Không gian văn hóa đặc sắc dưới chân Pù Luông
Lâu nay, người ta nhắc nhiều tới đỉnh Pù Luông nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông - nơi được mệnh danh là “thiên đường giữa đại ngàn” của xứ Thanh. Nhưng ít ai biết rằng, ở huyện Lang Chánh cũng có đỉnh Pù Luông sừng sững “che mưa, chắn gió” cho những bản làng người Thái từ ngàn xưa.
Đường vào thung lũng lúa Ngàm Pốc, thung lũng hoa Mường Đeng.
Bình yên dưới chân núi Pù Luông
Trong tiếng Thái, Pù Luông là chỉ ngọn núi cao nhất. Vì thế, đồng bào Thái dựng bản, lập mường ở đâu, ở đó sẽ có ngọn núi tên Pù Luông. Chẳng ai biết bản Peo, bản Ngàm Pốc, bản Vặn, bản Tráng dưới chân núi Pù Luông hình thành từ bao giờ. Chỉ biết từ xa xưa tổ tiên của họ ở Hòa Bình, Sơn La... do thiếu đất phát nương, làm rẫy, phải đi tìm những vùng đất mới để khai phá lập bản, dựng mường, sinh cơ lập nghiệp. Họ chia thành từng nhóm có quan hệ họ hàng, huyết thống lần bước theo đường biên giới Việt - Lào, rồi đặt chân lên đất Yên Thắng thuộc huyện Lang Chánh. Ở đó có con suối Ngàm trong vắt, mát lạnh rì rào tuôn chảy suốt ngày đêm thuận lợi cho cấy hái. Và họ quyết định dừng lại, kết thúc hành trình “thiên di” để định cư, lập bản, khai khẩn ruộng hoang.
Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi vượt hơn 100km để đến xã Yên Thắng - nơi chung sống của khoảng 6.000 đồng bào Thái đen. Qua chiếc cầu treo suối Ngàm là một tiểu vùng văn hóa mang đậm sắc thái bản địa của đồng bào Thái. Chào đón chúng tôi là thung lũng lúa Ngàm Pốc, thung lũng hoa Mường Đeng. Nơi đây, hàng chục ha ruộng bậc thang nằm trải dài dọc thung lũng, được “tắm mát” và cung cấp phù sa bởi dòng suối Ngàm. Đi qua bản Ngàm Pốc, con đường độc đạo đến bản Peo ngổn ngang đá cuội to, nhỏ. Đặc biệt, đá cuội cũng được người dân tận dụng làm hàng rào, lát sân, chuồng nuôi gia súc. Bản có 84 hộ dân sống quây quần bên sườn núi Pù Luông. Có lẽ, điều kiện tự nhiên cách trở nên dân bản ít giao lưu với thế giới bên ngoài, vì thế mà những bản sắc văn hóa của đồng bào Thái nơi đây vẫn được giữ nguyên vẹn.
Đầu bản là ngôi nhà sàn cổ, trầm mặc trên nền xanh thẫm của núi và trời. Anh Ngân Văn Xem, bí thư chi bộ, trưởng bản Peo nói đầy tự hào: “Ngôi nhà sàn cũng ngót tuổi mình, gần 40 rồi đấy!. Ngày xưa, các cụ thường dựng nhà ở nơi cao ráo, thoáng mát với lưng tựa vào đồi, núi, mặt quay ra sông, suối hoặc cánh đồng. Nhà có hai tầng, tầng trên thường có 3 gian, dành cho sinh hoạt gia đình chủ nhà và tiếp khách, tầng dưới dùng để các nông cụ sản xuất, gỗ, củi... Trước đây, đời sống khó khăn, nhà sàn của đồng bào Thái thường làm đơn giản, lợp tranh, thưng bằng tre nứa. Từ những năm 70 trở lại đây, người dân trong bản làm nhà sàn chắc chắn hơn, mái được lợp ngói, thưng ván gỗ. Hiện tại, bản đang có 80 ngôi nhà sàn, bao gồm hơn 10 ngôi nhà sàn cổ bằng gỗ, còn lại được cách điệu, đổi mới bằng những ngôi nhà sàn bán bê tông và lát gạch hoa sạch sẽ”.
Dưới mái nhà sàn truyền thống, mẹ con bà Ngân Thị Sang đội chiếc khăn piêu truyền thống, ngồi thêu, dệt trước hiên nhà. Qua bao đổi thay, đồng bào Thái vẫn giữ được nghề dệt vải với những nét riêng. Bên cạnh đó, những người đàn ông trong bản cũng tiếp nối nghề đan lát của cha ông và nhiều người còn biết làm các loại nhạc cụ dân tộc như sáo ôi, khèn bè, bóng bù...
Ở bản Peo nói riêng và các bản làng khác của xã Yên Thắng nói chung, ngoài việc lưu giữ nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống, các bà, các chị vẫn lưu giữ được những làn điệu dân ca, dân vũ Thái. Mỗi khi bản làng đón tết hay vui hội, điệu khặp lại vang lên, hòa cùng thanh âm cồng, chiêng, khua luống, khèn pí và tiếng reo vui của dòng suối Ngàm, tiếng vi vu núi rừng tạo nên bản giao hưởng rộn ràng.
Bên cạnh những nét văn hóa giàu bản sắc, đồng bào Thái ở bản Peo còn giữ được những quy ước, hương ước để xây dựng bản làng, dòng họ hòa thuận, đoàn kết trong ứng xử với thiên nhiên...
Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
Một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái đen ở xã Yên Thắng mà du khách khi đặt chân đến đây đều ấn tượng là văn hóa ẩm thực. Trong đời sống của đồng bào Thái đen, các món ăn có vai trò đặc biệt nên được chế biến rất cầu kỳ theo nhiều phương thức, sử dụng nguyên liệu riêng, gia vị độc đáo mang đặc trưng của dân tộc để tỏ lòng hiếu khách. Các món ăn độc đáo mà họ thường dùng là xôi nếp nương đồ bằng chõ gỗ chấm với muối mắc khẻn Mường Đeng - sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương. Ngoài ra, còn có các món thịt bò, cá, gà được tẩm ướp gia vị, mắc khẻn, tỏi, ớt, gừng, muối rồi gói trong lá chuối rừng, lá dong hoặc kẹp tre nướng trên than củi hồng hay vùi tro bếp nóng. Xuất phát đời sống, điều kiện địa lý, khí hậu và tập quán sinh hoạt nên các món ăn của cộng đồng dân tộc Thái ở Yên Thắng luôn có hương vị, sắc màu độc đáo và trở thành văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc. Đặc biệt nữa là ở Yên Thắng có những phiên chợ vùng biên, nơi giao lưu văn hóa, buôn bán giữa Nhân dân cụm bản Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, nước bạn Lào và vùng biên giới Lang Chánh.
Ngôi nhà sàn cổ đầu bản Peo.
Từ không gian địa lý đến phong tục, tập quán, ẩm thực,... tiểu khu văn hóa bên dòng suối Ngàm có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Để phát huy tiềm năng ấy, lễ hội cầu an, cầu sức khỏe Chá Mùn; lễ hội Mường Đeng đã được đầu tư phục dựng nhằm lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng. Các hoạt động văn hóa truyền thống được tái hiện trong đời sống, gắn với khai thác lợi thế chợ văn hóa, du lịch khám phá ruộng bậc thang ở bản Ngàm Pốc, kinh doanh homestay ở bản Peo. Hy vọng thời gian tới, xã Yên Thắng sẽ được quan tâm đầu tư hơn nữa trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ nhằm phát triển du lịch cộng đồng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Rời Yên Thắng, làn khói từ những gian bếp bay lên, vương vấn những mái nhà sàn cổ tạo nên vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình cho bản làng. Vẫn còn bao tiếc nuối trong lòng, hẹn dịp khác sẽ lại ngược dòng suối Ngàm, trở về với mường cổ xinh tươi...
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-01-11 16:02:00
Phát huy giá trị di tích đền thờ Trần Hưng Đạo
-
2025-01-11 14:06:00
Về vùng đất văn hóa - tâm linh Vĩnh Thịnh
-
2024-07-23 10:18:00
Biển Hải Lĩnh – điểm đến mới của giới trẻ
Về vùng quê nhiều di tích lịch sử văn hóa
Quan tâm, đầu tư tôn tạo di tích quốc gia chùa Vích
Đình làng Phú Vinh
Phát huy giá trị du lịch của di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Khám phá vùng đất Yên Thắng
Phủ Cẩm trên đất Định Công
Người dân háo hức chờ đợi phố đi bộ đầu tiên tại TP Thanh Hóa
Khám phá chợ đêm Sầm Sơn
Kỳ vọng gì từ các điểm đến mới ở xứ Thanh?