(Baothanhhoa.vn) - Tại nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh, các hộ dân đã liên kết đưa các sản phẩm lên các kênh tiêu thụ online. Để khuyến khích, hỗ trợ người làm nghề đẩy mạnh đưa các sản phẩm tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương đã và đang cùng chính quyền các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về thương mại điện tử.

Đưa sản phẩm làng nghề lên sàn thương mại điện tử

Tại nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh, các hộ dân đã liên kết đưa các sản phẩm lên các kênh tiêu thụ online. Để khuyến khích, hỗ trợ người làm nghề đẩy mạnh đưa các sản phẩm tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương đã và đang cùng chính quyền các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về thương mại điện tử.

Đưa sản phẩm làng nghề lên sàn thương mại điện tửNhiều sản phẩm đồ đồng của Làng nghề đúc đồng Chè Đông (Thiệu Hóa) được giao dịch trên các sàn giao dịch điện tử. Ảnh: lê đồng

Vào trang mua sắm Shopee gõ sản phẩm dao Tiến Lộc dễ dàng tìm thấy cả vài chục bộ sản phẩm dao của làng nghề rèn xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc. Từ bộ dao 9 món thép nhíp dập vân kháng rỉ, chặt cây, xương, thái thịt, cán gỗ cẩm; bộ dao thép nhíp trắng, dao thái rèn tay từ nhíp ô tô, đến dao parang chặt cây, phát cây, thép nhíp carbon, rồi sản phẩm dao chữ S nhíp ô tô... Tất cả sản phẩm đều có hình ảnh rõ ràng, thông tin giới thiệu cụ thể từ việc mô tả về hình dáng, chất liệu, rồi cơ sở, quy trình sản xuất.

Giám đốc Công ty TNHH Xưởng rèn Tấn Lộc Tài (xã Tiến Lộc) Phạm Văn Tiến cho biết: Việc đưa các sản phẩm rèn Tiến Lộc lên tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Facebook, TikTok... được công ty thực hiện từ năm 2020. Từ khi được tiêu thụ trên các kênh này, số lượng sản phẩm được tiêu thụ tăng nhanh. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, lượng sản phẩm tiêu thụ bình quân đạt tới 1 triệu sản phẩm/năm. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử của công ty đã đạt mức hơn 300.000 sản phẩm các loại, chiếm hơn 70% số lượng sản phẩm tiêu thụ của công ty. Mức tiêu thụ này cao gấp 11 lần so với trước đây.

Ông Tiến cho biết thêm: Chi phí để chạy quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử của công ty mỗi năm dao động từ 30 đến 50 triệu đồng, nhưng lợi nhuận từ việc tiêu thụ lượng lớn sản phẩm từ kênh bán hàng này mang lại đạt gấp 3 đến 4 lần so với chi phí bỏ ra. Hơn nữa, từ việc bó buộc thị trường tiêu thụ trong tỉnh, đến nay thông qua việc tiêu thụ trên các kênh thương mại điện tử, các sản phẩm của làng nghề rèn Tiến Lộc đã được đông đảo khách hàng trong cả nước biết đến và lựa chọn tin dùng. Riêng đối với Công ty TNHH Xưởng rèn Tấn Lộc Tài, trong hơn 2 năm qua đã có hàng trăm đơn hàng có số lượng lớn được đặt thông qua kênh điện tử. Ông Tiến cho rằng, trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc bỏ qua kênh tiêu thụ điện tử thực sự là thiếu sót lớn đối với doanh nghiệp và người làm nghề.

Hiện nay, tại nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh, các hộ dân đã liên kết để cùng đưa các sản phẩm lên các kênh tiêu thụ online. Đơn cử như tại phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, đã có hơn 50 hộ liên kết để đưa sản phẩm mắm Ba Làng lên tiêu thụ trên kênh Shopee, Lazada và quảng cáo sản phẩm trên kênh TikTok. Mỗi hộ làm nghề còn thực hiện tiêu thụ riêng qua các trang Facebook, Zalo cá nhân. Điều này giúp các hộ dân san sẻ chi phí cũng như lợi ích. Đồng thời, từ đó trao đổi kinh nghiệm trong việc đẩy mạnh tiêu thụ điện tử.

Đưa sản phẩm làng nghề lên sàn thương mại điện tửSản phẩm dao của làng nghề rèn Tiến Lộc được bán trên trang Shopee.

Tìm hiểu qua một số doanh nghiệp, cơ sở làm nghề trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết, việc đưa các sản phẩm làng nghề lên sàn thương mại điện tử mới thực sự được các đơn vị chú trọng từ năm 2020, khi kênh tiêu thụ truyền thống, trực tiếp bị đình trệ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Quá trình phát triển thị trường tiêu thụ trên các kênh online đã giúp người làm nghề nhận ra tiềm năng và lợi ích vượt trội. Bởi vậy, hiện hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở làm nghề ít hay nhiều đều phát triển kênh tiêu thụ này. Có cơ sở quy mô nhỏ thì giới thiệu, quảng cáo, rao bán sản phẩm trên các kênh miễn phí như: Facebook, Zalo, Lazada. Những doanh nghiệp, cơ sở quy mô lớn đã sẵn sàng bỏ chi phí để quảng cáo sản phẩm trên các kênh bán hàng trực tuyến.

Để khuyến khích, hỗ trợ người làm nghề đẩy mạnh đưa các sản phẩm tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương đã và đang cùng chính quyền các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về thương mại điện tử cho các hiệp hội làng nghề và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ làng nghề, làng nghề truyền thống. Tại các buổi tập huấn, các chuyên gia, cán bộ chuyên môn đã hướng dẫn tới các chủ thể giải pháp ứng dụng thực tiễn về phát triển thương mại điện tử trên các trang mạng như: tiếp thị trên mạng xã hội Facebook; tiếp thị bằng Google Marketing; tìm hiểu và xây dựng kênh TikTok... Ngoài ra, các học viên còn được nắm bắt, tiếp cận thông tin về xu hướng quảng cáo kỹ thuật số, như: sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình xử lý, chuyển đổi thông tin; tiếp thị kỹ thuật số được cá nhân hóa; tạo dựng video Marketing; trải nghiệm cuốn hút trên đa kênh. Ngoài ra, các đơn vị chức năng liên quan của tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, như: hỗ trợ xây dựng bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến, sử dụng email riêng, chữ ký số, hóa đơn điện tử; tem điện tử, mã QR Code... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]