với gia cầm cần giảm mật độ nuôi; bảo đảm chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, phủ các loại vật liệu hoặc phun nước lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh...

Theo hướng dẫn của các cán bộ thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hà Trung, các hộ chăn nuôi bò ở xã Hà Tiến đã chủ động thực hiện các giải pháp chống nắng nóng cho đàn bò ngay khi chuyển mùa. Việc thực hiện phun mưa làm giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi và làm mát cho cơ thể bò 2 lần/ngày do đặc tính sinh lý của bò là chịu nắng, nóng kém; bên cạnh đó, thường xuyên phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và sử dụng bạt che chắn, cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung thêm vitamin C, điện giải, phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi.

Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, những ngày nắng nóng, vật nuôi thường có biến đổi trong quá trình hấp thu, trao đổi chất, việc ăn uống có nhiều thay đổi theo chiều hướng không tốt. Vì vậy, các hộ chăn nuôi cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và bổ sung các loại khoáng, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, cần giãn mật độ nuôi nhốt đối với gia súc, gia cầm để tạo sự thông thoáng trong chuồng nuôi. Bên cạnh đó, người dân lưu ý vệ sinh môi trường trong và xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả, che chắn chuồng trại, tránh cho gia súc, gia cầm bị nhiễm lạnh khi có những cơn giông, lốc và những trận mưa lớn đột ngột. Đối với những trang trại chăn nuôi tập trung với số lượng lớn thì nên đầu tư hệ thống giàn phun nước tự động, quạt thông gió để làm mát chuồng nuôi; bổ sung các máng uống nước trong mùa hè, có chế độ ăn hợp lý. Đồng thời, thực hiện quét dọn, thu gom chất thải chăn nuôi hàng ngày và có biện pháp xử lý phù hợp, như sử dụng hầm biogas, ủ phân hữu cơ vi sinh bằng các chế phẩm sinh học,...; phun thuốc sát khuẩn chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tránh các loại vi khuẩn gây hại xâm nhập.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]