(Baothanhhoa.vn) - Để tạo nên diện mạo nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng XDNTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích người dân thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, vườn trại, trong đó chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất vườn trại

Để tạo nên diện mạo nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng XDNTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích người dân thực hiện cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, vườn trại, trong đó chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất vườn trạiMô hình “Nhà sạch vườn đẹp” tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).

Đến xã NTM kiểu mẫu Thiệu Trung (Thiệu Hóa) diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ rệt. Đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp, thông thoáng; các tuyến giao thông nội đồng cơ bản được cứng hóa, mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại và sản xuất của người dân. Những ngôi nhà tầng được xây dựng khang trang, vườn trại được đầu tư cải tạo trồng rau màu, cây ăn quả, hoa, ao cá... Không những tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, người dân còn chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường để nâng cao năng suất, thu nhập cho gia đình.

Là một trong những vườn mẫu đầu tiên của xã, gia đình bà Trần Thị Lư đã đầu tư đào ao thả cá, trồng hoa, các loại rau màu... Bà Lư cho biết: Trước đây mảnh vườn của gia đình chỉ trồng vài loại rau phục vụ nhu cầu của gia đình, ít chăm sóc nên hiệu quả kinh tế không cao, cảnh quan sơ sài. Sau khi được xã khuyến khích, tư vấn, gia đình bà mạnh dạn phá bỏ các cây trồng cũ, quy hoạch lại vườn theo từng khu trồng rau, hoa, cây cảnh, đào ao thả cá... Bên cạnh đó, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động, hệ thống thoát nước, rác hữu cơ được ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên nhổ cỏ, vệ sinh khu vực xung quanh vườn.

Cũng theo bà Lư, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tuy vốn đầu tư không nhỏ nhưng khi áp dụng cho kết quả lâu dài, cảnh quan vườn nhà đẹp hơn, sạch, tạo ra các sản phẩm rau, cá an toàn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

Để khuyến khích người dân đầu tư cải tạo vườn trại sạch, đẹp, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế, xã Thiệu Trung đã định hướng người dân cải tạo vườn khoa học, lựa chọn các loại cây phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ thâm canh của người dân. Bên cạnh đó, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện kỹ thuật cắt ghép cành, trẻ hóa cây ăn quả thường được trồng tại vườn nhà như nhãn, bưởi... Đối với các loại rau màu, xã tuyên truyền để các chủ vườn trại ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, lắp đặt hệ thống tưới tự động, trồng xen canh, cải tạo đường đi để thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch... Tại các vườn, trại kết hợp nuôi chim bồ câu, gà... theo hướng bảo vệ môi trường, sử dụng đệm lót sinh học, dọn vệ sinh chuồng trại thường xuyên...

Tại xã Trường Sơn (Nông Cống), sau khi được Hội Làm vườn và Trang trại huyện hỗ trợ, hướng dẫn cải tạo vườn mẫu, vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng không những thay đổi về cảnh quan mà còn mang lại thu nhập ổn định. Trước đây, với diện tích vườn hơn 500m2, ông chủ yếu trồng chuối, rau màu, nhưng không được quy hoạch rõ ràng nên kém hiệu quả. Sau đó ông đã mạnh dạn cải tạo đất, đưa các loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, trồng xen canh các loại rau màu, cây ăn quả, áp dụng khoa học - kỹ thuật, lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa. Theo ông Hoàng, hệ thống tưới phun mưa có chi phí lắp đặt thấp, lượng nước cung cấp cho cây không bị dư thừa, dưỡng chất từ phân bón cũng sẽ được cây hấp thụ nhanh hơn và đầy đủ hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Được biết, hầu hết vườn, trại tại xã Trường Sơn đều được người dân đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, tập trung trồng các loại rau mang lại hiệu quả kinh tế cao như sà lách, bí xanh, cà chua, dưa chuột... Nhờ vậy, nhiều vườn đã hình thành với khuôn viên có diện tích từ 1.000m2 trở lên, hài hòa giữa cảnh quan, môi trường, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật trong xây dựng vườn trại là cần thiết, bởi không những góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn hình thành thói quen của người dân trong việc sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư lắp đặt hệ thống tưới hiện đại, trồng các loại cây, rau màu có hiệu quả kinh tế cao, sử dụng màng phủ... tại các vườn trại chăn nuôi, người dân đã có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm balasa... Một số địa phương điển hình xây dựng được nhiều vườn trại chất lượng như huyện Nga Sơn, Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống... Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước tạo nên cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đóng góp quan trọng vào XDNTM, NTM nâng cao ở các địa phương.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]